Đây là startup của Bùi Thế Bảo và Đỗ Thị Minh Trang (cùng sinh năm 1982), ở TPHCM. Theo mục tiêu của nhóm sáng lập, họ sẽ xây dựng hệ thống thu gom phế liệu quy mô tại TPHCM trong 1 năm và phát triển tại các thành phố lớn trong 3 năm. Ý tưởng ban đầu của dự án là “Scrap Way” và “Kế hoạch nhỏ”.
“Kế hoạch nhỏ” xuất phát từ kỷ niệm thời 8X, khi trường lớp thường vận động học sinh quyên góp tập, sách, báo cũ... để gây quỹ. Còn cái tên “Scrap Way” nhấn mạnh đến việc phế liệu có thể tái chế, khác với rác không tái chế được. Nhưng cuối cùng, nhóm đã chọn cái tên VECA, rút tắt từ “ve chai” với tính phổ thông, gần gũi với mọi đối tượng của dự án, cả người thu mua ve chai dạo.
Ứng dụng có 2 phiên bản dành cho người bán và người mua ve chai. VECA hoạt động như một mô hình gọi xe công nghệ, người có nhu cầu bán phế liệu sẽ đăng lên ứng dụng để “gọi” người thu gom đến mua. Giá phế liệu sẽ được tổng hợp và điều chỉnh dựa theo giá thu mua của vựa và theo khu vực. Giá hiển thị trên ứng dụng sẽ do thị trường chi phối, không do công ty đặt ra. Hiện tại, ứng dụng không thu phí cả người bán lẫn người mua.
Khi đã tải ứng dụng VECA bán ve chai trên điện thoại, chỉ cần điền số điện thoại cá nhân để nhận mã được gửi về và điền mật khẩu cho ứng dụng, ghi tên và email cá nhân của mình. Ngay sau khi hoàn thành các bước thiết lập thông tin cá nhân, người cài ứng dụng sẽ được chuyển sang giao diện ứng dụng với những công cụ như bảng giá phế liệu với những loại khác nhau.
Để đặt đơn thu gom ve chai, nhấn vào mục “Tôi bán” và sẽ chuyển sang giao diện mới, khi đó nhấn nút “Thêm” để nhập địa chỉ muốn bên mua tới và sau đó chọn thời gian thu gom phế liệu rồi nhấn nút “Xác nhận” là xong. Qua ứng dụng, người bán ve chai chủ động thời gian, nhận được giá cả rõ ràng, tiền vào ví Momo.
VECA ra đời đã giúp người bán chủ động thời gian và nắm được biểu giá phế liệu cập nhật từng ngày rõ ràng, minh bạch. Người thu mua nhờ thuật toán của ứng dụng sẽ có khả năng thu mua được nhiều và tiết kiệm sức lực hơn.
Theo số liệu tổng hợp bởi VECA, chỉ riêng ở TPHCM, trung bình mỗi ngày tiêu thụ 2.674 tấn giấy, 1.900 tấn nhựa các loại. Trong đó, khối lượng giấy thu gom được chỉ chiếm 40%, tương đương 1.070 tấn; nhựa chỉ thu gom được 500 tấn với tỷ lệ tái chế khoảng 27%... số còn lại đang bị bỏ chung vào rác thải sinh hoạt nên kỳ vọng người dùng App VECA sẽ tiếp tục phân loại rác để bán.
Mục tiêu của đội ngũ sáng lập startup này còn hướng đến xây dựng hệ thống thu gom phế liệu quy mô tại TPHCM trong 1 năm và phát triển tại các thành phố lớn trong 3 năm, góp phần tích cực trong việc thu gom, phân loại, tận dụng phế liệu, giúp bảo vệ môi trường tốt hơn.