Theo đó, vào lúc 7 giờ 55, tại bãi phóng Trung tâm Vũ trụ Uchinoura của Nhật Bản, tên lửa Epsilon-5 của Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã khai hỏa, rời bệ phóng để đưa vệ tinh NanoDragon và 8 vệ tinh khác lên quỹ đạo.
Tên lửa Epsilon-5 trên bệ phóng ở Trung tâm Vũ trụ Uchinoura trước thời điểm khai hỏa. Ảnh chụp lại qua màn hình
Theo JAXA, các vệ tinh được phóng vào vũ trụ lần này thuộc chương trình “Trình diễn công nghệ vệ tinh sáng tạo 2” của JAXA. Sau khoảng 52 phút, Epsilon-5 sẽ bắt đầu thả các vệ tinh vào quỹ đạo. NanoDragon là vệ tinh cuối cùng được thả vào không gian sau khi rời khỏi mặt đất 1 giờ 11 phút 38 giây.
Tên lửa Epsilon-5 của JAXA rời bệ phóng mang vệ tinh NanoDragon của Việt Nam và 8 vệ tinh khác lên quỹ đạo. Ảnh chụp lại qua màn hình
NanoDragon là vệ tinh lớp nano nặng 3,8 kg với kích thước tiêu chuẩn 3U (100 x 100 x 340,5 mm), được Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) phát triển. Vệ tinh là sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành thử nghiệm vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano” thuộc Chương trình KH-CN cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 - 2020.
Quá trình nghiên cứu, thiết kế, tích hợp, thử nghiệm chức năng vệ tinh hoàn toàn được thực hiện tại Việt Nam, bởi các cán bộ nghiên cứu của VNSC. NanoDragon sẽ hoạt động ở quỹ đạo đồng bộ mặt trời ở độ cao khoảng 560km và thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy, sử dụng cho mục đích tránh bị va chạm hoặc kết hợp dữ liệu để theo dõi, giám sát phương tiện trên biển. Vệ tinh được VNSC hoàn thiện, bàn giao cho JAXA để chuẩn bị cho việc phóng lên quỹ đạo giữa tháng 8-2021.
Vệ tinh NanoDragon hoàn toàn do Việt Nam tự nghiên cứu, chế tạo và được bàn giao cho JAXA từ giữa tháng 8-2021 để chuẩn bị cho kế hoạch phóng lên quỹ đạo
Ngày 19-10-2013, vệ tinh siêu nhỏ “Made in Vietnam” mang tên PicoDragon có khối lượng 1kg, được phát triển bởi các nghiên cứu viên và kỹ sư trẻ của VNSC, đã được phóng thành công vào quỹ đạo. Sau đó, trạm mặt đất VNSC và các nơi trên thế giới cũng đã ghi nhận thành công tín hiệu liên lạc từ vệ tinh này.
Đây được coi là cột mốc quan trọng trong việc đánh dấu PicoDragon trở thành vệ tinh do Việt Nam tự phát triển đầu tiên hoạt động thành công trong không gian. Vệ tinh PicoDragon chính là sản phẩm đầu tay của đội ngũ phát triển vệ tinh của VNSC. Sau vệ tinh PicoDragon, VNSC thực hiện dự án chế tạo vệ tinh MicroDragon với khối lượng 50kg tại Nhật Bản. Tại đây, 36 kỹ sư của VNSC được cử đến 5 trường đại học hàng đầu Nhật Bản tham gia khóa học thạc sỹ công nghệ vũ trụ, đồng thời tham gia thiết kế, chế tạo, thử nghiệm vệ tinh MicroDragon dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các giáo sư Nhật Bản.
Thông qua dự án mang tính đột phá này, các kỹ sư Việt Nam không chỉ có cơ hội tiếp thu kiến thức cơ bản về công nghệ vệ tinh mà còn được trực tiếp tham gia thực hành chế tạo vệ tinh micro, tích lũy kinh nghiệm trong quy trình phát triển vệ tinh. Vệ tinh MicroDragon được phóng lên quỹ đạo ngày 18-1-2019 tại bãi phóng Uchinoura và kết nối thành công với trạm mặt đất.
Lộ trình nghiên cứu và phát triển vệ tinh "Made in Vietnam" do VNSC thực hiện
Hiện nay, VNSC đang quản lý dự án chế tạo hệ thống vệ tinh LOTUSat-1 sử dụng công nghệ radar khẩu độ tổng hợp, được thiết kế, chế tạo bởi tập đoàn NEC (Nhật Bản), có khối lượng khoảng 570kg với khả năng chụp ảnh trái đất độ phân giải cao trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm.
Dữ liệu ảnh thu nhận từ vệ tinh LOTUSat-1 sẽ đáp ứng được nhu cầu cấp bách về nguồn ảnh, cung cấp các thông tin chính xác và kịp thời nhằm ứng phó giảm thiểu các tác động của thảm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Vệ tinh LOTUSat-1 dự kiến được phóng vào cuối năm 2023.