Về thăm chợ tết ngày thơ

Không phải bây giờ mới da diết nhớ những phiên chợ tết. Ngay cả tôi cũng không tin được cảm giác rạo rực khó tả của mình mỗi khi bắt gặp một tín hiệu tết dọc đường đời. Kì lạ lắm, lúc đó chỉ muốn bỏ hết tất cả mà chạy ùa về chợ Xổm, để được bé lại tận hưởng giấc mơ chợ tết.

Nhà tôi nằm bên hông chợ. Mẹ nói ngày đó mọi người tranh thủ ra ghé chợ rồi ra đồng nên chợ họp sớm tan nhanh, vậy là có tên chợ Xổm. Nhà làm nông nhưng bạn bè gọi tôi – dân xóm chợ. Tôi đã nhiều lần khoe khoang lộ liễu về cái chợ nhỏ gần nhà. Trưởng thành, tôi ba lần bốn lượt duy chuyển chỗ ở. Nhưng dù có qua năm bảy cái chợ thì trong tâm trí tôi vẫn có một góc riêng cho chợ Xổm. Cái góc nhỏ ấy thần thánh lắm. Dù đời lận đận qua nhiều ghềnh thác thì cái góc “bất khả xâm phạm” ấy vẫn nguyên vẹn trong tôi.

Từ đầu tháng Chạp, “chợ Xổm” đã mang tên “chợ Tết”. Hồi đó nghèo nhưng tết vui ơi vui! Rộn ràng lắm lắm. Từ đầu tháng Chạp, trẻ con đã được mẹ dẫn đi sắm tết, chỉ cái này, ướm cái kia. Cảm giác đó tuyệt đến độ đã khiến tôi quan niệm nếu chỉ đón tết mà bỏ qua tiết mục được theo chân mẹ ra chợ thì tết đã bị khuyết mất ở đâu đó rồi. Ngây ngất khi mẹ bảo “sáng mai đi chợ tết nghen!”. Chỉ cần nghe vậy là từng tế bào trong người đều có tết. Thật diệu kì cái cảm giác bồi hồi nao nức theo cái cách lạ lùng. Vẫn cái chợ Xổm chỉ nhúm người họp nhưng bỗng tấp nập và lộng lẫy. Nhìn đâu cũng thấy tết.

Những gian quần áo được ken dày, màu sắc và độ tuổi nào cũng có hàng hóa để phục vụ. Kề bên là gian hàng có mũ, giày, dép đủ kiểu... Hồi đó nhà nghèo con đông, tết đến mẹ đều lo cho các con đồ mới và luôn phải một bộ quần xanh, áo trắng mới để còn mặc đi học. Hiểu điều đó nên chị em cũng không đứa nào dám đòi hỏi. Đi chợ tết với mẹ chỉ để xỏ chân cho vừa đôi dép mới nhưng đôi mắt tham lam cứ muốn thu hết hình ảnh nhộn nhịp náo nức của chợ tết để tối về cứ rạo rực, bâng khuâng, rồi ôm cả gian đồ tết thênh thang ngoài chợ vào giấc mơ. Tôi đã xem những ngày bén gót theo mẹ đi chợ tết là cuộc phiêu lưu vui vẻ và trong trẻo nhất trần đời.

Sau này, lớn hơn một chút, trước khi chính thức hát vang “tết, tết, tết đến rồi”, tôi còn được một lần nữa đi chợ, lần này bồi hồi phấn khởi hơn, vì tết đã đứng ở đâu đó, rất gần rồi. 28 trở đi, chợ Xổm mới đúng nghĩa “chợ tết”. Đến thời điểm “nóng”, chợ không chỉ dành cho người làm nghề buôn bán nữa mà tất tật luôn, nhà ai có gì bán đó. Những trái dưa leo xanh mướt, rổ rau tần ô, nhúm khoai từ... Ngoại tôi còn đem bán hoa vạn thọ. Chợ quê vào tết có hoa vạn thọ bạt ngàn và tràn ngập lay ơn, dung dị nhưng cũng đủ rực rỡ, chỉ chừng đó cũng đủ làm bừng sáng cái chợ quê. Hồi đó học lớp 7, tôi cũng tranh thủ cắt bụi liễu đã nâng niu trước cửa từng ngày để đi chợ tết. Khách mua xong bình lay ơn sẽ mua thêm nhánh liễu cho trọn vẹn. Hết liễu, cầm mớ tiền lẻ trên tay mà vẫn lừng khừng không nỡ về vì còn mê đắm không khí rộn ràng của chợ tết.

***

Hơn 30 phiên chợ tết, tôi đã nếm gần đủ những đớn đau của kiếp nhân sinh. Trôi nổi từ đồng lên núi rồi từ núi về phố với bao kí ức nhưng ở nơi đẹp đẽ nhất của tâm hồn tôi luôn có kí ức của những phiên chợ tết ngày thơ bé. Nỗi nhớ hằn sâu đến nỗi những ngày cuối năm, quán cà phê cạnh nhà du dương tiếng nhạc xuân thì trong đầu tôi, trái tim tôi lại nghe văng vẳng tiếng chân bước thình thịch và tiếng cười nói lao xao ngoài đường, mi mắt tự động nheo lại vì ánh sáng của pin, của cây đèn dầu lọt thỏm vào hiên nhà. Chợ Xổm vào tết xào xạc từ trong đêm. Sáng ra chợ người chen người, lưng đụng lưng, ngực đụng ngực.

Và tôi, hơn 20 năm rời quê, năm nào cũng tranh thủ ghé về chợ Xổm ngày cận tết để được quay về với kí ức thần tiên, để được nghe tiếng mời chào thân thương, đậm đà nghĩa tình xứ Nẫu.

Tin cùng chuyên mục