Những vị tướng đầu tiên
Di tích lịch sử đồi Pụ Đồn (người dân địa phương gọi là đồi “phong tướng”, ở xóm Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì lễ phong quân hàm Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng Chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ Việt Nam; phong quân hàm Trung tướng cho đồng chí Nguyễn Bình và quân hàm Thiếu tướng cho 9 đồng chí vào ngày 28-5-1948.
Trước đó, ngày 19-1-1948, trong phiên họp Hội đồng Chính phủ đã đưa ra quyết định lịch sử là phong quân hàm cho các tướng lĩnh. Ngày 20-1-1948 và những ngày sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 110 phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, cùng các sắc lệnh phong cấp tướng cho một số cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cao cấp ở các cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng, gồm: Trung tướng Nguyễn Bình, Tổng tư lệnh Giải phóng quân Nam bộ; Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng; Thiếu tướng Lê Thiết Hùng, Cục Tổng Thanh tra quân đội quốc gia; Thiếu tướng Nguyễn Sơn, Khu trưởng Chiến khu 4; Thiếu tướng Hoàng Sâm, Khu trưởng Chiến khu 2; Thiếu tướng Chu Văn Tấn, Khu trưởng Chiến khu 1; Thiếu tướng Trần Tử Bình, Trưởng Phòng kiểm tra và cán bộ; Thiếu tướng Văn Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Chính trị; Thiếu tướng Lê Hiến Mai, Chính ủy Chiến khu 2; Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa, Cục trưởng Cục Quân giới.
Do hoàn cảnh kháng chiến, phải hơn 4 tháng sau, các sắc lệnh trên mới được công bố. Nhật ký Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến (sinh năm 1904, mất năm 1997, làm Bộ trưởng Bộ Tài chính từ tháng 3-1946 đến tháng 6-1958), ghi rõ chi tiết lễ thụ phong những vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam vào ngày 28-5-1948 ở đồi Pụ Đồn: “Trong một căn nhà dựng bên cạnh suối lớn, dựa một bên núi, cây cối phủ kín, ở ngoài trông vào rất khó thấy mà máy bay cũng khó lòng sục sạo. Một phòng trưng bày đặc biệt. Có bàn thờ Tổ quốc, chung quanh băng đỏ ghi các khẩu hiệu: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”, “Thống nhất độc lập nhất định thành công”… Sự trưng bày rất đơn giản mà trang nghiêm. Đến giờ làm lễ, Hồ Chủ tịch và cụ Trưởng ban Thường trực Quốc hội (cụ Bùi Bằng Đoàn - PV) lên đứng hai bên bàn thờ, toàn thể nhân viên Chính phủ đứng sắp hàng trước bàn thờ. Hồ Chủ tịch tay cầm sắc lệnh gọi Võ Nguyên Giáp lên trước bàn thờ, rồi Cụ nín lặng, sụt sùi rơi nước mắt mà không nói được tiếng gì. Một phút vô cùng cảm động có lẽ trong chúng mình, tuy không ai nhìn thấy ai, nhưng mỗi người đều phải rơm rớm nước mắt. Giây lâu, Hồ Chủ tịch mới cất được tiếng mà tuyên bố: “Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng, để chú điều khiển binh sĩ làm trọn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho”. Võ Nguyên Giáp nhận sắc lệnh. Cụ Trưởng ban Thường trực nhân danh Quốc hội tuyên bố mấy lời. Ông Phan Anh thay mặt Chính phủ nói mấy câu chúc mừng. Cuối cùng, Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhân danh bộ đội tỏ lời mừng của toàn thể bộ đội và nêu cao tinh thần phấn đấu anh hùng dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau cùng, Võ Nguyên Giáp đứng lên cảm ơn Hồ Chủ tịch, Quốc hội và Chính phủ và tuyên bố sẽ tiếp tục nỗ lực làm tròn nhiệm vụ để đem lại độc lập và thống nhất cho đất nước. Tuyên bố xong, Võ Nguyên Giáp lần lượt bắt tay tất cả mọi người. Rồi Hồ Chủ tịch tuyên bố bế mạc cuộc lễ. Sau khi hết lễ, ai nấy ngồi chung quanh Hồ Chủ tịch và nghe Cụ nói sự xúc cảm của Cụ trong buổi lễ…”.
