Vi sinh vật biển đơn bào có tên khoa học là Prorocentrum cf. Balticum, một loài hoàn toàn mới, có khả năng quang hợp và thải ra chất giàu carbon có thể “bẫy” các vi sinh vật khác trước khi chìm xuống đáy biển.
Nó hoạt động như một “máy bơm carbon sinh học”, theo đó kết hợp quá trình hấp thụ carbon từ khí quyển thông qua chu trình tuần hoàn của chất hữu cơ, sau khi chìm xuống đáy đại dương, bị chôn vùi hàng ngàn năm.
Dựa trên các nghiên cứu được thực hiện ngoài khơi Sydney, các nhà nghiên cứu ước tính loài vi khuẩn vừa được phát hiện này có khả năng hấp thụ 0,02-0,15 gigatons carbon hàng năm xét trên toàn cầu. Để đáp ứng các mục tiêu khí hậu trong tương lai, các nhà khoa học ước tính mỗi năm, thế giới cần loại bỏ khỏi bầu khí quyển 10 gigatons carbon dioxide cho đến năm 2050.
Nhiều quá trình tuần hoàn và các vi khuẩn khác cũng tham gia quá trình hấp thụ carbon dưới biển, bao gồm cả thực vật phù du, nhưng Prorocentrum cf. Balticum còn có khả năng chống axit hóa và sự ấm lên của đại dương.
Tác giả chính của nghiên cứu trên - nhà sinh vật học biển Michaela Larsson cho biết, khả năng chống chịu của loài vi khuẩn này đối với sự ấm lên toàn cầu sẽ giúp thu giữ carbon tự nhiên trong tương lai, nhưng sẽ cần phải thực hiện nhiều nghiên cứu hơn nữa nếu trực tiếp sử dụng chúng.