Núi Hòn Đen được xem là biểu tượng ngàn đời và đã nuôi sống biết bao thế hệ người dân tộc Ê Đê sinh sống tại xã Ea Bar, huyện Sông Hinh. Giờ đây, ngọn núi linh thiêng, hùng vĩ ấy lại rót những giọt nước mát để giúp 60 hộ người dân tộc Dao đang sinh sống tại thôn Chư Blôi giải quyết được cơn hạn. Nhưng để có được “dòng nước mẹ” núi Hòn Đen là thử thách với hơn 300 con người từ Lạng Sơn, Thái Nguyên vào xã Ea Bar lập nghiệp.
Chinh phục “dòng nước mẹ” núi Hòn Đen
Khi những giọt sương vẫn còn đọng trên những cánh đồng lúa dưới chân núi Hòn Đen và con gà vừa cất tiếng gáy, gần 100 người dân tộc Dao đang sinh sống tại đây thức dậy sớm, sắp xếp công việc đồng án để tham gia vận chuyển vật liệu xây dựng lên ngọn suối mà nhiều người dân gọi là suối Bàn Cờ, có độ cao cách chân núi khoảng hơn 100m. Đàn ông có sức khỏe mang dao đi trước dọn đường, đàn bà, con gái và người có tuổi thì trên vai vác ống dẫn nước, lưng đeo gạch, xi măng.
Quãng đường hơn 1,5km đến với con suối Bàn cờ nằm sâu trong núi Hòn Đen đủ thử thách cho những người leo núi bình thường, với những con dốc cao dựng đứng xen lẫn vách đá cheo leo và cánh rừng rậm rịt. Nhưng với những người Dao trước mắt chúng tôi, họ không có định nghĩa về sự khó khăn. Dòng người cứ thế nối đuôi nhau. Mệt ở đâu họ nghỉ đó, đói đâu họ ăn đó. Những gương mặt ướt đẫm mồ hôi, nhưng không một ai than phiền. Ngược lại, chúng tôi thấy những câu chuyện đầy hy vọng. Bà Triệu Thị Nga trên đầu đã 2 màu tóc, nhưng không ai thấy sự mệt mỏi của người đàn bà 52 tuổi, khi bà tham gia khuân vác vật liệu lên con suối. “Khi nghĩ đến việc mình sắp có nước sinh hoạt, tôi không còn thấy mệt nữa. Nếu có mệt thì cũng chẳng sao, vì dù sao nó vẫn còn ít vất vả hơn cảnh chúng tôi phải tìm nước sinh hoạt mỗi khi mùa khô đến”, bà Nga tâm sự.
Mất 12 ngày để những người nông dân làng Dao hoàn thành công việc vận chuyển gần 2 tấn xi măng, hơn 3.000 viên gạch và 200 đường ống dẫn nước cũng đến được điểm tập kết tại suối Bàn Cờ và hoàn thành công việc xây dựng đập chắn, bể lọc nước và lắp đặt đường ống dẫn nước xuống chân núi Hòn Đen.
Dưới chân núi nhìn lên, hình ảnh đoàn người nối đuôi nhau nhích từng bước chân, khiến chúng tôi liên tưởng đến hình ảnh đàn kiến cần mẫn tha mồi về tổ. Đó là biểu tượng sinh động về sự đoàn kết, sức mạnh tập thể của người dân tộc Dao đang sinh sống tại thôn Chư Blôi, xã Ea Bar.
Sức dân là sức nước
Trong hành trình chinh phục núi Hòn Đen cùng với người dân tộc Dao, câu hỏi luôn làm chúng tôi thắc mắc, điều gì làm cho những con người tay lấm, chân bùn ấy có những quyết định táo bạo như vậy? Để trả lời câu hỏi ấy, chúng tôi quay lại làng Dao gặp ông Bàn Nguyên An - người đứng ra huy động nguồn lực để thực hiện công trình dẫn nước. “Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần lên UBND xã Ea Bar về tình trạng khô hạn không có nước sinh hoạt mỗi khi mùa khô đến. Các cơ quan chức năng của UBND huyện Sông Hinh và tỉnh Phú Yên cũng nhiều lần về khảo sát nguồn nước tại núi Hòn Đen, nhưng đợi mãi không thấy hồi âm về kinh phí, trong khi chúng tôi không thể sống trong cơn khát”, ông An nói.
Sau nhiều đêm trăn trở, người đàn ông 70 tuổi cùng với các ông Bàn Nguyên Thanh, Triệu Tấn Kim, Bàn Nguyên Toàn quyết định kêu gọi người dân góp tiền để làm công trình dẫn nước, mà không đợi các nguồn lực đến từ các cơ quan chức năng. Ý định này, không hẳn nhận được sự đồng thuận 100% của người dân ở làng Dao. Một số cho rằng, thôi thì cứ chờ đời sự quan tâm của các cấp chính quyền, số khác lại muốn chung tay, nhưng lại không có tiền để đóng góp. Sau nhiều đêm bàn bạc, suy tính, ông Bàn Nguyên An cùng với những người cùng chí hướng quyết định thực hiện công trình.
