Theo đó, VEC là doanh nghiệp được Nhà nước giao làm chủ đầu tư, quản lý vận hành khai thác 4 tuyến đường bộ cao tốc: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai, Đà Nẵng – Quảng Ngãi và TPHCM – Long Thành – Dầu Giây (các dự án của VEC không phải các dự án BOT). Hiện tại, công tác tổ chức thu phí tại 4 dự án trên được giao cho các đơn vị thành viên gồm: Công ty CP Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M), Công ty CP Dịch vụ đường cao tốc Việt Nam (VEC S) và Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E). Công tác thu phí được giám sát bởi một đơn vị độc lập là Trung tâm Giám sát khai thác vận hành đường cao tốc Việt Nam (Trung tâm VEC M).
Ngày 11-2, VEC E cho biết vừa quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 phương tiện có biển số 51A-558.50 và 51G-772.56 trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác. Đây là 2 chiếc xe 7 chỗ của các cá nhân đăng ký tại TPHCM. Vào lúc 18h20 ngày 10-2, cả 2 chiếc xe này di chuyển vào trạm thu phí trên cao tốc TPHCM- Long Thành- Dầu Giây, cả người điều khiển và người đi cùng trên xe đã không tuân thủ hiệu lệnh của nhân viên điều khiển giao thông, có hành động phá hoại tài sản, đe dọa đánh đuổi nhân viên, gây ùn tắc tại trạm. Sau đó, VEC đã quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 phương tiện trên. Tuy nhiên, một số ý kiến của các luật sư đã cho rằng, việc từ chối phục vụ một phương tiện cụ thể do vi phạm các quy định trên đường cao tốc là chưa hợp lý, bởi lỗi là do người điều khiển. |
Việc giám sát, hậu kiểm quá trình tổ chức thu phí được VEC thực hiện 24/24h, qua nhiều khâu, nhiều bộ phận tham gia, từ giám sát trực tiếp tại hiện trường, giám sát qua màn hình khổ lớn, giám sát qua hệ thống camera.... Hình ảnh từ các cabin thu phí đều được truyền trực tiếp về trung tâm. Dữ liệu thu phí định kỳ được sao lưu để phục vụ công tác giám sát, hậu kiểm. Trong đó, các tập tin cơ sở dữ liệu, các tập tin hình ảnh chụp phương tiện lưu thông qua trạm, các tập tin video liên tục giám sát làn được sao lưu dưới dạng tập dữ liệu và lưu giữ tối thiểu 5 năm. Các tập tin video giám sát cabin và giám sát toàn cảnh được sao lưu dưới dạng tệp dữ liệu và lưu giữ tối thiểu 1 năm theo đúng quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng thường xuyên có các đợt kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác vận hành khai thác, thu phí trên các tuyến đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư.
VEC cũng cho biết, doanh nghiệp ký hợp đồng hợp tác với các ngân hàng để tổ chức thu tiền thu phí. Những ngày bình thường, ngân hàng trực tiếp đến thu tiền tại các trạm thu phí định kỳ 1 ngày/lần; đối với các ngày lễ, Tết là 2 ngày/lần hoặc theo yêu cầu của VEC
Trước đó, vụ cướp tiền vào sáng ngày 7-2 (mùng 3 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi) tại trạm thu phí Dầu Giây thuộc tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đã làm dư luận đặt dấu hỏi về doanh thu thu phí của tuyến cao tốc này nói riêng và tính minh bạch trong công tác thu phí của các tuyến cao tốc do VEC quản lý, vận hành khai thác nói chung.
Liên quan đến sự cố ùn ứ trên cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây (HLD), ngày 11-2, bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ đường Cao tốc Việt Nam (VEC E) khẳng định, việc ùn ứ từ Km18 đến cầu Long Thành tại Km12 hướng Long Thành về TPHCM trong ngày 10-2 là từ các sự cố khách quan, không phải do việc chậm trễ trong hoạt động thu phí gây ùn tắc tại trạm thu phí, nên các yêu cầu liên quan đến việc xả trạm là không hợp lý và không đúng quy định hiện hành. Theo đó, vào lúc 14 giờ 50 phút, xảy ra vụ cháy đám sậy trong hành lang an toàn (không rõ nguyên nhân) tại Km 14 hướng từ Long Thành về TPHCM, gây khói, ảnh hưởng đến các phương tiện di chuyển. Khi phát hiện đám cháy, đội tuần tra giao thông xử lý sự cố đã chủ động dập lửa bằng bình chữa cháy tại chỗ và xe bồn, sự việc ảnh hưởng đến đường dây diện trung thế. Vụ cháy làm các phương tiện phải di chuyển chậm do ảnh hưởng đến tầm nhìn của người điều khiển phương tiện, đến 15 giờ 40 phút, đám cháy mới được dập tắt. Còn vào lúc 16 giờ 45 phút, xảy ra va chạm giữa phương tiện BKS 51F-46117 và phương tiện BKS 51D-044.65 tại Km 13+500 trên dốc cầu Long Thành hướng trái tuyến từ Long Thành về TPHCM. Vụ tai nạn làm phương tiện BKS 51F-461.17 bị hư hỏng nặng phần đầu, không tự di chuyển được. Liên tiếp, vào lúc 17 giờ 50 phút, có phương tiện bị chết máy trên dốc cầu Long Thành hướng trái tuyến từ Long Thành về TPHCM, nhận được tin báo, đội tuần tra giao thông xử lý sự cố, lực lượng C08 đã tiếp cận hiện trường, thực hiện công tác cứu hộ giao thông. Tiếp tục, lúc 18 giờ 10 phút tại Km 11+200 hướng trái tuyến từ Long Thành về TPHCM trước làn thu phí số 12, xảy ra va chạm giữa phương tiện 16 chỗ BKS 51B-207.49 và phương tiện BKS 51A-881.60, hai người điều khiển phương tiện đã tự động dừng xe, xảy ra xô xát, cản trở các phương tiện khác vào làn thu phí. Trung tâm điều hành đường cao tốc HLD đã kịp thời thông báo trên VOV Giao thông, trên các bảng thông báo VMS trên tuyến và ngoài vòng xoay QL51. Đồng thời cho đóng nhánh A tại Quốc lộ 51 (hướng từ Phan Thiết, Vũng Tàu, Biên Hòa lên cao tốc HLD về TPHCM) lúc 18 giờ 00 phút và mở lại lúc 19 giờ 00 phút cùng ngày để thực hiện công tác cứu hộ. Tuy nhiên, các sự cố trên đây cùng với việc lượng phương tiện tăng cao đổ về TPHCM trong ngày nghỉ Tết cuối cùng đã làm đường cao tốc HLD bị ùn ứ từ Km18 đến cầu Long Thành tại Km12 hướng từ Long Phước về TPHCM, kéo dài khoảng 6km. |