Về Quảng Bình xem kỹ năng sinh tồn trong hoang dã: Bài 3 - Những kỹ năng huyền bí

Sâu trong rừng nguyên sinh Phong Nha - Kẻ Bàng (Bố Trạch, Quảng Bình), có một tộc người ẩn cư ở đó chỉ 400 khẩu là bản A Rem. Nhà nước lập ra một xã riêng gọi là xã Tân Trạch, để dìu dắt và quán xuyến cuộc sống cho họ. Vậy nhưng, tộc người A Rem vẫn đang giấu mình trong thế giới rừng mưa và phủ mình trong những kỹ năng huyền bí của riêng họ.

Bí ẩn thổi thắt

Người A Rem hoặc người Rục và cộng đồng Mã Liềng có tục thổi thắt. Khi chưa có y tế đến nơi, việc sinh đẻ tùy thuộc vào niệm chú của thổi thắt, nó nôm na như cách của người hiện đại dùng khoa học cho sinh đẻ có kế hoạch.

Nhung cach 11.JPG
Bản A Rem

Nhà nghiên cứu dân tộc học địa phương Đinh Thanh Dự cho biết, thổi thắt được áp dụng ở cả ba tộc người trên nhưng với người A rem thâm hậu hơn cả.

Người thổi thắt dùng bát nước đọc chú, hoặc ống cây lồ ô rừng, cà lên hòn đá, lấy bột của nó, bỏ vào bát nước, cho người phụ nữ uống và họ sẽ không có thai. Nếu muốn có thai, phải tiến hành thổi mở, cũng với cách làm như thổi thắt, nhưng câu chú và các vật liệu lấy từ rừng lại khác.

Nhung cach 10.JPG
Người A rem còn đầy ắp những kỳ bí của riêng họ

Vùng A Rem hiện có bà Y Thăm ngoài 87 tuổi, là thầy thổi thắt nổi tiếng cả vùng. Chúng tôi được dẫn đến nhà bà ở cuối bản, gia cảnh bà khép kín, bởi bà làm nghề bí mật của Giàng, rất ít người biết được.

Vì là chuyện bí mật, và cũng là người giữ bí mật nên bà ngại ngùng tiếp đón chúng tôi. May nhờ có cán bộ xã, bà tôn trọng, mới trình diễn tục thổi thắt. Bà lấy ra hai ống lồ ô cũ kỹ, mòn vẹt mà theo bà, nó đã hơn trăm năm, từ ngày bà còn nhỏ, ở trong hang đá, bố bà đã sử dụng cặp lồ ô thần này.

Với bà, thổi thắt là cách đặt ống lồ ô cao 1m và ống lồ ô cao 0,5m lên một hòn đá mài cạnh cột nhà ma. Những vật phẩm khác từ vỏ cây rừng là bí mật gia tộc của bà, không cho người ngoài biết. Bài chú cũng theo phong cách A Rem, không dịch cho chúng tôi nghe, đó là gia tài riêng không truyền đạt cho người khác vì tính thiêng liêng.

Nhung cach 12.JPG
Y Thăm thổi thắt

Được thuyết phục, bà khiên cưỡng đồng ý, khấn bằng tiếng A Rem lầm rầm. Bài chú đọc lên, bát nước đưa vào, những vật liệu được cho là cây thuốc rừng khô khốc cắt pha vào bát nước cùng bột từ ống lồ ô mài ra.

Tiếng khấn của bà cùng tiếng lồ ô rên xiết trên hòn đá nghe như liêu trai, bất giác toàn thân tôi sởn gai ốc, như có dòng điện chạy qua người trong khung cảnh thần bí này.

Bà khấn chừng mười phút. Theo những gì bà kể qua người dịch lại, thì uống xong bát nước này, người phụ nữ quan hệ với chồng không cần bất cứ phương pháp "bảo vệ" hiện đại nào đều sẽ không có con. Và để muốn có con, họ lại phải gặp bà để thực hiện nghi thức thổi mở.

Ngày nay, Y Thăm đã ít tiếp những cặp vợ chồng theo bản sắc thần bí, bởi y tế thôn bản đã đưa những phương cách hiện đại miễn phí về tận nhà sàn người A Rem, chỉ một số ít những cặp vợ chồng còn muốn theo cách truyền thống nhưng chỉ tính trên đầu ngón tay như Đinh C, Đinh Đ, Đinh L...

Kỳ bí hấp hơi

Khi các phương pháp chữa bệnh hiện đại với thuốc tây chưa vào với tộc người A Rem thì họ có những kỹ năng chữa bệnh kỳ lạ. Người gãy chân chỉ cần được thổi sẽ lành xương, người đau ốm liên miên được cho uống rễ thuốc từ cây rừng sẽ khỏi bệnh. Họ còn có những phương pháp cai rượu, cai thuốc kỳ lạ mà cho đến nay khoa học khó lý giải.

