1. Chào cờ buổi sáng ở Côn Đảo là một buổi chào cờ đặc biệt và quá đỗi thiêng liêng. Ngước nhìn lá cờ được kéo lên giữa trời xanh, mây trắng, giữa biển cả mênh mông lòng rưng rưng nhớ về bao Anh hùng liệt sĩ đã dâng hiến tuổi xuân, tính mạng của mình để bảo vệ lá cờ. Trong phút giây trang nghiêm ấy, tôi cũng rất nhớ ba mình, một cựu tù Côn Đảo. Lúc bị địch bắt, ông không giữ chức vụ cao (huyện ủy viên) nhưng bị tra tấn, giam cầm qua các nhà lao và đã ở Côn Đảo nhiều năm bởi vì không chịu bước qua lá cờ Tổ quốc…
Trong buổi sáng đến viếng và buổi tối đi thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ ở Nghĩa trang Hàng Dương, chúng tôi cùng các bạn trẻ của Thành đoàn TPHCM đi qua các ngôi mộ: Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, Anh hùng Lực lượng vũ trang Võ Thị Sáu, đồng chí Lưu Chí Hiếu, Lê Văn Việt, Trần Văn Thời… Với 2.000 ngôi mộ được quy tập (trong tổng số trên 200.000 chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước ngã xuống tại Côn Đảo) chỉ có 793 ngôi mộ có danh tánh, quê quán, phần còn lại vẫn chưa xác định họ tên.
Cùng với đoàn đại biểu TPHCM ra Côn Đảo dịp này, chúng tôi đã đi thăm Trường THCS Lê Hồng Phong (ngôi trường do TPHCM xây tặng trong khuôn viên 2ha) và đi thăm 20 gia đình có công với cách mạng. Chúng tôi rất ấn tượng vì 6 trường học ở đây trường nào cũng rộng rãi, khang trang. Đón tiếp chúng tôi, các thầy cô, các em học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong rất phấn khởi cho biết về kết quả dạy - học và rất vui khi tiếp nhận các loại sách về kỹ năng, cùng các bộ máy vi tính do TPHCM đem đến trong dịp này.
Các gia đình diện chính sách mà đoàn đại biểu TPHCM đến thăm có những người là cựu tù Côn Đảo, có người là vợ liệt sĩ, là thương binh… hầu hết có cuộc sống ổn định, con cháu đều có công ăn việc làm… Cũng có trường hợp có nhu cầu về mở rộng nơi ở, nơi thờ cúng, huyện cũng biết từng trường hợp và có kế hoạch đáp ứng. Hòa vào dòng người đến viếng Trại Phú Sơn, dấu tích của khu nhà tù, xà lim năm xưa, nơi tùng giam Bác Tôn và các nhà yêu nước… tôi nhận thấy các khu di tích được trùng tu, được bảo vệ và các cô thuyết minh đã rất tận tình giới thiệu cho các đoàn khách đến thăm.
2. Chương trình nghệ thuật đặc biệt, kỷ niệm 75 năm ngày thương binh, liệt sĩ mang tên “Côn Đảo - Sáng mãi bản anh hùng ca” tại sân vận động 30/4 đông kín người vì qua mùa dịch Covid-19, người dân ở đây mới được xem trực tiếp các văn nghệ sĩ nổi tiếng của TPHCM về biểu diễn, phục vụ. Tranh thủ thời gian trước giờ thắp nến tri ân, chúng tôi thuê xe chạy vòng quanh Côn Đảo, con đường phía Tây Bắc của đảo mới được làm lại sau này, để có thể cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ, không khí trong lành, nhìn thấy các đàn khỉ chạy ra vào bìa rừng đón khách…
Côn Đảo giờ khác nhiều so với trước, có nhiều công trình đã và đang được trùng tu, xây dựng. Các con đường khá sạch đẹp, rợp bóng cây bàng, sa la, phượng vĩ… thoáng mát, các bãi biển dọc đường quanh đảo khá sạch và xanh. Nhiều con đường cũng đã có đèn tín hiệu giao thông. Được biết dân số hiện tại của Côn Đảo khoảng hơn 8.000 người nhưng đã thu hút khách du lịch đến khoảng 2.000 - 3.000 người/ngày, đông nhất là vào dịp cuối tuần và những ngày tháng 7. Người đến Côn Đảo bằng đường hàng không và tàu thủy. Sân bay Cỏ Ống sắp tới sẽ được nâng cấp, mở rộng để máy bay lớn có thể đưa hành khách đến với Côn Đảo nhiều hơn. Nơi ở cho khách thì đã được cải thiện đáng kể. Lưới điện hứa hẹn sẽ sớm hòa vào lưới điện quốc gia…
Trước yêu cầu phát triển, nhiều người cũng lo là không biết việc bảo tồn di sản có được giữ nghiêm không, cùng với việc đảm bảo giữ gìn cảnh quan, thiên nhiên trong lành, cũng như việc xử lý rác thải, nước thải… Đồng chí Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến tham dự các hoạt động ở Côn Đảo dịp này cũng cho biết hướng xử lý nhằm đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, việc giữ gìn vệ sinh, môi trường... Trong thực tế, có những nhà giam chỉ còn lại các bức tường. Hướng phát triển sẽ gắn với quy hoạch và sẽ được xem xét về thiết kế một cách cẩn thận.
3. Mỗi địa danh của Côn Đảo đều gắn với biết bao sự hy sinh của nhiều thế hệ người Việt Nam yêu nước. Cầu tàu 914 gắn với con số 914 con người đã ngã xuống, bia 198 gắn với 198 người vượt ngục không thành, các Nghĩa trang Hàng Dương, Hàng Keo… nơi đã tập hợp và không thể tập hợp hết hài cốt để tạo thành mộ phần ghi đầy đủ họ tên, quê quán… những con người đã ngã xuống. Tất cả đã tạo thành một Côn Đảo hiên ngang, huyền thoại, anh hùng và vẻ đẹp bất tận khó nơi nào có được.
Tạm biệt Côn Đảo, lòng miên man nhớ những con người đã khuất, đã gửi lại tuổi xuân mãi mãi tại nơi đây. Đó là những tấm gương kiên trung, bất khuất, luôn trẻ mãi, đẹp mãi với thời gian, với đất nước, với dân tộc anh hùng. Lòng biết ơn những người ngã xuống cho độc lập tự do, sự quý trọng giá trị của hòa bình luôn là điểm tựa nâng bước các thế hệ nối tiếp thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.