Về Quảng Bình xem kỹ năng sinh tồn trong hoang dã: Bài 1 - Những người Rục nhớ hang

Người Rục ở Ón, Yên Hợp, Mò o ồ ồ (xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) nay đã được cấp nhà mới thay vì ở hang đá. Họ có thêm phương thức sản xuất mới là làm lúa nước, do bộ đội biên phòng dạy. Nhưng, bản năng gốc của họ vẫn còn bảo lưu, ấy là nhớ hang đá nơi tổ tiên từng mặc khố để săn bắn hái lượm, trí khôn của họ nằm hết ở bếp lửa và các động tác thuần thục leo qua núi đá, ăn uống những thứ tưởng như bỏ đi thì họ tận dụng tất cả để sinh tồn trong khắc nghiệt.

Nhớ hang da diết

Trong nỗi nhớ thâm căn cố đế của tộc người Rục về tán rừng nhiệt đới với những tổ ong mọng mật, những mũi tên thuốc độc từ cây rừng, các món ăn từ núi đá, những đêm lửa dưới cội cây sung lớn... thì hang đá với họ là nỗi nhớ da diết. Bởi đó là nguồn gốc tổ tiên, cũng như nơi họ sinh ra, lớn lên và trưởng thành.

IMG_20190915_113534~2.jpg
Núi rừng quê hương người Rục đẹp lộng lẫy

Trong số những người còn trở lại với hang đá cho thỏa nỗi thèm nhớ đó có vợ chồng ông bà Cao Chơn, ở bản Ón. Trước đây, khi đến thăm đôi vợ chồng này, chúng tôi từng ghi nhận cuộc sống của họ ở hang đá. Sau này già cả, cũng trong hang đá, họ đã qua đời ở tuổi 95.

Hai vợ chồng già Cao Chơn của tộc người Rục vốn được cấp nhà xây, hỗ trợ gạo hàng tháng. Nhưng hang Tò Pộc, hang Ró, hang Ka Chắp và hàng chục mái đá khác đều được hai vợ chồng này làm chốn nghỉ ngơi khi trở lại vào hang lúc nhớ nhung.

Nhung cach 5.JPG
Ông bà Cao Chơn sinh tồn trong hang đá 95 năm, chắc như cây lim cây táu đến lúc qua đời. Họ đi rừng chỉ con dao, chiếc gậy và không đi dép

Trưởng bản Ón, ông Trần Xuân Tư nhớ lại: “Vợ chồng ông bà Cao Chơn vô hang thường xuyên, mỗi lần mấy chục ngày, có lúc đi một đợt mấy tháng, nhiều khi gạo cấp phát về phải giữ ở nhà trưởng bản, chờ ông bà về mới đưa qua. Rồi vài ngày thì họ lại quay vô hang”.

Chúng tôi từng vào rừng, nhiều lần mong được diện kiến đôi vợ chồng "người hàng" ấy. Cao Liệu, người dẫn đường, nói: “Có khi may thì gặp được, chứ họ ở nhiều hang, từ hang này qua hang kia cả ngày đường, khó tìm lắm”. Nhưng may mắn đã đến với chúng tôi. Lần đó, ở vùng Hung Vượn, dưới mái đá lạnh ngắt, cái bếp trơ khấc, không có lửa, Cao Liệu nói: “Đêm nay ông bà sẽ về đây ngủ”.

Cao Liệu đoán chắc bởi bao nhiêu lần đi tìm vợ chồng Cao Chơn, cứ bếp lửa nào có than nóng, hoặc khói còn ủ mà không gặp họ thì bếp lửa tiếp theo nguội lạnh chắc chắn tối đó họ sẽ tìm tới nhen lửa để ngủ, tìm cái ăn.

Và quả đúng, khi bóng nắng bị lá rừng che khuất, trên ngọn núi đá vôi, xuất hiện hai hình bóng người già của Rục. Họ tuy tuổi cao nhưng vẫn tráng kiện, chân bước trên đá vôi mà vững chãi, thoăn thoắt.

Nhung cach 4.JPG
Hang đá thường cuốn hút bản năng gốc của người Rục

Cao Liệu nói: “Ông bà là những người cực kỳ nhớ hang, nên khi nào thích là hai vợ chồng rủ nhau vô. Họ được xây nhà từ mấy chục năm rồi, nhưng hơi của hang đá họ ưng hơn, về nhà xây họ lúng túng lắm”.

Những món ăn từ hang

Năm đó, gặp người lạ, ông bà giật thột, có vẻ hoảng sợ, Cao Liệu phải trấn an bằng một tràng tiếng Rục, họ mới yên vị và nhóm lửa, mời mọi người vào sưởi ấm.