Nhung cach 13.JPG
Những người anh em xa các đô thị nhưng có những kỹ năng sinh tồn đáng học hỏi

Và tục hấp hơi huyền bí với A Rem như là một gia tài sở hữu chung giữa họ với đồng bào Rục. Nhà nghiên cứu Đinh Thanh Dự cho biết, hấp hơi là bí truyền cổ xưa của những tộc người này, nó linh nghiêm đến chính xác và ông đã chứng kiến. Những năm 90 của thế kỷ trước, khi dẫn đường cho nhà nghiên cứu Võ Xuân Trang vào với người Rục, họ thường làm lễ hấp hơi để khách không bị bất trắc trên đường đi rừng, tránh được thú lớn.

Theo ông Dự, tiến sĩ Võ Xuân Trang cùng ông được đọc chú, thổi thuật hấp hơi với cành lá rừng khua xung quanh hai người, họ yêu cầu cả hai không nên đi sau lưng của người làm thuật hấp hơi mà phải đi trước mặt người Rục này.

Ông Dự cho biết, tiến sĩ Trang đã tụt lại sau lưng người dùng thuật hấp hơi như để kiểm chứng, bất ngờ ông Trang ngã lăn, máu miệng ộc ra nhiều. Lúc đó, người Rục dùng thuật hấp hơi đọc chú, lấy những rễ cây mang theo đưa vào miệng, ông Trang đã ngồi dậy và đi lại bình thường sau 30 phút và cố không để đi sau lưng người sử dụng thuật bí hiểm này.

Với người A Rem, thuật hấp hơi được giữ gìn như người Rục và phát triển điêu luyện đến trình độ hấp hơi tránh thú dữ. Họ dùng một thứ vỏ cây rừng, niệm chú theo quan niệm của họ, vẽ một vòng tròn, nướng vỏ cây lên, đập ra rải xung quanh vòng tròn đó, hổ hoặc báo, gấu không thể vượt qua ranh giới ấy.

Đinh Đu, Chủ tịch Hội nông dân xã, từng được hấp hơi bảo vệ từ còn nhỏ đã xác nhận có những câu chuyện tưởng như giả tưởng như thế.

Trước khi đi rừng, người A Rem cũng làm thuật hấp hơi để có thức ăn, họ lấy nọc độc từ một loài ếch cây, dùng kim của loài cây như chanh rừng châm nọc độc từ da ếch và nhỏ vào mắt. Họ lên cơn buồn nôn vì nọc độc xâm nhập, nhưng cơ thể trở lại bình thường sau 15 phút ngấm thuốc, với đôi mắt trở nên tinh anh lạ kỳ và những cuộc săn như thế đều đưa lại kết quả ngoài sức mong đợi.

Những người anh em của chúng ta ở cách xa ánh điện văn minh, xa tít tắp những thành phố hoa lệ, nơi họ sống với bao khắc nghiệt của tự nhiên nhưng vốn sống và kỹ năng gần như là vô tận, ấy là tài sản quý mà chúng ta cần tìm hiểu để kế thừa khi đối mặt với tự nhiên núi rừng.

Cuộc sống của họ dường như phản ánh tấm gương của tổ tiên chúng ta ngày xưa đã bền bĩ vận dụng các mắt xích của tự nhiên để duy trì nòi giống và sinh tồn.

Nhung cach 14.JPG
Cột nhà ma với người Rục, Mày, Khùa, A Rem là nơi thiêng liêng như bàn thờ tổ tiên của người Kinh

Những bài viết chúng tôi kể ra chỉ là lát cắt phần nhỏ trong kho tàng kỹ năng sinh tồn đa dạng và phong phú của họ, để chúng ta có phần nào biết hơn về những tộc người anh em sống ở phía rừng sâu.

Và thật ra, hiểu nhiều thêm các kỹ năng, những phong cách, các tục lệ của những tộc người ban sơ ở núi rừng sẽ cho ta "túi khôn" hiểu đúng hơn về họ, để có những dự án giúp ích và bảo tồn được cuộc sống tự nhiên đầy bản sắc đa dạng của họ.

Ngày xưa, những tộc người phía Trường Sơn coi cột nhà ma là thiêng liêng, nhưng một thời cán bộ miền xuôi lên và phế bỏ, những căn nhà dựng ra cho họ ở không có cột nhà ma truyền thống đã bị từ chối. Rút kinh nghiệm từ việc đó, những căn nhà dựng lên gần đây tuy chưa được ưng bụng lắm, nhưng đã đưa cột nhà ma thiêng liêng vào cho họ và đã được chấp nhận. Với họ, cột nhà ma là nơi thờ tổ tiên như người Kinh lập bàn thờ hương khói vậy!

Chỉ có cách hiểu về các kỹ năng sinh tồn của các tộc người còn sơ khai sẽ cho ra những giúp đỡ chí lý và được chấp thuận để cùng nhau khôn ngoan hơn với tự nhiên, đó là thông điệp của bao kỹ năng sinh tồn cần được khám phá, tìm hiểu.

Tin cùng chuyên mục