Mũi Cà Mau (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) là một vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc. Rất nhiều người dân mọi miền đất nước mong muốn được đến thăm vùng đất này ít nhất một lần trong đời. Giờ đây, vùng đất ở cuối bản đồ Việt Nam, không còn xa lắm, kể từ khi tuyến đường mang tên Bác về đến Đất Mũi.
“Trái tim thủ đô” nơi Đất Mũi
Trở lại Mũi Cà Mau vào những ngày cuối năm, chúng tôi thấy nơi đây nhiều thay đổi, những công trình có ý nghĩa, mang tính biểu tượng được xây dựng mới. Trong đó, quy mô nhất là công trình cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau vừa khánh thành. Công trình được xây dựng mô phỏng theo kiến trúc của cột cờ Hà Nội. Tuy nhiên, do đặc thù cảnh quan nơi đây nên cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau có quy mô lớn hơn, cao hơn, không gian bên trong thoáng hơn. Đây là công trình mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô Hà Nội tặng tỉnh Cà Mau.
Còn nhớ, cách đây gần 4 năm (ngày 16-1-2016), tại lễ động thổ xây dựng công trình biểu tượng cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau, có rất nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước tham dự và bày tỏ sự xúc động vì ý nghĩa của công trình. Tại lễ khánh thành công trình, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, cho biết, với tình cảm gắn bó giữa TP Hà Nội và tỉnh Cà Mau, hai địa phương đã thống nhất Hà Nội xây dựng tặng Cà Mau công trình cột cờ Hà Nội. Cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi linh thiêng vừa là biểu tượng văn hóa, vừa có ý nghĩa quan trọng khẳng định chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Mặc dù xa về khoảng cách địa lý, nhưng với sự hiện diện của cột cờ Hà Nội ở Đất Mũi sẽ như “sợi chỉ đỏ” kết nối và tô thắm thêm tình đoàn kết gắn bó giữa nhân dân thủ đô Hà Nội nói riêng và nhân dân cả nước nói chung, với nhân dân Cà Mau và miền Nam ruột thịt.
Đến thăm Mũi Cà Mau, du khách có thể vào bên trong công trình cột cờ, theo cầu thang lên trên. Từ trên kỳ đài có thể quan sát trọn vẹn nơi cuối cùng bản đồ Việt Nam. Gặp chúng tôi trên kỳ đài quan sát, ông Lê Quang Hùng (62 tuổi, quê Ninh Bình), chia sẻ: “Dù đã lớn tuổi, leo cao mấy chục mét cũng thấm mệt. Tuy nhiên, đứng trên kỳ đài ngắm cảnh rừng đước xanh bạt ngàn, biển rộng bao la, tận mắt được nhìn bãi bồi hàng năm lấn dần ra biển tại nơi cuối bản đồ hình chữ S của đất nước, tôi cảm thấy may mắn. Tôi đã được đặt chân lên cột cờ Lũng Cú - Hà Giang, và hôm nay là cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau, cảm giác rất phấn khởi và tự hào”.
Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Cà Mau, công trình cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau được xây dựng trên diện tích 1,6ha, gồm 3 khối đế và phần tháp. Tháp cột cờ cao 24,5m, hình bát giác côn; trên đỉnh là lầu bát giác, phần thân bên trong cột cờ bố trí thang bộ để khách lên tham quan; chiều cao cột cờ là 41m; tổng mức đầu tư gần 140 tỷ đồng. Công trình được xây dựng kiên cố với vật liệu có khả năng chống chịu gió bão và xâm thực của nước biển.
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Cà Mau, cho biết, bên trong cột cờ, các tầng sẽ là không gian trưng bày giới thiệu lịch sử, văn hóa về vùng Đất Mũi - Cà Mau, những thành tựu kinh tế - xã hội tiêu biểu của tỉnh. Ngoài ra, còn có khu trưng bày không gian kết nối di sản văn hóa, đặc biệt nhấn mạnh chủ đề di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Trong tương lai, bên trong cột cờ sẽ hình thành một bảo tàng thiên nhiên Đất Mũi.
Thúc đẩy du lịch phát triển
Trước đây chừng 5 năm, do điều kiện đi lại khó khăn, nguồn lực đầu tư còn hạn chế nên các công trình tại Mũi Cà Mau phục vụ du khách đến tham quan chưa nhiều, đặc biệt là tình trạng sạt lở làm kết cấu hạ tầng tại đây hư hỏng nhiều. Vì vậy, du khách chỉ có thể chụp vài tấm ảnh lưu niệm tại Cột mốc tọa độ quốc gia GPS 0001, Biểu tượng mũi tàu Cà Mau, thưởng thức vài món đặc sản tại địa phương rồi về. Du lịch thời điểm này còn đơn điệu.
Hiện nay, ngoài công trình cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau, tại đây còn có các công trình như: Biểu tượng điểm cuối đường Hồ Chí Minh, tượng Mẹ và Đền thờ Lạc Long Quân; hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng được đầu tư nâng cấp, cảnh quan được chăm chút hơn. Khi đến Đất Mũi, du khách có thể đi ca nô hoặc vỏ lãi gắn máy đuôi tôm xuyên rừng, tham quan Vườn quốc gia Mũi Cà Mau (có thể xem khu vực chót Mũi Cà Mau), hiểu được vì sao khu vực này bồi dần ra biển. Du khách cũng có thể trải nghiệm sinh hoạt thường ngày của người dân địa phương như: cắm cua, bắt ba khía và thưởng thức các sản vật tại địa phương ở các điểm du lịch cộng đồng.
Ông Trần Hiếu Hùng cho biết, trong những năm qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch Mũi Cà Mau. Với sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân đã tạo nên cho Đất Mũi diện mạo mới, khang trang như ngày hôm nay. Các công trình tạo điểm nhấn tại đây góp phần giới thiệu quảng bá hình ảnh du lịch Cà Mau đến du khách trong và ngoài nước. Tỉnh cũng đang tiến hành nâng chất, phát triển một số loại hình, sản phẩm du lịch mới để phục vụ du khách đến tham quan. Du lịch phát triển góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Với mong muốn người dân được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch, tỉnh sẽ tiến hành sắp xếp lại dân cư khu vực Mũi Cà Mau, tạo làng nghề, dịch vụ mua bán các sản phẩm lưu niệm, đặc sản Cà Mau.