Vị Đại tướng luôn quan tâm đến tình hình đất nước

Việt Nam giúp Campuchia trong sáng, nghĩa tình quốc tế cao cả và thời kỳ đó đồng chí Lê Đức Anh là người lãnh đạo cao nhất, tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia.

Nhiều dấu ấn với Campuchia

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đại tướng Lê Đức Anh làm Tư lệnh Quân khu 9 rồi Tư lệnh Quân khu 7, Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam, trưởng đoàn chuyên gia Việt Nam tại Campuchia trong thời kỳ Việt Nam thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại đất nước chùa Tháp. Đại tướng Lê Đức Anh đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc nhìn nhận, đánh giá bản chất của Pol Pot trong lúc bấy giờ - khi chúng ta còn lúng túng trong việc xác định là bạn hay thù. Ông đã đánh giá đúng tính chất cuộc giao tranh ở Campuchia sau ngày 7-1-1979 để từ đó chỉ đạo, chỉ huy quân tình nguyện và các đoàn chuyên gia quân sự phương thức, phương châm tiến hành cuộc đấu tranh nhằm truy quét tàn quân Khmer đỏ, giúp Đảng, Chính phủ và nhân dân Campuchia phục hồi cuộc sống, khắc phục chế độ của chế độ diệt chủng và xây dựng đất nước Campuchia cho đến khi chúng ta hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, toàn bộ các đơn vị quân tình nguyện và đoàn chuyên gia quân sự về nước vào năm 1989.

Chia sẻ những kỷ niệm “ấn tượng rất sâu sắc”, mãi không quên, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão nói, nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh là người mộc mạc, giản dị, tâm huyết, tận tâm, chân thành, tác phong không quan cách mà gần gũi, thân tình với mọi người... Khi đồng chí Lê Đức Anh là Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, ông Vũ Mão là Bí thư Thứ nhất của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. “Thời kỳ đó, quân đội ta giúp nước bạn và các chiến sĩ đều trẻ tuổi nên tôi thường xuyên sang thăm, động viên, cũng như góp sức giải quyết những khó khăn để các chiến sĩ bộ đội phấn khởi, có tinh thần vui, thoải mái, lạc quan, yêu đời dù trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Khi sang Campuchia, tôi thường gặp Tư lệnh Lê Đức Anh để nghe đánh giá về thanh niên của ta ở trên đất bạn làm nghĩa vụ quốc tế”, ông Vũ Mão hồi tưởng.

Đại tướng Lê Đức Anh đi kiểm tra tại Trung đoàn 812, Sư đoàn 309
đang làm nhiệm vụ giúp bạn ở Kamponglai, Campuchia, ngày 26-11-1985
 Theo ông Vũ Mão, chúng ta giúp Campuchia trên tinh thần quốc tế trong sáng, nghĩa tình cao cả và thời kỳ đó đồng chí Lê Đức Anh là người lãnh đạo cao nhất, tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, đồng chí chỉ đạo sâu sát đối với các đơn vị địa phương để ta giúp Campuchia có hiệu quả nhất. Chiến trường Campuchia gian khổ, khó khăn, quân đội, các chiến sĩ trẻ gian nan nhưng tình cảm, cũng như sự sâu sát đồng chí Lê Đức Anh đã, động viên các chiến sĩ chúng ta, gỡ khó khăn trên chiến trường.


“Có dịp tiếp xúc với Đại tướng Lê Đức Anh, tôi thấy ông là con người sắc sảo, nắm chắc tình hình, là người nhìn xa trông rộng. Trong công tác thanh niên ở mặt trận Campuchia, ông với tôi có những đêm ngồi cùng nhau tâm tình, trao đổi. Ông là con người giàu tình cảm, tin cậy lớp trẻ, thanh niên”, ông Vũ Mão kể. Đặc biệt, Đại tướng cũng rất quan tâm xây dựng lực lượng trẻ ở Campuchia. Khi đó chúng ta yêu cầu làm sao tập hợp thanh niên Campuchia vào tổ chức rộng rãi là Hội Thanh niên cứu nước Campuchia, bước nữa là tập hợp thanh niên ưu tú vào trong Đoàn Thanh niên cách mạng Campuchia. Với Campuchia lúc đó, những vấn đề này còn xa vời, ngỡ ngàng. Cho nên trong phối hợp hai bên đã cử đồng chí Hunsen là Chủ tịch Thanh niên cứu nước Campuchia để xây dựng lực lượng thanh niên Campuchia.

