Trong phạm vi kinh doanh của mình, việc VEC E ra thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 phương tiện giao thông kể trên là không trái với quy định pháp luật. Bởi vì:
Thứ nhất, VEC E chỉ ra quyết định từ chối phục vụ đối với 2 phương tiện kể trên chỉ ở những trạm thu phí thuộc tuyến đường cao tốc mà VEC đang quản lý, khai thác. Mà tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây là công trình được thực hiện theo mô hình đầu tư - kinh doanh - chuyển giao và VEC đang trong giai đoạn được quyền kinh doanh trước khi thực hiện việc chuyển giao công trình lại cho Nhà nước.
Hơn nữa, tại Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2014 cũng quy định doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm. Do đó, trong phạm vi quyền kinh doanh của mình, VEC được quyền lựa chọn việc cung cấp hoặc không cung cấp dịch vụ cho những chủ thể nhất định.
Thứ hai, theo quy định của pháp luật hiện hành thì không có bất kỳ điều khoản nào cấm chủ thể có thẩm quyền không được áp dụng chế tài đối với phương tiện tham gia giao thông.
Mặc dù vậy, khi phân tích kỹ lưỡng, có thể thấy quyết định này của VEC E là không hợp lý và rất khó có thể áp dụng được trên thực tế. Xét về đối tượng áp dụng quyết định: VEC ra quyết định từ chối phục vụ đối với 2 ô tô, là phương tiện giao thông đường bộ. Trong khi đó, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008 cũng như quy định tại Nghị định 46/2016 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì đối tượng bị xử lý vi phạm chỉ là các tổ chức, cá nhân có hành vi liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Nghĩa là đối tượng chịu trách nhiệm trước pháp luật phải là tổ chức, cá nhân cụ thể.
Rõ ràng, các phương tiện giao thông chỉ là đồ vật vô tri, vô giác. Chúng chỉ được lưu hành khi có sự tác động bằng hành vi cụ thể của con người. Việc có hay không có hành vi vi phạm trong quá trình lưu thông cũng chỉ xuất phát từ hành vi của con người. Chúng không thể và không có khả năng chịu các trách nhiệm pháp lý thay cho hành vi vi phạm của bất kỳ một cá nhân nào. Do đó, bản thân các phương tiện tham gia giao thông không phải là đối tượng để áp dụng chế tài theo quy định pháp luật.
Về chủ thể có thẩm quyền xử phạt: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định 63/2018 thì hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Những dự án được áp dụng hình thức BOT phải là dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C theo tiêu chí quy định tại pháp luật về đầu tư công.
Có thể thấy bản chất của BOT là một hình thức kinh doanh. Tuy nhiên đây là một hoạt động kinh doanh đặc thù, có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Do đó, những quy định nội bộ của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, thông qua mới được áp dụng.
Nếu chủ phương tiện tham gia giao thông có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật, thì phải xử lý bằng pháp luật, chứ không thể áp dụng quy chế nội bộ của đơn vị đầu tư BOT.
Cụ thể trong trường hợp này, nếu đúng như phản ánh của VEC E, với hành vi gây rối thì chủ 2 ô tô này sẽ phải chịu chế tài được quy định tại Nghị định 46/2016. Đồng thời, theo quy định tại các Điều 70, Điều 71, Điều 72, Điều 73 Nghị định 46/2016 thì thẩm quyền xử phạt sẽ thuộc về các cá nhân và cơ quan nhà nước có thẩm quyền như sau: Chủ tịch UBND các cấp; Công an nhân dân; Thanh tra chuyên ngành, Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ hàng không, Cảng vụ đường thủy nội địa.
Như vậy, với vai trò là đơn vị đang quản lý, khai thác tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, VEC hay VEC E không hề có thẩm quyền xử lý đối với các chủ thể có hành vi vi phạm.
Tóm lại từ những phân tích ở trên, không thể khẳng định quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn của VEC E đối với 2 ô tô này là trái pháp luật. Tuy nhiên, quyết định này hầu như chỉ mang tính hình thức, không có giá trị pháp lý và không có khả năng áp dụng trong thực tế.