Nhà văn Đới Xuân Việt sinh năm 1945, nhập ngũ và tham gia chiến dịch ở Quảng Trị năm 1972. Năm 1981, ông từ Bộ Tài chính chuyển về Hãng phim truyện Việt Nam, làm việc tại đây cho đến năm 2005. Ông là hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam và Hội Nhà văn TPHCM.
Ngoài công việc chính là đạo diễn phim, ông còn có niềm đam mê với văn chương, là tác giả một số đầu sách: Đi qua vầng mặt trời (2019), Anh chỉ có mình em (2020), Hoa Đỗ Quyên nở muộn (2020), Truyền thuyết Nàng Tuyệt Vời (2022) và mới đây là Về nơi nguồn cội (2024).
Sách dày 208 trang với các nội dung tiêu biểu: Mẹ tôi về làm dâu họ Đái huyện Quảng Xương; Tuổi thơ; Trang ấp của ông ngoại; Trở lại Huế; Ra Hà Nội; Về sống ở trường Chu Văn An; Bố tôi; Đam mê và liều lĩnh; Mẹ tôi một đời gồng gánh… Về nơi nguồn cội được xem là thiên ký sự về một dòng họ đã trải qua hơn một thế kỷ từ khi đất nước còn chìm đắm trong đêm dài nô lệ cho đến khi đất nước hoàn toàn được độc lập.
Cuốn sách kể về cội nguồn của dòng họ nội, họ ngoại của nhà văn Đới Xuân Việt, về các bậc tiên tổ cũng như những tấm gương sáng đáng được ca ngợi và noi theo của các vị đã để lại cho con cháu. Khai thác nét đẹp trong cội nguồn được quán xuyến trong toàn bộ tác phẩm. Thông qua dòng họ của mình, tác giả còn cho thấy dòng chảy lịch sử, văn hóa của người Việt từ xưa tới nay.
Tại chương trình giao lưu, nhà văn Đới Xuân Việt cho biết, thông qua số phận của các vị tiên tổ, gắn liền với biến động của đất nước, ông hy vọng có thể phản ánh một giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước. Từ đó, giúp các bạn trẻ hôm nay hiểu được công lao của các bậc tiền nhân trong việc khai thiên lập địa, đã xây dựng và để lại cho chúng ta giang sơn gấm vóc như ngày nay.
Là một trong những người đầu tiên tiếp xúc với Về nơi nguồn cội lúc còn ở bản thảo, nhà văn Kao Sơn chia sẻ: “Bằng ngôn ngữ trần thuật dung dị cùng ánh sáng đèn chiếu của một đạo diễn điện ảnh, Đới Xuân Việt đã đem lại cho độc giả một cái nhìn vừa sâu sắc đậm chất văn học vừa như một cận cảnh trong một thước phim quay chậm làm rõ đến từng chi tiết nhỏ nhất về dòng họ mình”.
Còn nhà thơ Trương Nam Hương thì đánh giá: “Tác phẩm, với các chi tiết, sự kiện phong phú, ngồn ngộn trải ra trước mắt người đọc, khiến cuốn sách, dù là ở thể hồi ký, nhưng đọc rất hấp dẫn, không khô khan, đơn điệu. Đã 70 năm trôi qua, nhưng nhiều sự kiện, sự việc vẫn rõ mồn một, hiển hiện trên từng trang sách. Hy vọng cuốn sách sẽ đem đến cho bạn đọc niềm tự hào về dòng họ, về ông cha với một tình yêu và lòng kính trọng dành cho các bậc tổ tiên”.