Nhìn đôi chân của họ không mang bất cứ loại dép nào mới thấy thật... kính nể! Khu vực họ ở là vùng đá vôi bị bào mòn khủng khiếp, những măng đá nhọn hoắt nhưng gan bàn chân của họ đã chai sần rất dày. Họ chọn cách đặt chân lên những bước đi hết sức khéo léo, tạo ra lối mòn mà không bị rách chân.

Nhung cach 2.jpg
Vào rừng sinh tồn, người Rục dùng ốc rừng để có năng lượng, đây là món ốc đặc sản chữa xương khớp

Qua lời dịch của Cao Liệu, ông bà chỉ có hai con dao nhỏ đeo ở lưng hông, mỗi mái đá, hoặc hang đá trong lộ trình của họ đều có cái nồi nhỏ từ bi-đông bỏ đi hoặc ăng-gô lượm từ rừng - những vật dụng của bộ đội ngày xưa hành quân bỏ quên hoặc rơi rớt.

Trước khi bà nhóm lửa, ông Cao Chơn đi quanh hang đá quá chừng 200m, lần tìm những con ốc đá nướng ăn. Mỗi bữa như thế họ chọn 20 con. Bà nướng ốc, ông đi làm bẫy từ một khe nứt cạnh hang đá - bẫy đập từ dây leo rừng, cành cây, tạo lỗ đường đi cho chuột núi, phía sau bẫy được bỏ vài con ốc nướng làm mồi; sáng hôm sau, khi thức dậy ông bà "người hang" Cao Chơn đã có một bữa sáng rất tự nhiên là con chuột núi khá to.

Nhung cach 3.JPG
Bẫy chuột lô ô đặc sản của người Rục

Được nhận gạo nhưng họ không đưa gạo vào hang. Nhiều khi, họ phân phát cho con cháu, hoặc gửi lại ở nhà trưởng bản. Chỉ lúc về nhà, ông bà mới nấu ăn, nhưng món chính vẫn là bẫy chuột lồ ô đặc sản hoặc ốc rừng. Bữa sáng xong, ông bà lại rời đi để đến hang đá mới, khi ánh nắng cuối ngày lại tắt.

Cao Liệu giải thích, nơi đến tiếp theo của ông bà là thức uống của rừng, rất tự nhiên, đó là rượu đoác, thứ rượu không bao giờ nấu, làm từ cây đoác trên núi đá, họ dừa, ngọn của nó được vít xuống một hố đá vôi. Ông bà sẽ chặt ngọn cho nước màu trắng đục chảy vào hố đá được chọn, chừng khoảng vài lít nước, một loại vỏ cây có xúc tác như men bỏ vào. Chừng hai giờ đồng hồ, nước cây đoác dậy mùi thơm của rượu rừng, họ lấy lá cây vấn lại làm cốc và múc uống, uống cho kỳ say rồi lăn chiêng ra ngủ trong sự bảo bọc và chở che của tán rừng.

Không chỉ ông bà Cao Chơn nhớ hang, mà tìm hiểu của chúng tôi, có ít nhất bảy hộ gia đình ở Ón và Yên Hợp hoặc Mo ó ồ ồ mỗi lần vào làm rẫy sắn đều tận dụng ở hang từ mười ngày đến hai mươi ngày, để thưởng thức sản vật rừng qua cách săn bắn hái lượm rất riêng của họ. Đó là cách họ bảo tồn những kỹ năng nguyên thủy mà cha ông tục truyền cho cuộc sinh tồn dưới vùng đá vôi nhiệt đới.

Nhung cach 1.jpg
Ông bà Cao Chơn trong một hang đá

Và điều lạ, trong mỗi cái hang được chọn, họ không bao giờ ngủ nằm mà thực hiện "nghi thức" ngủ ngồi suốt đêm. Cao Liệu nói, đó là cách để tránh dã thú, mà đó cũng là cốt cách truyền đời của họ.

Họ ngồi quây bên bếp lửa, mỗi người ngủ ngồi mỗi góc. Đấy là một trong những phương cách độc đáo của kỹ năng sinh tồn gần như vô tận của tộc người Rục, mà nhiều khi kẻ miền xuôi cho đó là lạc hậu. Nhưng sống giữa rừng, chỉ cần cây giao, ít bùi nhùi họ đã lấy ra lửa, tạo được thức ăn; riêng món uống thì phải nhìn nhận họ rất thông minh và uyển chuyển trước tự nhiên khắc nghiệt.

Tin cùng chuyên mục