Thành công sau nhiều thăng trầm
Anh Đỗ Quang Tâm sinh ra trong một gia đình giàu có ở Sài Gòn, nhưng những biến động của thời cuộc đã khiến gia đình anh lâm vào cảnh khó khăn. Cha mẹ anh phải gồng gánh nuôi 6 con trai ăn học. Từ đó, anh nuôi chí làm giàu, mang trên vai khát vọng thành công làm hành trang vào đời. Trên bước đường lập nghiệp, anh Tâm đã trải qua rất nhiều công việc, từ lao động chân tay đến trí óc, chưa có việc nào anh từ nan. Anh từng bán hủ tíu dạo, làm nhân viên khách sạn, làm thợ may, lái xe, dạy võ, huấn luyện viên khiêu vũ, làm giảng viên trường đại học, giám đốc ngân hàng, tư vấn viên bảo hiểm nhân thọ… và làm chủ doanh nghiệp.
Tuy vậy, con đường đến với nghề tư vấn bảo hiểm của anh cũng đầy khó khăn và thử thách. “Bỏ vị trí giám đốc ngân hàng để làm lại từ đầu với nghề tư vấn viên bảo hiểm, quyết định này của tôi khiến gia đình cảm thấy tổn thương, bạn bè thất vọng. Nhiều người gọi tôi là thằng điên.” - anh Tâm nhớ lại.
Tháng đầu tiên anh không bán được hợp đồng nào, đi tới đâu cũng bị từ chối. Nhưng càng khó khăn càng kích thích ý chí “chiến đấu” của anh. “Phải làm cho bằng được để chứng minh với mọi người” - anh tự nhủ. Cuối cùng, bằng sự kiên định và quyết tâm, anh đã làm tốt vai trò của một tư vấn viên bảo hiểm và nay trở thành một lãnh đạo xuất sắc.
Chia sẻ về những thành công của mình, anh nói: “Công việc rất bận rộn, mỗi tháng tôi chỉ nghỉ tối đa 4 ngày. Thời gian làm việc trong ngày không cố định, đôi khi 2 giờ sáng đã phải đi giải quyết công việc. Tuy nhiên, tôi chiêm nghiệm rằng, không có con đường nào dẫn tới thành công lại chỉ trải đầy hoa hồng. Đôi khi thành công đòi hỏi sự hy sinh, đặc biệt là sự hy sinh của gia đình, những người thân yêu của mình”.
Chuyện về cô gái bán bánh mì
Rất nhiều kỷ niệm trong quá trình làm nghề, anh Tâm nhớ nhất là câu chuyện thành công của những người đồng nghiệp mà anh đã gặp gỡ và nâng đỡ. Đặc biệt là câu chuyện “cô gái bán bánh mì” có hoàn cảnh rất khó khăn nhưng khát khao thay đổi cuộc đời mãnh liệt. Dù đã làm tư vấn viên bảo hiểm được nửa năm nhưng cô không kí được bất kỳ hợp đồng nào.
“Lúc nói chuyện với tôi, nước mắt cô chảy tràn khi đề cập đến những khó khăn trong cuộc sống, thu nhập chính của cả gia đình chỉ trông chờ vào lò bánh mì mà hai vợ chồng thuê lại để mưu sinh. Nhưng tôi cảm nhận được khát vọng đổi đời của cô rất lớn. Tự dưng tôi thấy mình có trách nhiệm phải giúp cô có cuộc sống khá hơn, tôi nói: “Anh sẽ giúp em” - anh Tâm nhớ lại. Và đó là một lời hứa thật sự chứ không chỉ là lời an ủi suông.
Ngay sau đó, anh bắt tay vào việc hướng dẫn, kèm cặp cô. Tuy nhiên, mọi chuyện không phải dễ dàng, cô không có tiến bộ gì đáng kể. Vào một chiều đông giữa tháng 10-2012, anh nhận được tin cô bé bán bánh mì đang đứng khóc giữa ngã tư gần văn phòng.
“Trong cơn mưa chiều, giữa cái rét cắt da thịt, tôi thấy cô bé sụt sùi, run rẩy. Tôi biết cô đã thất vọng cỡ nào khi không còn màng đến ánh nhìn của những người xung quanh” - anh Tâm xúc động nhớ lại.
Vì đi tư vấn chờ khách hàng hết ngày mà không ký được hợp đồng, đến chiều thì nhớ ra còn bánh mì chưa bán. Cô suy sụp. Hai vợ chồng chỉ có 1 triệu đồng làm vốn. Một ngày không bán hết bánh có nghĩa là không còn tiền mua bột và sinh nhai cho ngày hôm sau, cả nhà sẽ không biết xoay xở thế nào.
“Tôi đưa cô 1 triệu đồng và hứa sẽ giúp cô. Ngay lúc đó tôi cũng đã tự hạ quyết tâm sẽ giúp con người này đổi đời, bằng tất cả nỗ lực của mình và của bản thân cô ấy”, anh Tâm kể.
Sau đó, cũng mấy lần nữa anh phải tiếp tục mua bánh mì giúp cô. Ngoài sự tự cam kết của anh, thì nghị lực của cô gái cũng là động lực để anh vững tâm thực hiện lộ trình anh đã đặt ra cho cô. Ban ngày cô trau dồi kiến thức về nghề và đi tư vấn bảo hiểm, tối đến lại làm bánh mì đi bán, mỗi ngày chỉ ngủ được chừng 1 đến 2 giờ. Mặc dù vất vả, nhưng cô chưa từng than vãn hay có ý định rút lui. Chính nghị lực đó là một trong những lý do lớn nhất để cô ấy thành công.
Ngoài Thơm, có không ít những anh chị khác cũng nhờ sự dìu dắt của anh Tâm mà đạt được thành công trong công việc và cuộc sống. Theo anh “Người dẫn dắt phải làm trọn chữ uy và tín mới có thể giúp đỡ được người khác”.
“Tâm huyết của tôi là tất cả mọi người đều có thể thành công, có thu nhập tốt và làm chủ tương lai của mình” - anh Tâm bộc bạch. Chính vì vậy, anh không nề hà khi thường xuyên được mời đến chia sẻ kinh nghiệm với các văn phòng bạn. Thậm chí, anh còn tới chia sẻ ở một số giảng đường đại học. Anh tin rằng những hoạt động thực tế đó có thể giúp người khác thay đổi, dám mơ ước và dám cầu tiến.
“Bí quyết thành công, là không có bí quyết gì! Muốn thành công, trước tiên bạn phải hiểu ước mơ, mục tiêu của mình là gì, sở trường ra sao... Sau đó hãy nỗ lực tối đa, kiên trì để đạt được mục tiêu đó. Đừng quên đặt chữ “tâm” vào mỗi công việc mình làm”, anh nhắn nhủ.