Về nơi khởi nguồn của đội quân anh hùng - Bài 2: Khuổi Nọi và Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn

Di tích Khuổi Nọi thuộc thôn Vũ Lâm, xã Vũ Lễ, cách trung tâm huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn) khoảng 33km về phía Bắc. Nơi đây, ngày 23-2-1941, Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn được thành lập. Đây là đơn vị vũ trang đầu tiên do Đảng thành lập, trực tiếp tổ chức, lãnh đạo; chuẩn bị cho việc phát triển cách mạng Việt Nam sang giai đoạn mới: khởi nghĩa vũ trang, giành chính quyền.

Từ cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên

Ngày 27-9-1940, khởi nghĩa Bắc Sơn diễn ra. Dưới sự lãnh đạo của cơ sở Đảng ở Bắc Sơn, nhân dân ta đã nổi dậy chặn đánh quân Pháp tháo chạy về Thái Nguyên qua Bắc Sơn, đánh chiếm đồn Mỏ Nhài trên địa bàn. Giữa tháng 10-1940, đồng chí Trần Đăng Ninh, sau khi được Xứ ủy Bắc Kỳ cử lên Bắc Sơn chỉ đạo cuộc khởi nghĩa, đã ra chỉ thị thành lập đội du kích Bắc Sơn với 5 trung đội vũ trang.

Cuộc khởi nghĩa bị đàn áp sau một thời gian ngắn, lực lượng khởi nghĩa phải rút vào hoạt động bí mật. Tuy nhiên, khởi nghĩa Bắc Sơn đã đi vào lịch sử dân tộc, bởi đây là cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên do Đảng lãnh đạo. Sau khởi nghĩa Bắc Sơn, ngày 23-11-1940, khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra, là cuộc khởi nghĩa vũ trang thứ hai do Đảng lãnh đạo và hình thành lực lượng du kích Nam bộ.

T3a.jpg
Quang cảnh Khu di tích Khuổi Nọi ở xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn

Theo Đại tá, PGS-TS Trần Ngọc Long (nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam), tiếng súng và hoạt động vũ trang trong khởi nghĩa Bắc Sơn, tiếp đó là khởi nghĩa Nam Kỳ, đã để lại nhiều kinh nghiệm quý báu lúc bấy giờ về khởi nghĩa vũ trang. Đồng thời đánh dấu một giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đó là thực hiện khởi nghĩa vũ trang, giành chính quyền về tay nhân dân.

Tháng 11-1940, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 được tổ chức tại Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh). Tại hội nghị, Trung ương đã đánh giá cao cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn và quyết định duy trì đội du kích Bắc Sơn, đề ra nhiệm vụ cho đội là kết hợp hình thức đấu tranh vũ trang, vừa đấu tranh chống khủng bố, vừa bảo vệ và xây dựng cơ sở quần chúng, tiến tới thành lập căn cứ địa cách mạng, lấy Bắc Sơn - Võ Nhai (thuộc tỉnh Thái Nguyên) làm trung tâm.

Trung ương đã chủ trương phát động các địa phương cùng hỗ trợ cho phong trào cách mạng ở Bắc Sơn. Thời gian này, Trung ương cử hai đồng chí Nguyễn Cao Đàm và Bùi Sính lên trực tiếp giúp đỡ phong trào cách mạng Bắc Sơn. Được sự lãnh đạo của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ, phong trào cách mạng ở Bắc Sơn đã phát triển mạnh mẽ, vững chắc, khu du kích Bắc Sơn được mở rộng, nối liền với huyện Võ Nhai, Thái Nguyên.

Tháng 2-1941, đoàn đại biểu của Đảng gồm các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ, Trần Đăng Ninh đi dự hội nghị Trung ương lần thứ 8 ở Pác Bó (Cao Bằng) trở về đã dừng chân tại Khuổi Nọi (ở xã Vũ Lễ, Bắc Sơn).

Tại đây, đồng chí Hoàng Văn Thụ, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, phổ biến cho cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Bắc Sơn về quyết định của Trung ương, đổi tên đội du kích Bắc Sơn thành Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn. Ngày 23-2-1941, Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn làm lễ chính thức thành lập tại khu rừng Khuổi Nọi; gồm 32 chiến sĩ, do đồng chí Lương Văn Tri làm chỉ huy trưởng, đồng chí Chu Văn Tấn làm chỉ huy phó.

