Một vùng rừng núi rộng lớn của Di Linh, Bảo Lộc, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, ngày xưa là những căn cứ cách mạng với tên gọi K1, K2, K3, K4..., nay đã là những làng cử nhân, làng triệu phú. 35 năm là một sự đổi thay lớn lao...
Từ căn cứ kháng chiến...
Ông Tám Cảnh (Nguyễn Xuân Du), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng xúc động kể lại: “Lâm Đồng không phải là chiến trường ác liệt, nhưng đây là vùng chiến lược rất ý nghĩa nối Tây Nguyên với Nam Trung bộ và tuyến hành lang Nam - Bắc. Những năm chiến tranh, cán bộ, bộ đội bám dân, bám làng, trường kỳ kháng chiến. Dân tiếp tế lương thực, thực phẩm, tải đạn, cắm chông, liên lạc... thực sự là chiến tranh nhân dân. Chiếc máy bay của tướng Mỹ rơi tại Lộc Bắc cũng là do du kích – ông K’Vét lập công đấy”.
Tháng 3-1975, sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, Gia Lai, Kon Tum, quân chế độ cũ hoang mang, nhốn nháo. Cuối tháng 3, từ hướng Đồng Nai, quân ta đánh lên phía Bắc, giặc chạy dài. Ta đuổi đến đâu, chúng chạy đến đó. Giải phóng ào ào từ Bảo Lộc, Di Linh, Đức Trọng, đến ngày 3-4 thì giải phóng Đà Lạt. Trước đó, thấy tình hình bất ổn, các tướng tá ngụy cùng gia đình đã cao chạy xa bay.
Sau giải phóng, ta lại phải đối mặt với hàng loạt khó khăn. Gian nan hơn nữa là sự chống phá của lực lượng phản động fulro – do Mỹ gây dựng, cài cắm lại. Vậy là sau chiến tranh vẫn có những chiến sĩ công an, bộ đội, cán bộ của ta ngã xuống. Tuy nhiên, chủ trương của ta là kiên trì đấu tranh, vận động, kêu gọi lực lượng fulro ra hàng, trở về với cách mạng, với nhân dân. Đến năm 1987, vấn đề fulro cơ bản được giải quyết, an ninh trật tự ổn định, kinh tế - xã hội từng bước đi lên.
Công cuộc đổi mới gỡ bỏ những ràng buộc của cơ chế bao cấp, đem đến cho nhiều vùng quê nghèo sinh khí mới. Cơ chế khoán, giao quyền tự chủ cho xã viên, công nhân đã làm xanh lại những đồi chè, nương dâu. Cùng với những nông trường quốc doanh, thương nghiệp quốc doanh, là sự ra đời của các cơ sở sản xuất kinh doanh tư nhân, tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội, đẩy nhanh tốc độ phát triển KT- XH địa phương.
... đến xã triệu phú
Xe chúng tôi chạy bon bon trên đường. Đoạn đường cao tốc Đà Lạt – Đức Trọng, xe chạy 100 km/giờ đem lại cho tôi “cảm giác” sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đã hình thành nơi đây. Tuyến đường này mới được làm xong vài năm nay. Từ khi có đường cao tốc, từ sân bay Liên Khương về Đà Lạt chỉ mất 30 phút.
Đức Trọng hiện ra trước mắt với thị trấn Liên Nghĩa sôi động. Chợ đầu mối đầy ắp hàng hóa, tấp nập người mua bán. Cửa hàng, cửa hiệu san sát hai bên đường. Những tốp học sinh vừa tan lớp khỏe khoắn trong bộ đồng phục… Chỉ vậy thôi cũng đủ cho thấy sức sống của vùng quê này.
Về huyện Di Linh. Con đường thi công ì ạch nhiều năm vì thiếu vốn nay đã xong. Từ trung tâm, những ngả rẽ vào xã đều đã trải nhựa. Phó Chủ tịch UBND xã Gung Ré, Hoàng Văn Giảng cho biết, anh từ Nam Định vào đây năm 1980, 30 năm qua là một sự đổi thay đến “không tưởng”. Hồi đó, vùng này chưa có ai giàu, nhưng giờ đây thì không hiếm. Xã có đến 6/9 thôn là người dân tộc thiểu số (DTTS), nhưng bà con đều biết thâm canh cà phê, lúa nước. Xã có hai trường tiểu học và các phân hiệu, học sinh ra lớp đúng độ tuổi, duy trì sĩ số khá tốt, từ 95%-100%.
