Về Quảng Bình xem kỹ năng sinh tồn trong hoang dã: Bài 2 - Lãnh nhiệm của chiến binh Mày

Xa trên dãy núi Giăng Màn (Dân Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình) có tộc người Mày sống chân tình, hào hiệp. Họ tin rằng, cuộc đời người Mày là chiến binh từ xa xưa có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước đầu tiên của sông Gianh và chở che những tộc người anh em khác như người Khùa, người Mã Liềng, người Kinh theo đường phân thủy dưới núi.

Về Quảng Bình xem kỹ năng sinh tồn trong hoang dã: Bài 2 - Lãnh nhiệm của chiến binh Mày

Chiến binh đầu nguồn nước

Hồ Khiên ở vùng bản Dộ trong hệ Giăng Màn nói với chúng tôi: “Tổ tiên người Mày sinh ra chọn vùng đất ở rất cao, cao như sát trời, quanh năm mây phủ. Nơi đầu nguồn của mọi nguồn nước. Xưa lắm rồi, những người xấu xâm lấn lãnh giới, điều trước tiên họ làm là đầu độc nguồn nước làm anh em Khùa, Mày, Mã Liềng bị trúng độc và chết nhiều. Người Mày ở cao nhất, được phân công bảo vệ nguồn cội dòng nước cho các anh em dưới xuôi. Muốn bảo vệ được thì phải đánh nhau. Và cuộc đánh nhau long trời lở đất trong lời kể qua bếp lửa của cha ông chúng tôi thì người Mày đã thắng vì được thần núi Ku Lôông trợ giúp vũ khí là tên, ná. Từ đó đến nay, chúng tôi vẫn ở trên nguồn nước và bảo vệ nguồn nước cho những người anh em khác an toàn”.

Nhung cach 6.JPG
Chiến binh người Mày

Muốn vào với người Mày, phải ngược ngàn quốc lộ 12A, đến đường nhỏ phía phải của vùng đồn biên phòng Ra Mai quản lý thì đi giữa lau lách hết 30 cây số đường tuần biên, bản Dộ sẽ hiện ra. Đấy là một quả đồi hùng vĩ giữa lòng chảo Giăng Màn, hai bên có suối Hoong Trì Pầu và Hoong Pà Ài, đó là ngọn nguồn đầu tiên của nước sông Gianh tuôn ra Biển Đông. Theo Hồ Khiên, hằng năm họ vẫn đi mở nguồn nước bằng các lễ cúng tinh thần. Ở đó, họ cầu mong không ai mông muội làm cho nguồn nước vẫn đục. Ở đó, họ thề với nhau mãi trông coi nguồn nước luôn sạch để những tộc người anh em khác được thừa hưởng.

Hồ Khiên còn kể, ngày xưa dân bản có ai bụng xấu, bỏ thuốc độc cho cá chết, bản tìm ra sẽ bắn tên độc đến chết. Đấy là cách giải quyết của những chiến binh Mày đầy tính hoang dã nhưng cũng phong phú đến khôn ngoan của kỹ năng sinh tồn, xem nước là tặng vật quan trọng của cuộc sống. Bởi trong triết lý của người Mày, nước cùng với lửa tạo ra ngọn nguồn cuộc sống.

Chia thịt mùa săn

Những chiến binh Mày thiện nghệ trong đi săn bởi họ sáng tạo ra cung tên, ná bắn chính xác nhất trong những tộc người ở hệ núi Giăng Màn. Và người Mày rất được anh em Khùa, Mã Liềng tôn kính. Hồ Khiên được công nhận bởi cộng đồng các già làng trưởng bản là chiến binh quan trọng trong vùng. Mỗi chuyến đi săn của Hồ Khiên thường đưa theo một nhóm chừng 10 người. Mùa săn của họ kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8. Thời gian còn lại cho thú rừng sinh sôi mùa xuân, mùa đông. Hồ Khiên cho biết, họ có những dấu hiệu riêng của tốp thợ săn mà họ không bao giờ kể cho người ngoài. Những cuộc đi săn thường làm mũi tên tẩm thuốc từ một loại cây như họ sung trong núi Giăng Màn.

Nhung cach 7.JPG
Nhà của người Mày thường ở cạnh suối nước để bảo vệ nước

Để có tư cách làm mũi tên này, trai người Mày phải làm lễ trưởng thành bằng cách đi lấy mật ong mà không trang bị bảo hộ. Chàng trai người Mày phải theo từng đàn ong hút mật bằng các giác quan, phát hiện ong mật trong thân cây cổ thụ, phải leo lên bằng dây thừng cột vào chân, dây mây cầm ở tay, thắt vào thân cây, cứ thế trèo lên ngọn. Họ chỉ đưa theo một chiếc rìu để khoét tổ ong từ bộng rỗng trong ngọn cây. Ong bay tứa ra rất nhiều, đốt rất nhiều, nhưng kỳ lạ là da của người Mày như miễn dịch với các nốt đốt. Dường như trước khi tìm tổ ong, họ đã tiến hành nghi lễ chà xát lá một loại cây rừng lên toàn thân để miễn dịch với các nọc châm của ong rừng. Lễ trưởng thành thành công, chàng trai Mày được phép lấy độc từ cây họ sung tẩm mũi tên và gia nhập đội săn.