Khi được hỏi huy động nguồn lực và lập kế hoạch thế nào để xây dựng một công trình có số tiền lớn như vậy, ông An nói: “Tùy nhu cầu của người dân. Hộ nào chỉ dùng nước sinh hoạt đóng 10 triệu đồng, dùng nước để tưới tiêu, sản xuất đóng thêm 10 triệu nữa. Với những hộ không có tiền đóng, chúng tôi tính ngày công (150.000-200.000 đồng/ngày) mà họ tham gia xây dựng đường ống dẫn nước, sau đó ghi vào sổ trừ dần đến khi hết số tiền 10 triệu hoặc 20 triệu đồng như đã đề ra ban đầu”. Trong quá trình trò chuyện cùng ông An, thi thoảng có những hộ tới gặp ông để góp dầu diesel dùng để chạy máy múc đào đường ống. Dân góp gì ông An nhận cái nấy và quy ra tiền, ghi vào cuốn sổ nhỏ.
“Khi hoàn thành đường dẫn nước, những hộ dân chưa đóng tiền, dân làng Dao có để họ dùng nước sinh hoạt không?” - chúng tôi hỏi. “Mình nói vậy thôi, chứ dân làng Dao ai cũng nghèo, chúng tôi sẽ để họ dùng chung nguồn nước và tin tưởng rằng sau vụ mùa, họ sẽ đóng tiền thôi. Người làng Dao rất đoàn kết”, ông An cho biết.
Có tiền, ông An và một số người trong làng Dao quyết định ra TP Quy Nhơn mua ống dẫn nước loại tốt thuê xe chở về tận nơi. Kỹ thuật nối ống, xây đập, bể lọc nước… những người làng Dao đi hỏi thăm nhiều nơi hoặc tự mày mò trên mạng và nghiên cứu trước khi xây dựng công trình dẫn nước về làng Dao.
“Dân làng Dao mấy năm nay không có nước sinh hoạt, tưới tiêu mùa màng khi mùa khô đến. Vấn đề này chúng tôi đã báo cáo nhiều lần với các cơ quan chức năng. Nhưng người Dao họ chờ lâu quá, nên tự góp tiền để xây dựng công trình. Họ tự làm hết tất cả mọi thứ và tôi cho rằng quyết định xây dựng đường dẫn nước của những người Dao thể hiện sự đoàn kết rất cao trong cộng đồng các dân tộc anh em ở xã Ea Bar”, ông Lê Văn Vinh, Trưởng thôn Chư Blôi cho biết.
Không thể để người làng Dao đơn độc
Người làng Dao có mặt ở vùng đất Ea Bar từ đầu những năm 90 thế kỷ trước. Họ chất phát và chịu thương, chịu khó trong sản xuất. Cộng đồng người Dao được xem là nét văn hóa sinh động trong đại gia đình các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Sông Hinh. Tuy nhiên, đa số trong cộng đồng ấy đều là những hộ nghèo. Thu nhập hàng năm của chủ yếu từ cây mì, cây lúa, người nhiều nhất như ông Bàn Nguyên An mỗi năm khoảng 70 triệu đồng, còn lại từ 20-30 triệu đồng/năm. “Vậy người dân lấy tiền ở đâu để góp sức làm công trình dẫn nước?” Ông Bàn Nguyên An chậm rãi trả lời: “Họ vay ngân hàng là chính. Trước mắt là có nước sinh hoạt, còn trả nợ như thế nào thì chờ ông trời thương, cây mì, cây cao su được mùa, được giá…”.
Theo ông Định Ngọc Dạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, ông đã có mặt ở làng Dao và đã chỉ đạo Phòng NN-PTNT cử cán bộ chuyên môn phối hợp với UBND xã Ea Bar khảo sát tư vấn kỹ thuật cho người dân làng Dao. Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết vẫn đang chờ tờ trình của UBND xã Ea Bar về vấn đề hỗ trợ kinh phí cho người dân làng Dao xây dựng công trình dẫn nước. “Phải có tờ trình từ UBND xã Ea Bar, chúng tôi mới có cơ sở làm việc với các cơ quan chức năng tìm nguồn kinh phí giúp cho người dân làng Dao”, ông Nguyễn Khắc Sự khẳng định.
Đến sáng ngày 29-8, theo ghi nhận của chúng tôi, công trình dẫn nước ở làng Dao đã hoàn thành khoảng 80%. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Vinh, Trưởng thôn Chư Blôi, người làng Dao đang gặp khó khăn khi phát sinh 600m đường ống dẫn nước về đến làng và các thiết bị kỹ thuật có thể điều chỉnh áp suất nước… Đây lại là bài toán khó với những người đã dốc hết sức để mua các trang thiết bị trước đó.
Khi bài viết này đến tay bạn đọc, người làng Dao vẫn đang miệt mài với công trình dẫn nước lịch sử ở núi Hòn Đen. Nước rồi cũng sẽ đến tận nhà, tận vườn của người Dao. Nhưng họ đang rất cần sự chung tay giúp đỡ về kỹ thuật và kinh phí để hoàn thiện công trình trong niềm vui thật sự.