Nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này, Báo SGGP có cuộc trao đổi với TS Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; và ghi nhận ý kiến tổng hợp từ nhiều phía về vấn đề này.
Ngày 13-10, tại TP Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri là hội viên Câu lạc bộ Bạch Đằng. Tại đây, cử tri Đỗ Thế Hùng (nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng) bày tỏ băn khoăn về vấn đề SGK lớp 1 hiện nay với nhiều bộ sách và có một số nội dung còn gây ra ý kiến trái chiều. Trả lời về vấn đề SGK lớp 1 đang nóng hiện nay, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT nghiêm túc tiếp thu những vấn đề mà cử tri và xã hội đã nêu, sẽ có công bố chính thức để rút kinh nghiệm, sẽ xử lý nghiêm nếu có vi phạm. “SGK và sách tham khảo “đụng” đến từng nhà, từng gia đình nên cần phải tiết kiệm cho người dân; sách tham khảo, SGK phải phù hợp với văn hóa Việt Nam, với trẻ em Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết sẽ tiếp thu vấn đề này. |
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ: Mở rộng thêm các kênh góp ý, phản biện nội dung SGK mới Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các tác giả, Hội đồng Thẩm định SGK quốc gia rà soát, giải trình, tiếp thu, hoàn thiện để chất lượng SGK ngày càng tốt hơn. Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ mở rộng thêm các kênh góp ý, phản biện nội dung các bộ SGK mới ngay từ khi nhóm tác giả, nhà xuất bản đề xuất bản thảo thẩm định. Không chỉ dừng lại ở mức độ có sách tốt mà cần chú trọng hơn nữa đến công tác tập huấn giáo viên, có những giải pháp phù hợp để phụ huynh cùng đồng hành với giáo viên triển khai tốt việc dạy và học theo chương trình mới. Bộ GD-ĐT cũng sẽ đẩy mạnh việc biên soạn các bài giảng điện tử với sự tham gia của tất cả các giáo viên, từ đó lựa chọn ra những bài giảng hay nhất, tốt nhất, trao đổi kinh nghiệm để có phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất. Từng bước đa dạng hóa nguồn học liệu cho giáo viên, tiến đến SGK chỉ còn là một trong những nguồn học liệu tham khảo để dạy học. GS NGUYỄN LÂN DŨNG, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực: Đề nghị tổ chức hội thảo đánh giá lại SGK Tiếng Việt Tôi rất muốn biết 5 bộ SGK mới này đã được dạy thực nghiệm ra sao, bao lâu, ở bao nhiêu trường, để đến bây giờ dư luận phản ánh khó học, học nặng? Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT nghiên cứu, tiếp thu một cách rất cầu thị, khoa học. Nhưng Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thì chỉ đạo Hội đồng Thẩm định quốc gia rà soát lại các bộ sách. Như vậy, chính những người thẩm định lại đi rà soát lại việc mình đã thẩm định, sẽ không có ý nghĩa gì. Do đó, theo tôi, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực phải đứng ra tổ chức hội thảo về vấn đề đánh giá lại SGK Tiếng Việt trong bộ Cánh Diều; hội thảo phải có sự tham gia của đông đủ các giáo viên để lắng nghe tiếng nói của chính những người trong cuộc. Tôi thì cho rằng SGK Tiếng Việt trong bộ Cánh Diều không ổn. Học sinh lớp 1 không thể học Lev Tolstoy (nhà văn Nga) hay ngụ ngôn La Fontaine. Mặt khác, anh sửa tác phẩm của họ đi cũng không được, khác gì xuyên tạc. Chúng ta không có quyền sửa tác phẩm, vì thế dư luận bức xúc là đúng. Ý kiến cho rằng, cần thu hồi SGK Tiếng Việt trong bộ Cánh Diều là hơi cực đoan, vì không thể qua dư luận để thu hồi sách. Mà cần thiết phải có hội thảo về vấn đề này. Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực cần tổ chức hội thảo. Nhân đây tôi cũng cho rằng, bộ SGK công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại cũng được đánh giá, thẩm định lại khi đã trải qua mấy chục năm dạy trong nhà trường, hơn 600.000 học sinh học một cách vui vẻ, thoải mái. Tiếng nói 13 thành viên hội đồng thẩm định liệu có bằng hơn 600.000 học sinh đã học? Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ: Thực tế nhiều cuốn SGK vẫn còn “sạn” Hội đồng Thẩm định SGK quốc gia, với 1/3 số thành viên hội đồng là các giáo viên đang dạy học trực tiếp đã thẩm định 5 bộ sách này, sau đó chuyển lên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt. Trải qua quy trình này, nhiều lỗi trong bản thảo SGK đã được yêu cầu chỉnh sửa, hoàn thiện. Hầu hết các địa phương chọn ít nhất 3 bộ SGK trở lên, trong đó 36 tỉnh chọn cả 5 bộ. Quá trình lựa chọn, phê duyệt từng bộ SGK lớp 1 theo chương trình mới rất công phu, nhưng không thể tránh khỏi có những sai sót, bởi thực tế đã có nhiều cuốn SGK dù được tái bản nhiều lần vẫn còn “sạn”. Cô Nguyễn Lệ Thanh Tuyền, giáo viên lớp 1/2, Trường Tiểu học Đống Đa (quận Tân Bình, TPHCM): Giáo viên phải chủ động hơn nữa Giáo viên có thể kết hợp giải thích nghĩa của từ với giới thiệu đặc điểm vùng miền tạo tâm lý háo hức, muốn khám phá địa danh mới của các con. Song song đó, khi dạy học sinh một phương ngữ miền Bắc như “cái bát”, giáo viên sẽ đồng thời giới thiệu từ có nghĩa tương đương trong phương ngữ miền Nam là “cái chén”, vừa giúp học sinh mở rộng vốn từ vừa ghi nhớ lâu kiến thức. Riêng một số từ ngữ có phạm vi sử dụng ít hơn như “dưa đỏ”, “nhá cỏ”, giáo viên sẽ dùng hình ảnh trực quan, sinh động giúp học sinh nhớ nhanh nghĩa của từ, sau đó liên hệ từ có nghĩa tương đương được sử dụng phổ biến trong xã hội hiện đại. Thêm vào đó, với việc được giao quyền chủ động trong thiết kế bài giảng, giáo viên có thể linh động lựa chọn ngữ liệu dạy học phù hợp, không bắt buộc bám sát ngữ liệu đưa ra của một bộ SGK. Riêng với phân môn Tập đọc, thiết kế chương trình cũ chỉ yêu cầu học sinh đọc trơn các đoạn văn ngắn, không yêu cầu hiểu nghĩa bài đọc. Trong khi đó, với chương trình giáo dục phổ thông mới, ngoài yêu cầu đọc trơn, học sinh còn được rèn kỹ năng đọc hiểu nghĩa của văn bản và trả lời câu hỏi ở dưới bài đọc. Với điểm mới này, các giáo viên cho biết áp dụng phương pháp dạy học cá thể hóa, tức đưa ra yêu cầu học tập khác nhau đối với từng học sinh. Những bạn nào chưa có kỹ năng đọc tốt sẽ được yêu cầu luyện đọc những tiếng có vần vừa học, không cần đọc hết cả văn bản. Ngược lại, những học sinh có kỹ năng đọc tốt hơn sẽ được yêu cầu đọc từ 2-3 câu, thậm chí cả văn bản tùy vào năng lực của từng học sinh. |