Ngày 15-11, UBND TPHCM tổ chức hội thảo đổi mới và nâng cao hiệu quả phong trào thi đua sáng tạo và các giải thưởng sáng tạo TPHCM. Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Võ Ngọc Quốc Thuận, Giám đốc Sở Nội vụ; Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Lê Thanh Minh, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM.
Mong mỏi đưa công trình đoạt giải vào cuộc sống
Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu dành nhiều sự quan tâm đến giải pháp ứng dụng các đề án, chương trình đoạt giải sau trao giải; giải pháp để chấm giải đạt kết quả cao nhất. Ông Nguyễn Viết Tuấn, thành viên giám khảo ở lĩnh vực Khoa học - công nghệ cho rằng, khi chấm các hồ sơ tham dự giải thưởng sáng tạo, hội đồng chấm giải cần đến tận nơi chấm các đề tài dự thi. Theo ông Tuấn, lâu nay hội đồng chấm giải chủ yếu chấm qua hồ sơ. Việc thay đổi cách thức, đến tận nơi, tìm hiểu thực tiễn thì việc chấm điểm sẽ đảm bảo tin cậy hơn.
Bên cạnh đó, nên có tổng kết về các đề tài, dự án đã được trao giải thưởng ở những lần trước để đánh giá cụ thể đề tài, dự án đó đã được ứng dụng vào thực tiễn và mang lại hiệu quả ra sao cho xã hội.
Ý kiến của ông Tuấn nhận được sự đồng thuận của nhiều đại biểu tham gia hội thảo. Ông Trần Duy Hào, Giám đốc Công ty CP Giải pháp chuyên gia STAR GLOBAL (đơn vị đoạt giải Nhì Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 3 với công trình Hệ sinh thái chuyển đổi số “Web/app tương tác thông minh 3D/360”) cho rằng ứng dụng sau trao giải chính là vấn đề mấu chốt để thu hút các nhà sáng tạo tham gia giải thưởng. “Suy cho cùng các tác giả tham gia giải thưởng sáng tạo để mang lại giá trị đích thực đi vào cuộc sống. Nên chăng thành phố tạo ra cộng đồng những người đã tham gia giải thưởng sáng tạo để các công trình đoạt giải các năm cùng ngồi lại, kết nối với nhau tìm giải pháp để đưa các công trình vào cuộc sống. Bởi nếu chúng ta chỉ sáng tạo mà không kế thừa thì sẽ rơi vào tình trạng tiếp tục loay hoay đi tìm những giải pháp mới”, ông Hào nói.
Tiếp nối trăn trở trên, Tiến sĩ Huỳnh Thanh Lam, thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật TPHCM cho rằng, hiện cơ chế để nhà nghiên cứu tiếp tục triển khai giải pháp để đưa vào cuộc sống thì gần như không có. Theo TS Huỳnh Anh Lam, tiền không phải là quyền lợi cao nhất mà người đạt giải mong muốn mà quyền lợi họ mong muốn là có sự kết nối để phát triển thêm ý tưởng. Đó là động lực lớn nhất để thu hút nhà nghiên cứu, sáng tạo. “Đạt giải ở cuộc thi không nên là điểm kết thúc mà nên là điểm khởi đầu để đưa giải pháp vào cuộc sống, đó mới thực sự là đổi mới sáng tạo”, TS Huỳnh Anh Lam nhận định.
Nhìn ở góc độ những người trẻ, ông Đoàn Kim Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ (thuộc Thành đoàn TPHCM) cho rằng, hiện Thành đoàn có giải thưởng Eureka với rất nhiều kết quả tích cực, được đánh giá cao, thu hút được nhiều sinh viên cả nước tham gia. Tuy nhiên, đến nay, giải này vẫn không nằm trong hệ thống giải thưởng của thành phố nên rất khó khăn, hạn chế, nhất là về ngân sách để hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học. Để khuyến khích sinh viên và đưa giải thưởng Eureka thành sân chơi, ông Đoàn Kim Thành mong thành phố đưa vào giải thưởng chính thức của thành phố để có thêm nhiều cơ chế động viên người trẻ...
Sáng tạo ở mọi lĩnh vực
Phát biểu kết luận tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh, thành phố triển khai các phong trào sáng tạo, giải thưởng sáng tạo là nhằm hướng tới yêu cầu cao hơn so với các phong trào thi đua trước đây. Ở đó, phong trào thi đua sáng tạo trong các hoạt động lao động, sản xuất phải có chất mới, sáng tạo phải đi trước một bước, không chỉ là giải quyết bài toán trước mắt trong từng cương vị công tác mà còn có định hướng, dẫn dắt cho một loạt các hoạt động tương lai sẽ diễn ra.
Do đó, đồng chí yêu cầu các cơ quan, đơn vị chú trọng đẩy mạnh thi đua sáng tạo trong mọi hoạt động hàng ngày. "Ngay cả trong các cơ quan hành chính, trong tổ chức hoạt động của các cơ quan nhà nước cũng phải có sự thay đổi. Nếu làm theo cách cũ thì chúng ta đi sau và chúng ta trở thành khởi nguồn của sự trì trệ”, đồng chí nhìn nhận.
Đồng chí Võ Văn Hoan phân tích, cơ quan nhà nước thực hiện các nhóm công việc rất khó sáng tạo vì phải làm theo luật, theo quy định, quy trình nhưng nếu cứng nhắc thì trì trệ, doanh nghiệp gặp khó, dẫn đến thành phố khó phát triển. Các địa phương, đơn vị phải tìm cách để khắc phục, trong thực thi pháp luật thì phải gắn với thực tiễn, lấy thực tiễn để soi rọi pháp luật. Muốn vậy phải có tư duy về sáng tạo, tìm cách để vươn lên chứ không vì những khó khăn, vướng mắc, nhất là vì các vấn đề đã xảy ra ở thành phố mà lùi bước. “Dứt khoát phải sáng tạo, không thể khác được”, đồng chí đặc biệt nhấn mạnh; đồng thời yêu cầu các địa phương, đơn vị quyết liệt hơn nữa.
Đồng chí gợi mở, phong trào thi đua của thành phố thời gian tới phải thực hiện ở 3 cấp độ. Cấp độ một là mọi phong trào thi đua ở thành phố phải gắn với sáng tạo. Cấp độ hai là thành phố khuyến khích việc các cơ quan, địa phương, đơn vị tổ chức giải thưởng riêng; trong đó, thành phố sẽ xem xét những giải thưởng sáng tạo của cơ sở nếu được làm thường xuyên, có sự lan tỏa, tạo sự tác động trong xã hội thì nâng lên thành giải thưởng sáng tạo nằm trong hệ thống Giải thưởng Sáng tạo của TPHCM. Và cấp độ cao nhất là Giải thưởng Sáng tạo TPHCM - nơi kết tinh từ các giải thưởng sáng tạo, các phong trào thi đua ở thành phố.
Đồng chí Võ Văn Hoan cũng nhìn nhận thành phố cần có chính sách toàn diện, nhất là chính sách sau công nhận đoạt giải, phát huy vai trò của các cơ quan báo chí trong tuyên truyền; đồng thời yêu cầu phát huy vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong nhận thức và triển khai các phong trào thi đua sáng tạo và triển khai để phong trào thi đua sáng tạo lan tỏa khắp nơi, len lỏi trong mọi lĩnh vực.