Vết nứt xuất hiện trong OPEC

Việc Angola tuyên bố rời khỏi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã cho thấy thêm những vết nứt đang xuất hiện trong OPEC. Sau thông báo của Angola, giá dầu đã sụt giảm.

Nhà máy lọc dầu Luanda của Angola
Nhà máy lọc dầu Luanda của Angola

Đe dọa mức cắt giảm sản lượng

Là nước sản xuất dầu lớn thứ hai ở châu Phi, Angola gia nhập OPEC từ năm 2007. Khi Angola rời đi, OPEC chỉ còn 12 thành viên. Angola cũng là quốc gia thứ ba, sau Ecuador và Qatar, quyết định rời OPEC trong những năm qua.

Theo hãng tin Bloomberg, sản lượng dầu thô của Angola đã giảm khoảng 40% trong 8 năm qua, còn khoảng 1,14 triệu thùng/ngày, do nước này không đầu tư đủ vào các mỏ dầu nước sâu. Angola rời OPEC với lý do tư cách thành viên OPEC
không phục vụ các lợi ích của nước này. Quyết định được đưa ra sau khi liên minh OPEC+ (gồm OPEC và các đồng minh) hạ mục tiêu sản lượng dầu của Angola vào tháng trước như một phần trong thỏa thuận cắt giảm sản xuất tập thể do Saudi Arabia phát động để vực dậy giá dầu.

Thực tế, mâu thuẫn đã nảy sinh từ lúc đại diện của Angola rời khỏi cuộc họp của OPEC+ hồi tháng 6. Tuy vậy sau đó, Angola cùng với Nigeria và Cộng hòa Congo đã đồng ý để bên thứ ba độc lập đánh giá mức sản xuất cơ sở của họ. Sau đợt đánh giá, mức sản xuất cơ sở của cả ba nước này cho năm 2024 bị hạ xuống tại cuộc họp của OPEC+ vào tháng 11.

Sau khi Angola rời OPEC, giá dầu Brent ở London giảm 1,8%, xuống 78,26 USD/thùng, trong khi giá dầu Tây Texas ở New York giảm 2,1%, xuống 72,69 USD/thùng.

Ông Craig Erlam, nhà phân tích thị trường của Công ty môi giới ngoại hối Oanda, cho biết, giá dầu giảm nhẹ cho thấy các nhà đầu tư cho rằng quyết định rời OPEC của Angola không gây ảnh hưởng đáng kể. Quyết định của Angola củng cố thêm quan điểm đang có những vết nứt xuất hiện trong OPEC, đe dọa sự thống nhất trong việc tuân thủ các mức cắt giảm sản lượng.

Nhiều sức ép

Không chỉ Angola, cả Nigeria cũng không đồng tình với hạn ngạch khai thác của nước này mà OPEC+ đưa ra tại cuộc họp hồi tháng 11.

Cuộc họp này đã bị trì hoãn trong vài ngày do các nước mâu thuẫn về việc tuân thủ các mức cắt giảm sản lượng hiện nay và các mức cắt giảm bổ sung có thể. Bên cạnh đó, OPEC+ không thể thống nhất về việc cắt giảm sản lượng khai thác đối với toàn bộ 23 thành viên của nhóm.

Cuối tháng 11 vừa qua, OPEC+ đã gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày cho tới hết quý 1-2024 để hỗ trợ giá dầu. Tuy nhiên, giá dầu liên tục lao dốc trong những tuần gần đây, trong bối cảnh Mỹ đẩy mạnh sản lượng khai thác dầu. Bên cạnh đó, những kêu gọi về chuyển đổi khỏi năng lượng hóa thạch đang đặt ra nhiều thách thức và sức ép đối với ban lãnh đạo OPEC.

Nhận định về thị trường dầu mỏ vào năm 2024, tờ Wall Street Journal cho rằng, do sản lượng khai thác dầu kỷ lục của Mỹ lấn át những nỗ lực thắt chặt sảnlượng của OPEC+ nên sẽ khó có chuyện giá dầu quay trở lại mức 100 USD/thùng vào đầu năm 2024.

Ngân hàng Goldman Sachs cũng hạ phạm vi dự báo giá dầu thô Brent vào năm 2024, xuống còn từ 70 USD/thùng đến 90 USD/thùng, viện dẫn sản lượng cao từ Mỹ sẽ hạn chế bất kỳ sự tăng giá nào của giá dầu. Goldman Sachs hiện kỳ vọng giá dầu Brent sẽ phục hồi lên mức cao nhất là 85 USD/thùng vào tháng 6-2024 và đạt mức trung bình 80-81 USD/thùng vào giai đoạn 2024-2025, thấp hơn đáng kể so với mức 92 USD/thùng trước đó.

Tin cùng chuyên mục