“Ầu ơ, gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng. Về sông ăn cá… ơ ơ ờ… Về sông ăn cá, về đồng ăn cua”. Trên con phà Tân Châu, gió từ sông thổi lên lồng lộng, trong ánh chiều chập choạng, bất chợt nghe văng vẳng giọng ai hò. Câu ca dao ấy không biết đã có tự lúc nào, chỉ biết từ ngày còn bé tẹo, hầu như ai trong mỗi chúng ta cũng đều thuộc nằm lòng câu ca ấy trong những lời ru của bà, của mẹ.
Về sông ăn cá, về đồng ăn cua - câu ca bắt nguồn từ dải đất phương Nam, từ vùng đất hiền hòa với những con người hồn hậu, hào phóng và nghĩa tình. Có lẽ là vậy! Những con sông, con rạch uốn lượn, vươn tay qua bao nhiêu cánh đồng cũng là chở theo bấy nhiêu phù sa bồi đắp cho ruộng vườn màu mỡ, cho cây trái tốt tươi.
Địa thế chằng chịt sông nước, thiên nhiên còn ưu ái ban tặng đất và người Nam bộ biết bao sản vật vô cùng đặc trưng mà không nơi nào có được.
Quả là không sai khi ai đó nói rằng, nếu bạn chưa từng thưởng thức những món ăn, đặc biệt là món cá của miệt sông nước thì coi như bạn chưa từng về miền Tây!
Tháng ba mùa khô nóng, ao hồ cạn nước cũng chính là thời điểm người nông dân tát ao, tát đìa thu hoạch cá. Đám trẻ quê nghèo khó, mỗi ngày sau giờ tan học thì lại í ới rủ nhau đi bắt thêm mớ cá, mớ ốc về nấu canh. Người ta bơm cho nước trong ao còn chừng lấp xấp ngang đầu gối là đã có thể bắt được cá tôm.
Đối với đám trẻ con tụi tôi, giây phút được chờ đợi nhất là lúc chủ ao cho bắt hôi - người ta thường chỉ bắt những con cá to, còn lại cá nhỏ thì cho đám con nít bắt hôi thoải mái, ai bắt được bấy nhiêu thì người nấy xách về, những loại cá con thì thả lại.
Đứng ngóng trên bờ, chỉ cần thấy chủ nhà khoát tay một cái là đám tụi tôi lội ùm xuống ngay. Tụi con gái thì lấy nón lá, nón vải đựng cá, đám con trai cũng sáng kiến không kém, lấy dây chuối xỏ cá thành xâu dài, cứ thế mà toòng teng xách về. Thế nào tối hôm đó, với chiến lợi phẩm tôi mang về, mẹ tôi cũng khéo làm một bữa thật ngon: món canh mồng tơi nấu cua đồng ngọt tê đầu lưỡi và cá kho nghệ cũng có khi là cá kho tiêu bằng nồi đất bốc khói, thơm nức mũi. Chỉ có vậy, nhưng đám tụi tôi đứa nào đứa nấy mới nghe đã hít hà và có thể ăn đến vài ba tô cơm căng bụng.
Mà nói về các món cá ngon ở vùng đồng bằng sông nước thì nhiều không sao kể xiết. Món kho có cá kèo kho rau răm, cá lóc, cá rô mề kho tộ, cá bống, cá chốt kho tiêu…
Món nướng thì cơ man nào là cá lóc nướng trui, cá trê nướng mắm gừng, cá lăng nướng muối ớt… Các món lẩu cá cũng vô biên không kém: cá thát lát nấu khổ qua, cá linh nấu bông điên điển, cá bông lau, cá basa nấu măng chua…
Đó là chưa kể hàng trăm món cá ngon được chế biến theo kiểu hấp, chiên khác. Đối với nhiều gia đình ở miền Tây, trong mâm cơm cúng ông bà mỗi dịp giỗ chạp, năm hết tết đến của người dân đồng bằng, bao giờ cũng có con cá lóc nướng trui để nhớ thời khẩn hoang mở cõi là vậy.
Đó là những ký ức của ngày xưa. Giờ miền Tây tôm cá tự nhiên không còn nhiều như trước, bởi một bộ phận người dân khai thác vô tội vạ, có nhiều nơi còn đánh bắt bằng xuyệc điện, vừa tận diệt nguồn cá tự nhiên vừa hủy hoại môi trường. Một phần khác, môi trường sống tự nhiên của cá bị đe dọa bởi nhiều loại hóa chất, thuốc trừ sâu khiến sông rạch bị ô nhiễm, do biến đổi khí hậu…
Buồn một nỗi, giờ về miền Tây, cá cũng nhiều đấy nhưng phần lớn nguồn cá nuôi là chính. Ngày trước, cá tự nhiên nhiều vô kể, những khi tát ao đìa hay đánh lưới, câu cá trên sông rạch, người ta chỉ bắt cá lớn, còn cá nhỏ đều thả lại ra sông.
Cũng trong ký ức thơ bé của mình, tôi nhớ như in, năm nào cũng vậy, hễ có dịp về miệt bưng biền Đức Huệ thăm dì Năm là mẹ tôi lại được dì gửi cả thố mắm cá lóc, vài ký khô cá lóc làm quà tặng.
Tôm cá nhiều vô kể, dì Năm làm khô, mắm hàng chục khạp to, để ăn quanh năm không hết, chủ yếu là gởi biếu làm quà tặng cho con cháu trong nhà. Mà cả khô và mắm, cá lóc con nào con nấy đều to bằng cổ tay, bắp tay người lớn và đều là nguồn cá tự nhiên từ sông rạch.
Còn giờ, tất cả chỉ là ký ức, khi nguồn cá tự nhiên thưa dần, thố mắm hay con khô giờ làm kiểu công nghiệp, không còn thơm mùi ruộng đồng…