"Vết thương" nhức nhối của trẻ bị xâm hại tình dục

Xâm hại tình dục (XHTD) gây ra cho nạn nhân những nỗi đau nhức nhối, kéo dài về thể xác lẫn tinh thần, đặc biệt khi nạn nhân là trẻ em. Bên cạnh việc cần đưa thủ phạm ra ánh sáng, nạn nhân bị XHTD cần được sớm can thiệp điều trị tâm lý và tinh thần để hòa nhập cuộc sống.

Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM hỗ trợ cơ quan chức năng trong quá trình điều tra vụ em G.T. bị xâm hại tình dục
Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM hỗ trợ cơ quan chức năng trong quá trình điều tra vụ em G.T. bị xâm hại tình dục

Con gái bệnh tật, mẹ ép bán dâm

Kể từ khi người mẹ bị bắt giữ, G.T. (14 tuổi, đã đổi tên) và em gái (12 tuổi) nương náu ở nhà cha ruột trong một căn hẻm nhỏ. T. tâm sự, nhiều năm qua, em sống nhờ vào việc tiêm insulin 4 lần/ngày vì bệnh tiểu đường. Hàng tháng, mẹ đưa em lên TPHCM khám bệnh lấy thuốc, không ít lần phải cấp cứu trong tình trạng hôn mê. Ác mộng xảy ra từ tháng 8-2023. Người mẹ ép T. phải quan hệ tình dục với đối tượng Trần Quốc Dũng (55 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) nhiều lần, nhận 18 triệu đồng. Đau đớn và tổn thương nặng nề, T. chỉ có thể tâm sự với em gái, trút bỏ ấm ức qua nhật ký và những bức vẽ. T. bỏ tiêm insulin, tự giày vò bản thân để phản đối cách cư xử của mẹ. “Chị em con sống ở quê với mẹ và cha dượng. Con ghê tởm chuyện kia, chỉ muốn người đó (Trần Quốc Dũng - PV) biến mất. Đến giờ con cũng không hiểu sao mẹ lại làm như vậy với con hay vì con khờ quá hả cô?”, T. cúi mặt kể.

Đầu năm 2024, cha ruột của T. (anh N.N.M., ngụ tại TPHCM) biết chuyện, lập tức gọi điện thoại cầu cứu Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM. Thời điểm này, T. cũng đang điều trị nội trú tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Kết quả giám định của bệnh viện cho thấy trẻ có dấu hiệu bị XHTD. Sau đó, cơ quan công an đã điều tra và bắt giữ Trần Quốc Dũng cùng N.T.K.N (mẹ của T., 47 tuổi, quê Hậu Giang). Các đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội. “Con giận mẹ nhiều lắm nhưng cũng thương mẹ. Không biết trong trại giam mẹ ăn uống có được không”, T. nói. Kết quả khám tâm lý tại Bệnh viện Nhi đồng 2 cho thấy, T. hay mệt mỏi cáu giận, tự làm đau mình, bỏ ăn uống, muốn tự sát, xu hướng bạo hành động vật, trầm cảm nặng. Các bác sĩ và cha ruột đang nỗ lực xoa dịu, điều trị những vết thương thể chất và tinh thần mà cô bé 14 tuổi phải gánh chịu.

Viện KSND quận Phú Nhuận đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Trần Quốc Dũng (55 tuổi, TPHCM) về tội “Mua dâm người dưới 18 tuổi” và bà N.T.K.N. (47 tuổi, quê Hậu Giang) về tội “Môi giới mại dâm”. Theo hồ sơ, bà N. gợi ý bán trinh của con gái cho Trần Quốc Dũng để lấy tiền. Đồng thời, N. nói với con gái việc cho Dũng quan hệ tình dục thì sẽ có tiền chữa bệnh. Trong các ngày 16-8 và 8-12-2023, N. đưa con gái từ Hậu Giang lên TPHCM để bán dâm cho Dũng tại một khách sạn ở quận Phú Nhuận. Tại cơ quan điều tra, N. và Dũng khai nhận hành vi phạm tội.

