Theo đó, Bộ Y tế chỉ rõ, bệnh Whitmore là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei gây ra. Vi khuẩn B. pseudomallei tồn tại tự nhiên trong đất, có thể gây ô nhiễm nguồn nước và lây truyền chủ yếu qua da khi có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn. Hiện chưa có bằng chứng về việc lây truyền vi khuẩn từ người sang người hoặc từ động vật sang người.
Bệnh Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và có thể gây tử vong do biến chứng viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng. Những người có bệnh nền như: tiểu đường, gan, thận, phổi mãn tính, suy giảm miễn dịch... có nguy cơ mắc bệnh cao.
Hiện chưa có vaccine phòng bệnh Whitmore nên các biện pháp dự phòng chủ yếu là đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không đảm bảo vệ sinh…
Theo Bộ Y tế, tại nước ta, bệnh Whitmore được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1925, sau đó xuất hiện rải rác qua các năm tại một số địa phương. Các ca bệnh gần đây nhất được phát hiện là tại tỉnh Đắk Lắk và Thanh Hóa, trong đó trường hợp tử vong vào ngày 20-9 vừa qua là 1 bệnh nhi 15 tuổi ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.