Ka Liên – cô gái trẻ làm công tác văn hóa xã Gung Ré đưa chúng tôi vào thôn KaMing – một trong 6 thôn đa số là đồng bào DTTS. Con đường nhựa dẫn chúng tôi đến tận sân trường tiểu học. Vừa tan lớp. Những đứa trẻ lưng đeo cặp, xúng xính váy áo, tung tăng ngõ xóm. Đi qua mỗi nhà, Ka Liên lại chỉ cho chúng tôi: nhà đây có 3 con học đại học, nhà kia có con là bác sĩ, bây giờ đang học thạc sĩ ở TPHCM…
Chúng tôi vào nhà bà Ka Dôi. Ông bà có 7 người con thì 4 người đã học cao đẳng, đại học, đang công tác ở tỉnh, ở huyện. Bà nói tiếng Kinh, thỉnh thoảng lại chen vài tiếng K’ho: “Có lúc khó khăn lắm, nhưng phải lo cho các con ăn học, phải học mới làm việc được. Không học, thua kém người khác thì khổ lắm”. Trưởng thôn K’Sôm cho biết, cả thôn hiện có 23 cháu đang học cao đẳng, đại học. Còn tính từ trước đến nay thì nhiều, có tới hàng trăm. Người ta gọi đây là “làng cử nhân” mà.
Một ngả rẽ khác từ thị trấn Di Linh, chúng tôi qua xã Tân Châu vào xã Tân Thượng. Hai bên đường hầu hết là nhà xây to. Có con số thống kê, Tân Châu có đến 700 biệt thự, còn Tân Thượng, Bí thư xã Nguyễn Công Lành không chịu nhận đó là biệt thự mà chỉ nói xã có 70%-80% nhà xây kiên cố, có sân vườn. Còn lại là cấp 4 - nhà xây, lợp ngói. Xã có 1.213 hộ, 90% hộ đồng bào DTTS. Thu nhập bình quân đầu người 14-15 triệu đồng/năm. Cả xã chỉ còn 7,4% hộ thuộc diện nghèo.
Ở đây, chủ yếu là canh tác cây cà phê. Mỗi vụ, nhà nhiều thu hoạch đến 30 tấn, nhà ít thì 3 - 4 tấn. Nói về công tác giáo dục, Bí thư Lành và Chủ tịch UBND xã Kbrel cho biết, các gia đình đều rất quan tâm cho con cái học hành. Trẻ đến tuổi đều được ra lớp. Xã có trường tiểu học, trung học cơ sở. Học hết THCS thì học THPT ở thị trấn. Nhiều cháu vào đại học, cao đẳng, hoặc trường nghề.
Nhân thể, anh Lành giới thiệu chủ tịch xã: “KBrel đã đi bộ đội rồi, trưởng thành từ cán bộ Đoàn, mô hình làm kinh tế giỏi đấy”. KBrel cười, anh bảo: “Vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm và phổ biến cho bà con thôi. Mong được cán bộ nông nghiệp về hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới…”.
Chúng tôi nghe mừng quá. Đây chính là mục tiêu của chương trình nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Phong Tranh rất tâm đắc chương trình này. Đồng chí đánh giá đây là một trong những chương trình trọng tâm của tỉnh (nhiệm kỳ qua) thành công nhất. Từ chương trình này, giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất canh tác của Lâm Đồng đã tới 64 triệu đồng, đã có nhiều cánh đồng đạt đến 500 – 600 triệu đồng.
Đến mỗi vùng quê hôm nay, ta có thể cảm nhận sự thay da đổi thịt. Cách mạng về đã đem lại những làng cử nhân, làng triệu phú và cả những cán bộ trẻ tràn đầy nhiệt huyết như KBrel.
BÍCH HIỀN