Đến lực lượng vũ trang đầu tiên của Đảng

Tại lễ thành lập, đồng chí Hoàng Văn Thụ thay mặt Trung ương Đảng nêu rõ nhiệm vụ của Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn: tích cực dùng hình thức vũ trang công tác, củng cố và mở rộng căn cứ du kích, nhanh chóng phát triển lực lượng về mọi mặt, để kịp thời cơ tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền.

Với vị trí quan trọng của Bắc Sơn, Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn còn có nhiệm vụ bảo vệ các cán bộ Đảng qua lại vùng này… Dưới lá cờ đỏ sao vàng, Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn đồng thanh tuyên thệ lời thề tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Đại tá, PGS-TS Trần Ngọc Long cho rằng, việc thành lập Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn đánh dấu bước phát triển quan trọng của phong trào cách mạng ở Bắc Sơn nói riêng, cả nước nói chung. Khu rừng Khuổi Nọi đi vào lịch sử dân tộc, là nơi khai sinh ra đơn vị vũ trang đầu tiên của Đảng. Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn (được gọi là Đội Cứu quốc quân 1) được xem là lực lượng tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay.

Sau Đội Cứu quốc quân 1, ngày 15-9-1941, tại rừng Khuôn Mánh (xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên), đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Trung ương Đảng tuyên bố thành lập Đội Cứu quốc quân 2 với 36 cán bộ, chiến sĩ.

Đây là những bước phát triển mới của Cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang của Đảng, chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa vũ trang sau này. Cho tới ngày 15-5-1945, tại xã Định Biên Thượng (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và lực lượng Cứu quốc quân hợp nhất thành Việt Nam giải phóng quân.

Chiều 16-8-1945, dưới gốc đa Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc bản Quân lệnh số 1. Ngay sau đó, Việt Nam giải phóng quân làm lễ xuất quân tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội trước sự chứng kiến của đồng bào các dân tộc Việt Bắc và 60 đại biểu toàn quốc đang dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào.

Di tích Khuổi Nọi nằm trong Khu di tích quốc gia đặc biệt Khởi nghĩa Bắc Sơn. Hiện nay, khu di tích chỉ còn lại các địa điểm dựng lán trại và sân luyện tập của lực lượng Cứu quốc quân trước đây. Năm 2014, di tích được đầu tư xây dựng một số hạng mục, gồm 1 chốt canh gác, 2 lán trại (1 lán chỉ huy, 1 lán sinh hoạt đội viên), 1 cụm biểu tượng tôn vinh và khu khuôn viên, lễ đài. Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Khu di tích Khuổi Nọi được tu bổ nhiều hạng mục và xây mới một nhà trưng bày, đón tiếp.

Ông Dương Công Chung, Chủ tịch UBND xã Vũ Lễ, cho biết, người dân Vũ Lễ nói riêng, Bắc Sơn nói chung rất tự hào về truyền thống cách mạng, trân trọng những di tích lịch sử trên địa bàn. Tuy nhiên, mong muốn của người dân, chính quyền địa phương là cần có sự đầu tư đồng bộ hơn cho các di tích để làm nổi bật, quảng bá rộng rãi về địa danh này, nhằm tiếp lửa truyền thống lịch sử cách mạng và tạo cơ hội cho địa phương phát triển du lịch.

“Khởi nghĩa Bắc Sơn và hoạt động của Đội Cứu quốc quân là những mốc lịch sử quan trọng của Đảng và đất nước, dân tộc ta. Bà con các dân tộc ở Vũ Lễ rất mong các cơ quan chức năng đầu tư nhiều hơn, quảng bá mạnh hơn cho di tích Khuổi Nọi. Để người dân cả nước đều biết đây là nơi thành lập đội quân vũ trang đầu tiên của Đảng, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay…”, Chủ tịch UBND xã Vũ Lễ Dương Công Chung bày tỏ.

Tháng 4-1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ của Đảng đã quyết định hợp nhất các tổ chức vũ trang cách mạng trên cả nước thành Việt Nam giải phóng quân. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Việt Nam giải phóng quân đã cùng lực lượng vũ trang các địa phương và nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam giải phóng quân được đổi tên thành Vệ quốc đoàn, rồi Quân đội quốc gia Việt Nam (1946), từ năm 1950 được gọi là Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục