Từ khi được ký kết vào tháng 7-2022, Sáng kiến ngũ cốc biển Đen, do Liên hiệp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian với Nga và Ukraine, được gia hạn thêm 120 ngày vào tháng 11-2022 để hạn chế cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Thỏa thuận này hết hạn vào ngày 18-3.
Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc Vassily Nebenzia cho biết, Moscow đã thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine rằng họ sẽ gia hạn thỏa thuận trong 60 ngày, đến ngày 18-5. Ukraine muốn thỏa thuận được gia hạn thêm 120 ngày.
Song song với thỏa thuận trên, Liên hiệp quốc đã ký Biên bản ghi nhớ về xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga trong 3 năm. Mặc dù xuất khẩu thực phẩm và phân bón của nước này không bị trừng phạt, nhưng Nga cho biết các hạn chế đối với ngành thanh toán, hậu cần và bảo hiểm là rào cản đối với các chuyến hàng xuất khẩu của Nga.
Ông Martin Griffths nói: “Điều quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu là cả hai thỏa thuận này phải tiếp tục và nên được thực hiện đầy đủ”. Theo ông, cả Nga và Ukraine đều là những nhà cung cấp hàng đầu các mặt hàng lương thực chính như lúa mì, ngô và dầu hướng dương. Nga cũng là nước xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới.
Liên hiệp quốc cũng cảnh báo về mối đe dọa đối với sự phát triển bền vững khi nền kinh tế toàn cầu không ổn định và tình trạng nghèo đói ngày càng gia tăng cũng như nhu cầu nhân đạo vượt xa các nguồn lực. Năm 2023, các tổ chức nhân đạo sẽ cần một khoản tiền chưa từng có là 54 tỷ USD để hỗ trợ gần 347 triệu người ở 69 quốc gia. Năm 2022, các nhà tài trợ đã chi 38,7 tỷ USD cho các hoạt động nhân đạo.
Theo Liên hiệp quốc, xung đột, khủng hoảng khí hậu và vật giá leo thang là 3 nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, trong đó xung đột là nguyên nhân số một. Xung đột phá hủy đường sá, các tòa nhà, buộc người dân phải rời bỏ nhà cửa, thúc đẩy lạm phát và cắt đứt khả năng tiếp cận thị trường của người dân - tất cả những điều này đều đẩy các cộng đồng vào cảnh đói kém