Gắn kết từ Bắc tới Nam
Cách đây 57 năm, ngày 3-4-1960, tỉnh Hòa Bình đã kết nghĩa với tỉnh Gia Định, nay là TPHCM. Ông Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình, cho biết truyền thống gắn bó keo sơn giữa 2 địa phương sẽ tiếp tục được thắt chặt, bồi đắp hơn nữa trong thời gian tới.
Đáp lại thịnh tình của Hòa Bình, hiện nay, TPHCM đang xúc tiến kêu gọi đầu tư và triển khai chương trình hợp tác TPHCM - Hòa Bình. Riêng trong lĩnh vực tiêu thụ nông sản và du lịch, Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM được giao làm đầu mối triển khai việc liên kết, đưa các sản vật của Hòa Bình vào TPHCM.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Huỳnh Cách Mạng chia sẻ, ngày nay TPHCM đã trở thành đầu tàu kinh tế phía Nam, là một trong những trung tâm khoa học, công nghệ, văn hóa, du lịch... của cả nước. Trong khi đó, Hòa Bình cũng như các tỉnh Tây Bắc khác, rất giàu tiềm năng phát triển, đặc biệt là nông nghiệp, thủy điện, khoáng sản và du lịch. Những mặt hàng, sản vật của Hòa Bình và các tỉnh Tây Bắc nhìn chung vẫn đang là hàng “thô”, như những viên ngọc quý nhưng chưa được đầu tư xây dựng thương hiệu và khai thác xứng tầm. Ngược lại, TPHCM có thị trường hơn 10 triệu dân, có hệ thống phân phối phủ khắp TP và cả nước. Vì thế, trong thời gian tới, TPHCM sẽ chú trọng hợp tác, tạo bước đột phá trong sản xuất, liên kết tiêu thụ nông sản và giúp các tỉnh bạn khai thác tốt tiềm năng du lịch địa phương.
Lễ ký kết hợp tác kinh tế - xã hội giai đoạn 2017-2020 giữa TPHCM và tỉnh Tiền Giang Ảnh: VIỆT DŨNG
Với tinh thần TPHCM vì cả nước, cùng cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM luôn cố gắng từ những gì nhỏ nhất để cùng lo cho đồng bào dân tộc anh em có cuộc sống khá hơn, bình an, hạnh phúc. Đặc biệt là với Điện Biên - địa phương đã hy sinh xương máu, làm lên trận Điện Biên Phủ lẫy lừng trong lịch sử, TPHCM đã tri ân, hỗ trợ tỉnh xây dựng Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Ảng. Với bệnh viện này, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh biên giới Điện Biên được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng ngay từ cơ sở.
Từ nơi địa đầu Tổ quốc - tỉnh Hà Giang, tới tỉnh cực Nam của Tổ quốc - Cà Mau, TPHCM đều triển khai chương trình hợp tác thương mại và kết nối cung - cầu hàng hóa; đã ký kết hợp tác phát triển toàn diện các lĩnh vực với 36 tỉnh, thành. Với Cà Mau, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM cho biết, chỉ từ năm 2009-2016, các nhà đầu tư TPHCM đã thực hiện 7 dự án vào tỉnh này với tổng vốn đăng ký hơn 19.000 tỷ đồng. Hai địa phương đã phối hợp truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản nuôi nhập vào TPHCM. Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, TPHCM và Cà Mau đã và đang phối hợp thực hiện dự án xây dựng nhãn hiệu tập thể cho 5 sản phẩm: mật ong U Minh hạ, cá khô bổi U Minh, tôm khô Rạch Gốc, cua biển Năm Căn và mắm cá lóc Thới Bình. Các cơ sở khám chữa bệnh tại Cà Mau đã tiếp nhận chuyển giao 23 kỹ thuật từ các bệnh viện ở TPHCM, đặc biệt là các kỹ thuật về cấp cứu nhi nâng cao, làm lạnh trẻ sơ sinh sanh ngạt, nội soi điều trị...
Hạt nhân của vùng
Sự phát triển của TPHCM đã gắn kết với sự phát triển của cả địa bàn kinh tế phía Nam và TPHCM được xác định là hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Với thị trường tiêu thụ 10 triệu dân và tập trung gần 40% tổng số người làm khoa học của cả nước, TPHCM đã gắn kết, cung cấp thị trường, cơ hội phát triển, vốn, công nghệ, kỹ thuật... cho cả vùng. 10 năm qua, vùng có mức tăng trưởng kinh tế ổn định, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước 1,5 lần. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ chiếm 8% diện tích và 17% dân số của cả nước, nhưng có lượng hàng hóa chiếm 2/3 toàn quốc, đóng góp hơn 42% GDP, chiếm 40% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước và đóng góp hơn 60% ngân sách quốc gia.
Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong năm 2015-2016, TPHCM đã định kỳ tổ chức liên kết với các địa phương, thành lập tổ điều phối chung, tổ điều phối từng lĩnh vực quan trọng như đầu tư, giao thông, thương mại… Đơn cử tại Bình Phước, nói về mối quan hệ với TPHCM, ông Huỳnh Anh Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, cho biết có khoảng 85% hàng hóa tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Bình Phước được cung cấp bởi các doanh nghiệp, nhà phân phối của TPHCM; ngược lại, có khoảng 22% sản phẩm nông nghiệp, hàng hóa sản xuất tại tỉnh Bình Phước cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu của TPHCM với các mặt hàng chủ yếu như cao su, hạt điều, hạt tiêu, tinh bột mì… Hai địa phương đã xây dựng chuỗi liên kết từ chăn nuôi đến tiêu thụ để cung cấp thực phẩm sạch cho TPHCM.
Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, TPHCM hỗ trợ Bình Phước đã và đang đào tạo 20 bác sĩ đa khoa; thường xuyên chỉ đạo tuyến, hỗ trợ, chuyển giao chuyên môn kỹ thuật với các cơ sở khám chữa bệnh của Bình Phước. Ông Huỳnh Anh Minh đánh giá: “Chương trình hợp tác mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giúp tỉnh Bình Phước học hỏi nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”.
Theo Thành ủy - UBND TPHCM, từ nay đến năm 2020, TP tiếp tục chủ động phối hợp với các địa phương, thúc đẩy triển khai các chương trình hợp tác cụ thể trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương trong từng lĩnh vực. Đồng thời, chủ động phối hợp với các bộ, ngành trung ương và các địa phương liên quan thực hiện thống nhất, đồng bộ quy hoạch phát triển vùng; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi, để các vùng kinh tế trọng điểm thực sự trở thành đầu tàu, động lực lan tỏa vùng ngoại vi và cả nước. TPHCM phát triển thành trung tâm về nhiều mặt của vùng và cả nước với các vệ tinh cung cấp sản phẩm hỗ trợ từ các tỉnh, thành lân cận.
Đến cuối năm 2015, tại các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và Đồng Nai, đã có 56 doanh nghiệp TPHCM triển khai 60 dự án, với tổng vốn đầu tư khoảng 5.600 tỷ đồng trên các lĩnh vực. Ngoài ra, các doanh nghiệp TPHCM đã và đang triển khai 627 dự án, với tổng vốn đầu tư trên 100.800 tỷ đồng, ở các tỉnh Long An, Tiền Giang trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.