Can thiệp điều trị tâm lý cho trẻ bị xâm hại tình dục

Theo TS-BS Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, câu chuyện đau lòng của em G.T. là một trong nhiều trường hợp trẻ bị XHTD, bị bạo hành mà bệnh viện tiếp nhận. Có tình huống, trong quá trình thăm khám, bác sĩ nhận thấy dấu hiệu nghi ngờ trẻ bị XHTD hoặc bạo hành. Những nhận định chuyên môn của các bác sĩ đã hỗ trợ cho quá trình điều tra làm rõ các vụ XHTD hoặc bạo hành trẻ em. BS Phạm Ngọc Thạch cũng trăn trở, những tổn thương tâm lý mà nạn nhân XHTD phải gánh chịu rất nặng nề và lâu dài, ảnh hưởng đến sự phát triển và tương lai của trẻ. Không ít trường hợp trẻ luôn sống trong sợ hãi, thu mình, không dám giao tiếp, trầm cảm hoặc có nhận thức lệch lạc về tình dục. “Nhiều vụ việc cho thấy nạn nhân bị xâm hại bởi người quen và gia đình che giấu không khai báo. Tôi lo ngại rằng những vụ XHTD chúng ta biết chỉ là phần nổi của tảng băng”, BS Phạm Ngọc Thạch nói.

Theo thống kê của Công an TPHCM, năm 2023, TPHCM xảy ra 186 vụ bạo hành, xâm hại trẻ em với 196 nạn nhân, trong đó có 155 vụ XHTD. Cùng thời gian, cả nước xảy ra 2.498 vụ xâm hại trẻ em, trong đó XHTD chiếm 82,2%, tập trung nhiều nhất tại các tỉnh ĐBSCL (40,3%). Mặc dù công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em luôn được quan tâm, nhận thức cộng đồng được nâng cao nhưng tình trạng XHTD trẻ em vẫn là thực trạng nhức nhối.

LS Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, cho biết, gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp nhận các vụ XHTD trẻ em. Nguyên nhân vì trẻ thường sợ hãi, không dám thổ lộ hay tố cáo. Đến khi sự việc bị phát hiện lại không thể tiến hành thu thập chứng cứ liên quan vì thời gian đã quá lâu. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp kẻ XHTD là người thân nên một số gia đình che giấu hoặc thương lượng, bao che thủ phạm khiến nỗi đau càng giày vò nạn nhân thời gian dài.

“Im lặng là tội ác! Trẻ bị XHTD mà gia đình bao che thủ phạm thì chính là tiếp tay cho cái ác”, bà Ngọc Nữ nhấn mạnh. Cũng theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, thời gian qua, bà đã đề nghị cơ quan điều tra ngưng yêu cầu trẻ bị xâm hại tham gia đối chất, không hỏi đi hỏi lại nhiều lần vụ việc vì sẽ khiến trẻ tổn thương sâu sắc, đồng thời đề nghị điều tra viên cần có kinh nghiệm ở lĩnh vực trẻ em và có cách thức tiếp xúc phù hợp. Những ý kiến trên đã được lắng nghe, như trong vụ việc của em G.T., Công an phường Bến Nghé (quận 1, TPHCM) đã khoác áo blouse để tiếp xúc với T. tại bệnh viện, giúp em không bị hoảng loạn. Cũng theo đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, thời gian qua, công tác truyền thông được tăng cường nhằm phổ biến kiến thức, kỹ năng, trách nhiệm về phòng chống xâm hại trẻ em cũng như công bố đường dây nóng bảo vệ trẻ em 111 để tiếp nhận thông tin.

“Xã hội, gia đình, nhà trường đều có trách nhiệm bảo vệ trẻ, đồng thời phải giáo dục trẻ biết cách nhận diện nguy cơ và tự bảo vệ mình, đó là yếu tố quan trọng nhất”, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục