Cõng em khắp nẻo đường
Sau khi có con gái đầu lòng, anh Nguyễn Văn Lập và chị Nguyễn Thị Mãnh (ngụ huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) háo hức chào đón thêm cặp song sinh Nguyễn Gia Hưng và Nguyễn Gia Lâm. Niềm vui đến với gia đình nhỏ chưa được bao lâu thì chị Mãnh nhận tin con trai mắc chứng Fallot, một dạng phức tạp của bệnh tim bẩm sinh. Cũng từ đó, cậu bé Gia Lâm bắt đầu chuỗi hành trình 10 năm sống trong bệnh viện, và cũng là lúc người anh song sinh Gia Hưng phải theo mẹ để tiện chăm sóc cho Gia Lâm. Nằm viện 2 năm, trải qua ca phẫu thuật tim, Gia Lâm phải cắt bỏ tứ chi để giúp cơ thể được sống. Nhớ lại khoảnh khắc này, chị Mãnh vẫn còn sợ: “Lúc nhìn Gia Lâm bị khuyết tứ chi, thân tôi rã rời. Tôi muốn ôm con nhảy sông cho rồi, nhưng làm như vậy thì bất công cho Lâm, cho Gia Hưng và con gái ở quê, nên tôi cố gắng vượt qua”.
Thương Gia Lâm bao nhiêu thì chị Mãnh càng thương Gia Hưng bấy nhiêu. Vừa chập chững bước đi, Gia Hưng đã biết phụ mẹ bưng từng ly cà phê bán cho khách ở hành lang bệnh viện để kiếm tiền đóng viện phí cho em. Vì Gia Lâm chịu cảnh bệnh tật nên đa số thời gian chị Mãnh chăm sóc Lâm, vậy mà cậu bé Gia Hưng hiểu chuyện, chưa một lần tỵ nạnh với em. Suốt những năm tháng Gia Lâm ở Làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ, học các kỹ năng hòa nhập dành cho trẻ khuyết tật, Gia Hưng trở thành một học viên bất đắc dĩ đi học cùng em. Và cậu bé Gia Hưng đã thực sự trở thành người đồng hành, người hướng dẫn, chăm sóc em trai tự lúc nào. Anh Lập, ba của hai em, cho biết: “Lúc Gia Lâm mới tập viết chữ bằng đôi tay khuyết của mình, Lâm bị mỏi tay liên tục, Hưng thường xoa bóp, mát xa cho em”.
Suốt 14 năm qua, Gia Hưng gắn bó với em như hình với bóng. Cứ Gia Lâm học trường nào là Gia Hưng lại xin học cùng để cõng em đến lớp. “Lên nào! Anh cõng đi học nhé!”. Hưng vừa khom người cúi xuống, Lâm nhanh chóng ôm chầm lấy cổ của anh trai. Cứ thế, suốt bao nhiêu năm, Hưng trở thành đôi tay, đôi chân của em trai mình. Hình ảnh hai anh em cõng nhau rong ruổi khắp mọi nẻo đường trên đôi chân của Gia Hưng làm lay động trái tim của nhiều người.
Cùng học, cùng chơi
Để tiện cho các con đi học, 3 năm qua, anh Lập và chị Mãnh thuê căn phòng trọ nhỏ ở quận 10, TPHCM. Trong khi ba mẹ đi bán bánh xèo kiếm sống, Gia Hưng chăm sóc em từ việc tắm rửa, vệ sinh cá nhân, thay quần áo đến nấu ăn, học cùng… Đến nay, Lâm đã có thể viết chữ, tự mặc quần áo, tự chăm sóc bản thân mình… tất cả là nhờ sự tận tình chăm sóc, chỉ bảo của anh trai Gia Hưng.
Những lúc thấy em buồn, Gia Hưng còn bày trò chơi hay đọc truyện cho em nghe. “Thỉnh thoảng, em với Gia Lâm có bất đồng ý kiến, gây nhau, nhưng vì nghĩ suốt ngày em ở trong nhà sẽ bức bối, vì thế, em luôn chủ động làm hòa trước”, Gia Hưng nói. Còn Gia Lâm chia sẻ: “Em cảm thấy anh Hưng thương em hơn cả bản thân mình. Mỗi khi các bạn đá banh trước cửa nhà, em nói anh Hưng ra chơi cùng các bạn đi, nhưng anh Hưng nhất quyết ở trong nhà với em vì sợ em buồn”.
Không chỉ là anh em mà Hưng và Lâm còn là đôi bạn cùng tiến. Biết em gặp khó khăn khi viết bài trên lớp, đến lúc về nhà, Gia Hưng giảng bài cặn kẽ cho em. Năm học tới, hai anh em song sinh này cùng lên lớp 9. Bà Nguyễn Thị Diệu Anh, Chủ tịch Hội Khuyến học quận 10, cho biết: “Suốt 8 năm qua, Gia Lâm luôn là học sinh chăm ngoan. Còn anh trai của em cũng đạt thành tích cao trong học tập. Hai anh em rất nhiệt tình giúp đỡ người khác. Đó chính là điều đáng quý ở các em”.
Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng chưa một ngày Gia Hưng bỏ em ở nhà một mình. Cùng học, cùng chơi, cùng tạo ra những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống. 14 năm bên em, với Gia Hưng, đó không phải là gánh nặng mà là niềm vui, trách nhiệm, bởi tình anh em ruột thịt vô cùng thiêng liêng và đáng trân quý. Gia Hưng tâm sự: “Em nguyện làm đôi tay, đôi chân vững chắc, là chỗ nương tựa của Gia Lâm. Hai anh em sẽ cùng nhau học tập tốt để có một tương lai tươi sáng hơn”.
“Càng lớn Gia Lâm càng nặng, tôi thấy thương Gia Hưng phải vất vả”, một người hàng xóm chia sẻ. Ấy thế nhưng, tiếng cười nói rộn rã, tiếng trêu đùa nghịch ngợm của hai anh em vẫn vang lên trên suốt quãng đường đến trường. |