Tuy vậy, thời điểm này chỉ có 40/237 chợ truyền thống của thành phố hoạt động. Nhiều địa phương thừa nhận, mở lại chợ là rất khó vì nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Thế nhưng, nếu đặt lợi ích của người lao động lên trên hết, thì mọi vấn đề đều có hướng ra. Chợ Bình Thới (quận 11) và chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) không ít lần đóng cửa vì phát hiện ca mắc Covid-19. Nhưng ban quản lý các chợ này vẫn bền bỉ tìm cách mở lại chợ an toàn. Trang bị máy đo thân nhiệt, đeo kính chống giọt bắn, làm vách ngăn trong suốt, tiêm vaccine cho tiểu thương và xét nghiệm vài ngày 1 lần. Nhờ vậy, người bán yên tâm mà người mua cũng đỡ thấp thỏm.
Tất nhiên, quy mô sẽ không thể so sánh với trước đây. Chợ Nguyễn Tri Phương chỉ có khoảng 500 lượt khách mỗi ngày với khoảng 30 tiểu thương hoạt động. Chợ Bình Thới chỉ khoảng 15 sạp hàng nhưng tổ chức thêm bán lưu động và bán hàng theo combo…
Hiện nay, hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn hoạt động và đảm bảo phòng chống dịch. Tại sao chợ truyền thống không thể từng bước vận hành với sự giám sát của ban quản lý và địa phương? Trong khi tiểu thương và người dân, nhất là người thu nhập thấp trông ngóng từng ngày. Không gian mở của chợ truyền thống cũng đảm bảo thông thoáng, giãn cách. Người dân có thể tiết kiệm thời gian nếu chợ gần nhà. Chợ dã chiến tại huyện Củ Chi được lập trên 1 sân bóng là minh chứng hiệu quả.
Mở lại chợ, nguy cơ lây nhiễm là có nếu không được quản lý, giám sát. Nhưng ý thức tiểu thương và người dân nay đã khác. Dịch Covid-19 khiến muôn mặt đời sống đình trệ, thu nhập cạn kiệt. Vì thế, người dân sẽ tự bảo vệ mình bằng việc chấp hành quy định. Điều cần nhất lúc này là địa phương bớt dè dặt, đặt lợi ích của dân lên trên hết và trước hết.