Địa chỉ đỏ đầy tự hào
Đồi Pụ Đồn được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2009. Nhằm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, du khách và phát huy giá trị lịch sử của di tích, ngày 19-2-2024, Quân khu I phối hợp với tỉnh Thái Nguyên tổ chức khởi công Dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử địa điểm đồi Pụ Đồn. Dự án có quy mô 3,2ha, gồm các hạng mục: cổng nghi môn, nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khối đá tên công trình, nhà đón tiếp, nhà bia di tích, bình phong đá, cột cờ và các hạng mục phụ trợ khác. Sau gần 10 tháng khẩn trương thi công, ngày 9-12 vừa qua, dự án đã hoàn thành, mang lại diện mạo mới cho khu di tích, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ đến tưởng niệm, tri ân Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tướng lĩnh quân đội.
Tại lễ khánh thành dự án, Thiếu tướng La Công Phương, Phó Chính ủy Quân khu I, cho biết: Khu di tích đồi Pụ Đồn đã trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, và chắc chắn đây cũng sẽ là điểm đến hấp dẫn để nhân dân tìm hiểu sâu sắc hơn lịch sử hào hùng, trưởng thành lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng cùng văn hóa, vùng đất, con người quê hương Việt Bắc giàu truyền thống cách mạng. Thiếu tướng La Công Phương bày tỏ mong muốn thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban Quản lý khu di tích tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc tiếp nhận cơ sở vật chất, lưu giữ, bảo quản, đưa vào hoạt động nhằm góp phần nâng cao giá trị tinh thần cho các tầng lớp nhân dân ở địa phương và du khách đến tham quan, tưởng niệm tại khu di tích; đồng thời gắn với việc quảng bá hình ảnh tốt đẹp của mảnh đất, con người quê hương cách mạng An toàn khu Định Hóa.
Theo Trung tá Dương Văn Phượng, Chính trị viên phó, Chủ nhiệm Chính trị Ban Chỉ huy Quân sự huyện Định Hóa, đồi Pụ Đồn là một trong những di tích lịch sử quan trọng trong quần thể các di tích thuộc vùng An toàn khu Định Hóa. Trên địa bàn hiện không còn nhân chứng nào ở thời điểm đó, nhưng mỗi người dân từ trẻ tới già đều thuộc lòng sự kiện trọng đại diễn ra tại đây, hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của di tích, từ đó thêm tự hào về quê hương mình...
Anh Dương Văn Khánh (27 tuổi, người xã Phú Đình) cho biết, người dân ở đây rất tự hào và trân trọng di tích đồi “phong tướng”. Những gia đình ở gần sát đồi Pụ Đồn hàng ngày vẫn lên đây quét dọn, vệ sinh quanh khu di tích. Trong quá trình tôn tạo di tích, một số gia đình cũng đã hiến đất cho dự án. “Chúng tôi đều muốn tỏ lòng kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, yêu quý Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng như những vị tướng đầu tiên của quân đội ta. Ai cũng muốn góp phần bảo vệ giá trị di tích, để nơi đây mãi là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau”, anh Khánh chia sẻ.
Từ những đội du kích trong khởi nghĩa Bắc Sơn, khởi nghĩa Nam Kỳ, đến Đội Cứu quốc quân, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Việt Nam giải phóng quân… cho đến Quân đội nhân dân Việt Nam, lực lượng vũ trang, quân đội chính quy của cách mạng Việt Nam, do Đảng thành lập và lãnh đạo, lớn mạnh, trưởng thành nhanh chóng; lập nên những chiến công hiển hách, vang dội thế giới trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả. Trong dòng chảy hào hùng, vinh quang đó, ngày 28-5-1948 ở đồi Pụ Đồn có vị trí trang trọng, đầy tự hào. Ngày những vị tướng đầu tiên của đội quân anh hùng được xướng tên; những vị tướng của đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; một đội quân cùng những vị tướng luôn “quyết chiến, quyết thắng, biết đánh và biết thắng”.
Xuất phát từ vai trò của công tác tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn dân tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đồng thời thể theo nguyện vọng của quân và dân cả nước, ngày 17-10-1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI đã ra Chỉ thị số 381-CT/TW quyết định lấy ngày 22-12, Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam là Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Ngày 22-12-1989, lần đầu tiên Ngày hội Quốc phòng toàn dân được tổ chức tại tất cả các địa phương trong cả nước. Từ đó đến nay, ngày 22-12 trở thành ngày hội lớn của cả nước với các hoạt động hướng vào chủ đề quốc phòng và quân đội.