Lễ trưởng thành của chàng trai Mày là công cụ giỏ tre đi lấy mật ong

Lễ trưởng thành của chàng trai Mày là công cụ giỏ tre đi lấy mật ong

Săn được con gì, cả toán chia đều cho các nhà dân trong bản. Hồ Khiên nói: “Người Mày, hay Khùa, hay Mã Liềng xem của riêng là tối kỵ, cái gì săn được phải chia chung, không chia chung đều cả bản thì không thể tồn tại trong bản làng. Nhưng nay đóng cửa rừng, bà con chỉ săn chuột lồ ô để thưởng thức”.

Kỹ năng âm thanh của gia tài tinh thần

Người Mày ở vùng xa hơn cả Khùa, Mã Liềng, sâu hơn cả người Rục nhưng có trình độ canh tác tiến bộ hơn. Họ biết làm lúa rẫy theo mùa và vào ngày thu hoạch, họ làm lán trên rẫy để đựng khén tất cả thu được. Họ sống phát triển về vật chất lao động so với những anh em láng giềng khác, nên về tinh thần, họ có một gia tài hát ru, yêu đương, hoặc hát tả thực về lao động sản xuất.

Nhưng xa ánh đèn điện của nền văn minh, nghĩa là xa bao cấu trúc giải trí âm thanh, họ lấy gì để tạo ra những bản nhạc vui nhộn cho cuộc sống bớt đơn điệu? Các nhà dân tộc học khi vào với người Mày, sưu tầm sinh hoạt văn hóa của họ, đã hết sức ngạc nhiên với tiếng chày giã gạo thình thịch có một không hai của tộc người này.

Nhung cach 8.JPG
Chiếc cối thình thình như bản hòa tấu không nhà hát nào có thể hòa âm hay như ở núi rừng của họ

Nếu cối giã của người Vân Kiều dọc đường Trường Sơn nằm sát mặt đất có tiếng bùm bụp cô đơn thì cối giã của người Mày được các nhà dân tộc học xem là sự sáng tạo cao hơn nguyên thủy, xé toang sự u muội của núi rừng. Họ tạo được kỹ năng âm thanh trong lao động nặng nhọc, hòa đều để xua tan đi khó khăn và cũng là bớt đi sự cô đơn giữa núi rừng hoang vắng.

Và chiếc cối giã ấy được khoét từ cây săng lẽ có đường kính hơn nửa mét. Phần trên họ khoét để đổ ngô, lúa, hoặc mì vào giã, phần đáy cũng khoét lỗ như phần chính nhưng nông hơn. Sàn nhà nơi đặt cối giã được khoét một lỗ to như nắm đấm, nơi đó người đàn ông Mày lên núi đẵn cây chi cúp có tính đàn hồi, lấy cần đập mạnh nghe như tiếng trầm bổng kỳ lạ. Phần cây chi cúp đó chống đỡ phần đáy cối, từ sàn nhà xuống đất chừng hai mét là thân chi cúp đỡ chiếc cối phía trên. Ở phần chạm mặt đất của cây chi cúp, người Mày lấy miếng ván nhỏ chèn vào và bắt đầu giã lương thực mỗi ngày. Người phụ nữ Mày đảm trách việc giã gạo mỗi buổi sáng khi con nai chưa tác, cánh chim chưa vỗ, mặt trời chưa lên.

Tầm 4 giờ sáng ở bản Dộ là lúc mọi phụ nữ trong vùng đều thức dậy bên bếp lửa và đổ gạo vào giã. Tất cả các cối gạo đều có tiếng thình thình, thình thình. Phút đầu nghe qua, tiếng như liêu trai của động rừng, động bản, nhưng Hồ Khiên trấn an và giải thích, đó là tiếng giã gạo. Mỗi tiếng thình thình vang lên đều nhịp từ nhà này lan sang nhà khác, rồi từ xa dội về như một thanh âm viễn cổ còn sót lại. Từ điệu thình thình đó, người phụ nữ Mày bắt đầu cất tiếng hát. Nhà này hát rồi nhà kia hát. Họ hát bằng giọng điệu của họ, thành thử ra, cả bản nhịp nhàng như bản hòa tấu độc đáo không thể trình diễn ở bất cứ nhà hát hiện đại nào, nó chỉ tồn tại từ một nơi xa ngái phía sườn núi Giăng Màn mà thôi.

Tin cùng chuyên mục