Từ hành động cụ thể như tổ chức các nhóm đi nhặt rác, tuyên truyền giúp người dân có ý thức không vứt rác xuống đường, đến những dự án giúp người dân giảm sử dụng chai nhựa nhằm hướng tới một môi trường sống không rác thải nhựa trong tương lai đã được các nhóm bạn trẻ 9X thực hiện thời gian qua.
“Chết” biệt danh Tuệ nhặt rác
Hôm gặp Phan Trung Minh Tuệ, điều phối viên tổ chức phi lợi nhuận Việt Nam Sạch và Xanh, nhóm của Tuệ đang tất bật chuẩn bị chương trình nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho nhân viên một số công ty. “Trước giờ bằng các hành động thiết thực, chúng em đã tuyên truyền để người dân, mà nhất là các bạn trẻ, có thêm nhận thức về việc không xả rác bừa bãi. Nay nhóm đang tiến hành đẩy mạnh việc tuyên truyền đến nhân viên các công ty với mong muốn nâng cao nhận thức cho nhiều người hơn, không chỉ thông qua việc nhặt rác mà cả các sản phẩm họ đang sản xuất”, Minh Tuệ chia sẻ. Cũng bởi suốt ngày vùi đầu vào các dự án bảo vệ môi trường, tổ chức các chương trình chung tay nhặt rác, chàng trai 26 tuổi ấy được bạn bè gọi chết danh “Tuệ nhặt rác” từ lúc nào không hay.
Tuệ kể, 5 năm trước, khi còn là giảng viên Trường Đại học RMIT, anh Nguyễn Hữu Nhân (một người Mỹ gốc Việt) nhận thấy vấn đề ô nhiễm môi trường tại Việt Nam, mà nhất là TPHCM, đang trở nên nghiêm trọng. Một lần lên lớp, anh hỏi các sinh viên của mình rằng có ghét việc xả rác không. Hầu hết sinh viên trả lời có. “Vậy các em có cam kết không xả rác không”, người thầy tiếp tục hỏi. Khi nhận được sự đồng tình của sinh viên, người giảng viên trẻ ấy đã trao những sợi ruy băng xanh cho sinh viên, với mong muốn mỗi sợi dây là một lời cam kết không xả rác. Anh Nhân cũng không ngờ sự kết nối lan rất nhanh, chỉ sau một năm đã có 15 trường đại học trên toàn quốc với hơn 26.000 sinh viên cam kết thực hiện. Và thay vì nghe về biến đổi khí hậu, hiện tượng toàn cầu nóng lên, nhóm ruy băng xanh đã có những việc làm thiết thực trong bảo vệ môi trường, kêu gọi mọi người không xả rác.
Theo Minh Tuệ, dự án ruy băng xanh là chương trình thiết thực đầu tiên mà nhóm phi lợi nhuận Việt Nam Sạch và Xanh thực hiện. Tiếp nối sức lan tỏa ấy, năm 2015, tại TPHCM, từng nhóm nhỏ các bạn trẻ với chiếc áo xanh đã ra quân dọn vệ sinh quanh đường phố, nơi có các cao ốc văn phòng, công viên. “Công việc ấy được lặp lại hàng tháng. Không chỉ có những tình nguyện viên của nhóm, chúng em còn kêu gọi thêm nhân viên các công ty gần đó dành thời gian tham gia. Cả các bác xe ôm cũng nhiệt tình hưởng ứng. Từ việc làm này, chúng em muốn mỗi người khi tham gia sẽ là một tuyên truyền viên hữu hiệu trong công tác vận động mọi người không xả rác”, Minh Tuệ cho biết. Thực tế, từ hành động nhỏ này, nhóm Việt Nam Sạch và Xanh đã phát triển lên thành chương trình Ngày trái đất và được lan rộng trên toàn quốc. Bằng hành động cụ thể, nhóm đã giúp mọi người thể hiện tình yêu của mình đối với trái đất.
Dự án nhỏ cho một ý thức lớn
Một lần, từ câu hỏi của cô con gái nhỏ “các chai nhựa này bao lâu thì phân hủy và chai nhựa có hại cho môi trường không”, nhóm của Quỳnh Hương đã lên ý tưởng cho dự án bán nước lọc bảo vệ môi trường với tên gọi Save Your Ocean. Mục tiêu của nhóm là đến năm 2020 sẽ lắp 10.000 trạm cấp nước có gắn chip tại các khu đông người và cả tại các nhà dân. “Chỉ cần chạm nắp bình tại các trạm, người dùng có thể bơm thêm nước vào bình với giá 2.500 đồng/lần mà không phải mua các chai nước thông thường.
Điều này giúp tiết giảm nhu cầu dùng chai nhựa của xã hội và như thế sẽ giảm thiểu lượng rác thải nhựa xả ra môi trường”, Quỳnh Hương cho biết. Bên cạnh đó, để thay đổi thói quen dùng chai nhựa của người dân, nhóm của Hương còn cho ra mắt bình giữ nhiệt bọc ống trúc. Khi sử dụng bình này, người lấy nước sẽ được giảm chi phí lấy nước tại các trạm. “Nếu mỗi người đều tập thói quen sử dụng bình để lấy nước thay cho chai nhựa thì một ngày không xa, TP sẽ giảm được một lượng lớn rác thải nhựa ra môi trường”, Quỳnh Hương hy vọng.
Với dự án mới của mình - chấm dứt rác thải nhựa, Phan Trung Minh Tuệ tâm sự: “Chúng em cần sự chung tay của cộng đồng. Nếu trước đây, nhóm tạo ra sự kiện, trang bị công cụ để mọi người tham gia dọn vệ sinh, thì nay chúng em muốn truyền cảm hứng để mỗi người đều có ý thức hành động”. Thực tế công việc này cần sự đam mê và ý thức cao. Nhiều bạn trẻ khi tham gia thì hào hứng, nhưng nếu chỉ vì vui, chỉ tham gia 1, 2 lần thì không hiệu quả. Đây là việc làm cần sự kiên nhẫn lâu dài. Nói kiên nhẫn, bởi sau thời gian hoạt động, Tuệ đúc kết được việc vẫn còn không ít người thấy… xấu hổ vì phải đi nhặt rác! Nhưng đó là hành động thiết thực đầu tiên và dần sẽ trở thành nhận thức bảo vệ môi trường. “Một lần em hỏi người bạn, vì sao một số tuyến đường tại TPHCM sạch đẹp? Bạn em trả lời ngay là nhờ người lao công. Khi ấy, em tự hỏi bao giờ người dân có ý thức không xả rác, nhất là có cách sử dụng rác thải nhựa hợp lý, thì TP sẽ không tốn chi phí cho công tác dọn vệ sinh nữa”, Tuệ chia sẻ. |