“Thứ ba 23-4: 13g30 Tọa đàm 50 năm Di chúc Bác; Thứ tư 24-4: 8g Giao ban tháng 4-2019, 9g Tổ dư luận xã hội; Thứ năm 25-4: 6g30 Viếng bia cố Tổng Bí thư Trần Phú và bia liệt sĩ, 14g HĐND phường 15, 19g Phụ nữ phường nửa nhiệm kỳ; Thứ sáu 26-4: 19g Họp Đảng ủy bộ phận”... Những dòng chữ ghi chú lịch làm việc phần nào cho thấy thời gian của bác Đinh Văn Huệ (Bảy Huệ, Bí thư Đảng ủy bộ phận khu phố 7, phường 15 quận 10) lấp đầy bởi nhiều công việc, dù bác đã 91 tuổi - cái tuổi lẽ ra đã nghỉ ngơi an nhàn.
Người hòa giải uy tín
Xích mích từ việc sử dụng khoảnh sân để kê bàn ghế buôn bán, mâu thuẫn giữa chủ 2 quán ăn trên đường Thành Thái (phường 15 quận 10) ngày càng trầm trọng, không thể giải quyết. Biết bác Bảy Huệ là người có uy tín, cả hai cùng nhờ bác phân xử vì nếu đưa ra họp tổ dân phố thì chuyện chưa giải quyết xong đã xấu hổ với xóm giềng.
Tìm hiểu sự việc thấu đáo, suốt buổi chiều bác phân tích cho từng bên nghe đúng - sai của mình: “Bên chị X. có sai vì không làm đúng giao kèo, còn anh D. sẵn bực bội từ trước nên phá hợp đồng, không cho đối phương buôn bán nữa cũng không đúng. Bà con xa không bằng láng giềng gần, tối lửa tắt đèn có nhau, có mâu thuẫn gì cũng nên giải quyết bằng tình cảm, cùng nhân nhượng nhau cho êm ấm”. Từ sau buổi đó, gần một tháng nay hai bên không cãi vã nhau nữa.
Không chỉ những mâu thuẫn cá nhân, bác Bảy Huệ cũng được “chọn mặt gửi vàng” để hỏi ý kiến đối với một số chuyện có mức độ ảnh hưởng lớn hơn. Một trong những chuyện đó là chính quyền quận 10 tổ chức giải tỏa các ki-ốt trên đường Thành Thái theo chủ trương của thành phố. Tuy nhiên, các chủ hộ kinh doanh không đồng tình vì cho rằng chưa được giải quyết thỏa đáng về quyền lợi, sợ khi bị giải tỏa sẽ không được trả lại tiền đặt cọc thuê mặt bằng.
Nhiều lần vận động không thành, chính quyền quyết định tiến hành cưỡng chế giải tỏa. Lúc này, một số chủ ki-ốt tìm đến nhà bác Bảy Huệ để xin lời khuyên.
Bác giải thích: “Bên cho thuê mặt bằng đã sai, nhưng các cháu cũng chưa tìm hiểu kỹ nên kinh doanh nơi chưa được phép, giờ các cháu đề nghị quận 10 giải quyết đâu có được. Chủ cho thuê mặt bằng có trách nhiệm trả lại tiền đặt cọc cho các cháu, nhưng mình cũng phải chấp hành chủ trương của chính quyền”.
Buổi nói chuyện kéo dài từ chiều đến khuya, các chủ ki-ốt hiểu vấn đề và đồng ý giao mặt bằng. Ngay lập tức, bác gọi điện thoại báo tình hình để đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi (thời điểm ấy là Bí thư Đảng ủy phường 15, nay là Phó Chủ tịch Thường trực HĐND quận 10) thông tin đến lực lượng chức năng dừng việc cưỡng chế dự kiến tiến hành vào sáng hôm sau. Tiền đặt cọc thuê mặt bằng sau đó được hoàn trả cho các chủ ki-ốt. “Điểm nghẽn” được tháo gỡ trước “giờ G” có phần đóng góp rất lớn của bác Bảy Huệ, người làm công tác dân vận nhiều kinh nghiệm, được người dân nể trọng.
Không phải chỉ hy sinh cho đến tuổi nghỉ hưu
Năm 1946, chàng trai Đinh Văn Huệ thoát ly gia đình, vào bộ đội. Cuối tháng 12-2000, Đại tá Bảy Huệ nghỉ hưu ở tuổi 72, sau hơn 54 năm công tác liên tục trong quân đội. Về địa phương, dù đã có thể nghỉ ngơi, bác vẫn lần lượt nhận nhiều công tác do tập thể, nhân dân tín nhiệm phân công như Bí thư Đảng ủy bộ phận khu phố 7 kiêm Bí thư Chi bộ 7A (1 trong 6 chi bộ trực thuộc khu phố 7) từ năm 2002 đến năm 2017, Phó Bí thư Chi bộ 7A từ năm 2017 đến nay; Trưởng Ban điều hành khu phố 7; Ủy viên Thường trực Ủy ban MTTQ phường 15 quận 10 kiêm Trưởng Ban Công tác mặt trận khu phố 7; Trưởng Ban vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” khu phố 7; Ủy viên Thường vụ Hội Chữ thập đỏ phường 15 kiêm Chi hội trưởng Chữ thập đỏ khu phố 7; Ủy viên Thường vụ Hội Khuyến học phường 15 kiêm Chi hội trưởng Khuyến học khu phố 7...
Người dân trong khu phố 7 rất quen thuộc hình ảnh bác Bảy Huệ dù tất bật với những việc làm không tên, với các hoạt động phong trào của đảng bộ, chính quyền phường và khu phố, nhưng vẫn luôn dành thời gian quan tâm thăm hỏi từng hộ dân; cũng như vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn.
Bà Trần Thị Cúc (ngụ 19 Đồng Nai, phường 15 quận 10) kể: “Bác Bảy tốt lắm, là người hiếm có, luôn tận tâm với mọi người. Nhà nào khó khăn cũng được bác quan tâm giúp đỡ, đề xuất chính quyền chăm lo. Nói đâu xa, bác giúp giới thiệu gia đình tôi vay vốn làm ăn, mấy cháu còn đi học thì được tặng quà. Chúng tôi ở đây ai cũng thương mến bác”.
91 tuổi đời, 72 năm tuổi Đảng, mỗi ngày bác Bảy Huệ đều bận rộn với nhiều công việc vì cộng đồng bằng tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm như khi còn đương chức trong quân đội. Không phân biệt ngày hay đêm, thứ bảy hay chủ nhật, mỗi lúc người dân, đoàn thể hay tổ dân phố có việc cần là bác có mặt để tham gia giải quyết.
Bác xem đó là chuyện bình thường, vì bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, luôn sẵn sàng nhận, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được đoàn thể và nhân dân giao cho.
“Khi vào Đảng, tôi đã thề sống, chiến đấu, hy sinh suốt đời cho Đảng, cho đất nước, cho nhân dân chứ không phải chỉ hy sinh cho đến tuổi về hưu”, bác tâm sự.
Với những đóng góp của mình, bác Bảy Huệ nhận nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch UBND TPHCM... do đã có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua “Dân vận khéo”, hoạt động xã hội từ thiện, phong trào Chữ thập đỏ, công tác xã hội nhân đạo, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa... Đồng thời, bác được Quận ủy quận 10 tuyên dương gương điển hình “Làm theo lời Bác” tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” giai đoạn 2011-2016. |