Xin được mạo muội nêu ra một nhận định về nghề nghiệp văn chương: Cảm hứng xã hội là điều kiện cần, nhu cầu và năng lực cá nhân là điều kiện đủ. Điều này cho thấy, việc sáng tác văn học luôn có mục đích xã hội. Để đạt được mục đích, hết thảy các nhà văn đều xác định rõ vị trí, trách nhiệm xã hội và yêu cầu luôn đổi mới, vượt lên chính mình. Trong đó, vấn đề đổi mới là quan trọng nhất. Có thể khẳng định, những năm qua, văn học TPHCM và cả nước có rất nhiều đổi mới, tìm tòi, sáng tạo.
Xin nói từ thời điểm năm 1986, công cuộc đổi mới được tiến hành toàn diện. Văn học có rất nhiều điều kiện để đổi mới tư duy, trách nhiệm và phương thức nghệ thuật. Dòng chảy văn học luôn nằm trong dòng chảy của văn hóa dân tộc. Tính kế thừa là điều tự nhiên, là sự tất yếu phải có. Đến thời đổi mới, tính kế thừa đang phát huy cùng với sự giao thoa hội nhập sâu rộng với thế giới đã tăng thêm sự phong phú, đa dạng của văn học.
Thực tế cho thấy, sự khởi sắc của văn học thành phố và cả nước là điều rõ ràng, là một minh chứng cho thấy văn học, luôn đồng hành và phát triển cùng đất nước. Văn học Việt Nam và văn học TPHCM có sự phát triển nhanh về số lượng. Người viết văn nhiều hơn; số lượng sản phẩm văn học tăng mạnh, đôi khi tăng đến chóng mặt. Hiện thực về đời sống con người, đời sống xã hội được phản ánh đa chiều.
Tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, thông minh, sáng tạo trong các tác phẩm viết về chiến tranh được nâng lên một tầm cao mới, có sức khái quát và lan tỏa sâu rộng hơn. Tinh thần đấu tranh chống tham nhũng, cái xấu, cái độc hại mạnh mẽ và có hiệu quả hơn. Có nhiều sáng tạo trong cách viết để tạo sức hấp dẫn. Sự tác động của văn học nước ngoài và thị trường có mặt tích cực. Nhiều nhà văn thành công, ít nhiều tạo ra được “thương hiệu” về các mảng đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, văn học tuổi mới lớn…
Tuy nhiên, trong sự vận động văn học không thể tránh khỏi những biến thể không phù hợp. Với ý thức luôn đổi mới, văn học đến với công chúng gần gũi hơn, một số ít tác phẩm văn học “đời thường” đã lệch sang mức “tầm thường”, hay nhập vào xu hướng “giải thiêng” hết sức xa lạ và phản cảm. Cũng như mọi sự vận động khác, sự vận động của văn học luôn hướng tới mục đích. Mọi sự sáng tạo cũng đều hướng tới mục đích.
Với tình hình và xu thế phát triển hiện nay, thiết nghĩ, ở góc độ nhận thức người viết văn cần xác định rõ mục đích tạo ra sản phẩm ích nước, lợi dân và có ích cho chính bản thân người viết. Nói gọn lại phải có sự kết hợp hài hòa của “ba lợi ích” cho sản phẩm. Lợi ích cho quốc gia dân tộc; lợi ích cho người đọc; lợi ích cho bản thân tác giả. Trong đó lợi ích quốc gia phải đặt lên hàng đầu. Xin được nói thêm, chỉ số phát triển của văn học không giống như phát triển kinh tế. Chỉ số “đỉnh cao” là thước đo chính cho sự phát triển văn học. Và tất nhiên, do đặc thù, tài năng văn học là một phần quan trọng hàng đầu để tạo nên những tác phẩm đỉnh cao.
Xin có mấy kiến nghị đối với công việc quản lý nhà nước. Thứ nhất, có chính sách phù hợp phát triển hệ thống xuất bản, truyền thông, thư viện để phát triển văn hóa đọc. Sách hay cần phải được quảng bá và phát hành sâu rộng đến mọi tầng lớp người đọc. Sách dở phải có những phê bình phê phán phù hợp. Hoạt động lý luận phê bình văn học cần phải được duy trì thường xuyên và có hiệu quả.
Thứ hai, phải có chủ trương, cơ chế thích hợp để phát hiện và nuôi dưỡng tài năng văn học. Với TPHCM, nên sớm thành lập “quỹ hỗ trợ văn học” để sử dụng đầu tư chiều sâu theo phương thức đặt hàng, phát hiện và nuôi dưỡng tài năng… Nói ngắn gọn, thành phố có chính sách, cơ chế phát hiện và nuôi dưỡng tài năng văn học, tạo điều kiện tốt nhất để có những tác phẩm chất lượng cao về tư tưởng, nghệ thuật và quảng bá những tác phẩm đó.
Có người cho rằng, muốn có tác phẩm lớn phải có tác giả lớn và bạn đọc lớn. Hy vọng lãnh đạo và các cấp quản lý xã hội là một bạn đọc lớn của văn học.