Đại tá Khuất Biên Hòa, nguyên thư ký giúp việc cho Đại tướng giai đoạn 2000 - 2007 và là người thực hiện cuốn hồi ký “Đại tướng Lê Đức Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng” cho rằng, có thể nói, sự lớn mạnh, vững vàng ngày nay của Campuchia có sự giúp đỡ tận tình, hiệu quả, chí tình, chí nghĩa của quân tình nguyện Việt Nam. Những năm tháng làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia đã cho thấy phẩm chất tuyệt vời của quân đội, nhân dân, dân tộc Việt Nam với người đứng đầu được Đảng, Nhà nước giao trọng trách chỉ huy, lãnh đạo là Đại tướng Lê Đức Anh.

Trung thực với lịch sử

Một ấn tượng sâu sắc khác được ông Vũ Mão nhắc đến về nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, đó là sinh thời, dù đã nghỉ hưu nhưng Đại tướng vẫn rất quan tâm đến tình hình đất nước và thường xuyên có những góp ý chân thành, thẳng thắn. Vụ cưỡng chế đất sai luật của chính quyền huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn vào năm 2012, biết chính quyền sai, ông đã kịp thời lên tiếng trên báo chí, sau đó chính quyền Hải Phòng đã nhận ra cái sai của huyện Tiên Lãng để điều chỉnh và xử lý cán bộ. Một người lãnh đạo cấp cao, dù đã nghỉ hưu mà vẫn quan tâm đến số phận, hoàn cảnh của một gia đình người nông dân là vô cùng quý giá và rất đáng trân trọng.

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão còn nhắc đến một kỷ niệm sâu đậm giữa ông với Đại tướng Lê Đức Anh, thông qua một bài thơ và một bức thư hồi đáp. Ông Vũ Mão kể, vào năm 2000, khi Đại tướng Lê Đức Anh tròn 80 tuổi, ông có tặng Đại tướng một bài thơ có 8 khổ nói lên đóng góp của vị tướng này với đất nước, cách mạng và sự hy sinh “nằm gai nếm mật, tinh thần đồng đội rất cao”. “Ít ngày sau, rất bất ngờ, tôi nhận được thư trả lời của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Bức thư viết: Thân gửi đồng chí Vũ Mão. Tôi đã nhận được bài thơ của đồng chí mừng 80 tuổi đời, lời thơ thân thiết và chân tình. Tôi rất cảm ơn và giữ mãi làm kỷ niệm. Chúc đồng chí và gia đình vui khỏe, hạnh phúc”, ông Vũ Mão chia sẻ và cho biết, đây không phải lần đầu tiên ông có bài thơ, bài viết ca ngợi người này, người khác, nhưng không ngờ, Đại tướng Lê Đức Anh lại viết thư hồi đáp, cám ơn, cho thấy Đại tướng Lê Đức Anh là người rất chu đáo, khiến ông vô cùng xúc động.

Đại tá, PGS-TS Hồ Sơn Đài - nguyên Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 7, người chấp bút cuốn hồi ký thứ 2 của Đại tướng Lê Đức Anh - chia sẻ, Đại tướng đã để lại những dấu ấn trong toàn bộ cuộc đời hoạt động của mình. Tất cả những điều mà Đại tướng đã trải qua, ông có ý nguyện viết lại, và viết thật trung thực. “Ông luôn dặn và nói với tôi rất nhiều lần rằng thà không viết, để đó sau này người khác viết, còn đã viết ra thì phải viết đúng, như những gì đã xảy ra, diễn ra. Đó không chỉ là cái tâm của người viết sử không chỉ là trình độ, kỹ năng của người viết sử, mà còn là ý thức của người viết sử với hiện tại và cả tương lai”, Đại tá, PGS-TS Hồ Sơn Đài cho biết. Cuộc đời Đại tướng đã và sẽ thể hiện qua 2 cuốn sách: cuốn “Hồi ký Lê Đức Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng” do Khuất Biên Hòa và Nguyễn Trọng Dinh viết (đã xuất bản); còn cuốn thứ 2 do PGS-TS Hồ Sơn Đài viết thì hiện đang trong giai đoạn hoàn thành.

Tin cùng chuyên mục