Trước đó, BBC cho biết, khoảng 40 tàu của ngư dân Pháp đã chặn 5 tàu đánh cá lớn của Anh không cho đánh bắt thủy hải sản ở khu vực cách 22km so với vùng bờ biển Normandy, trong vịnh Seine. Đây là vùng biển có trữ lượng sò điệp dồi dào.Các ngư dân Pháp còn đuổi tàu Anh ra khỏi khu vực Baie de Seine, thậm chí còn tấn công bằng đạn khói, pháo sáng.
Hiềm khích giữa ngư dân Anh-Pháp vốn âm ỉ từ 15 năm qua khi tàu cá Anh có thể đánh bắt sò điệp quanh năm, nhưng phía Pháp quy định ngư dân chỉ có thể đánh bắt từ ngày 1-10 đến ngày 15-5 hàng năm. Ngư dân Pháp cho rằng đây là quy định bất công và năm nay họ muốn người Anh rời đi do lo ngại trữ lượng hải sản sẽ cạn kiệt khi họ bắt đầu đánh bắt vào ngày 1-10.
Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Stephane Travert ngày 4-9 tuyên bố hải quân nước này sẵn sàng can thiệp nếu tiếp tục xảy ra các cuộc đụng độ giữa ngư dân Pháp và Anh liên quan tới việc tiếp cận những khu vực đáy biển giàu sò điệp tại vùng biển xa bờ.
“Chúng tôi không thể tiếp tục tình trạng này, không thể tiếp tục những cuộc đụng độ như vậy. Hải quân Pháp sẵn sàng hành động nếu có thêm các vụ đụng độ, cũng như sẽ thực hiện các cuộc tuần tra”, ông Travert cho biết và xác nhận ông đã thảo luận về vấn đề này với người đồng cấp Anh, đồng thời gửi yêu cầu phía Anh tạm ngưng các cuộc đánh bắt sò điệp cho đến khi cả hai thống nhất quan điểm tại một cuộc đàm phán.
Mâu thuẫn được coi là cuộc chiến sò điệp này đã phơi bày những mâu thuẫn và rạn nứt giữa các quốc gia thành viên châu Âu trong bối cảnh Anh đang đàm phán về thương mại trước khi rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Thậm chí ngay trong lòng nước Anh, người dân vẫn chia rẽ sâu sắc về vấn đề này khi tỷ lệ những người phản đối Brexit ngày càng tăng.
Theo kết quả thăm dò mới nhất công bố ngày 5-9 do 2 tổ chức NetCen và The UK in a Changing Europe tiến hành, 59% người Anh phản đối Brexit, ủng hộ ở lại EU. Đây là mức ủng hộ ở lại cao nhất được ghi nhận trong các cuộc khảo sát liên tiếp được thực hiện từ sau cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề Brexit hồi năm 2016 khi tỷ lệ chỉ là 48%.
Khảo sát được thực hiện với 2.048 người tham gia từ ngày 7-6 tới ngày 8-7. Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng người dân Anh tỏ ra bi quan về các cuộc đàm phán hiện tại và tác động về kinh tế là yếu tố có tầm ảnh hưởng nhất tới khả năng liệu người dân có ủng hộ thỏa thuận cuối cùng hay không.
Theo tờ Le Monde, chỉ còn 7 tháng nữa là Anh chính thức rời mái nhà chung EU, dự kiến vào ngày 30-3-2019, nhưng cả Anh lẫn EU đều chưa đạt được thỏa thuận nào. Trong trường hợp không có thỏa thuận giữa London và Brussels, việc Brexit có hiệu lực sẽ là một thảm họa bởi sẽ không còn tồn tại bất kỳ khung pháp lý nào giữa Anh và EU để hai bên thực hiện các hoạt động thương mại. Và cuộc chiến sò điệp của ngư dân Anh - Pháp sẽ gây ra những mối hiềm khích lớn hơn trong lịch sử.