1. Vừa khoe vé máy bay đã đặt hơn một tháng trước tết, Phương Tài (24 tuổi, quê Ninh Bình) kể: “Tranh thủ đặt vé sớm để đỡ cập rập mà giá cả cũng dễ chịu hơn, chứ cận ngày đắt lắm. Năm nay, tôi chỉ làm thêm thời vụ khoảng một tháng ngắn rồi về nhà trước tết khoảng một tuần. Không làm đến cận tết thì thu nhập ít hơn, nhưng bù lại được về nhà sớm, phụ gia đình dọn dẹp, cúng kiếng ông bà”.
Vừa học vừa làm để hoàn thành chương trình thạc sĩ, kinh tế không thoải mái lắm, nhưng Tài vẫn từ chối chuyện ở lại thành phố làm thời vụ dịp tết, dù lương tính theo ngày khá hấp dẫn, có khi hơn 500.000 đồng/ngày. Kể lại câu chuyện từng đón tết xa nhà vì ham kiếm thêm tiền, Tài cho biết: “Hồi học đại học, cũng vì ham làm thêm kiếm tiền nên tôi ở lại thành phố làm, tết không về quê, ba mẹ có gọi điện thoại nói chuyện nhưng tôi hẹn về sau tết. Ăn tết xa nhà có một năm, mà từ đó về sau tôi nhất định tết là quê chứ không làm thêm gì nữa. Ngày tết mà có một mình thì nhớ nhà, nhớ ba mẹ lắm, nói chuyện qua điện thoại sao bằng cả nhà cùng ngồi chờ đón giao thừa. Và mình có thể tự nấu ăn nhưng ngày tết vẫn thèm bữa cơm gia đình”.
2. Với nhiều bạn trẻ hiện nay, chuyện tìm một công việc làm từ xa cho những công ty nước ngoài đã không còn quá khó khăn. Đặc biệt với mức thu nhập hấp dẫn cùng những khoản thưởng nóng theo hiệu quả công việc, không ít bạn trẻ làm việc xuyên tết vì những công ty nước ngoài ở châu Âu hay Mỹ, lịch nghỉ lễ tết của họ không trùng với lịch nghỉ trong nước.
Nhận lương tháng 12 và khoản thưởng kèm theo khi hoàn thành sớm công việc, Lê Kiến Nghiệp (27 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) chuẩn bị vé máy bay để về TPHCM và từ chối hợp đồng làm thêm đến hết tháng 1. “Mặc dù theo hợp đồng, công việc trong tháng 1 không quá khó khăn và hoàn thành sớm thì tiền thưởng cao. Tuy nhiên, tôi muốn dành thời gian cho gia đình vào những ngày cuối năm để chuẩn bị đón tết và bản thân cũng cần nghỉ ngơi sau hơn 6 tháng làm việc ở Mỹ”.
Công việc của một lập trình viên tự do, đôi khi phải chấp nhận có những tháng không tìm được hợp đồng làm việc, nhưng Kiến Nghiệp vẫn chọn không tham công tiếc việc mà bỏ qua những ngày tết sum vầy. Nghiệp kể: “Với tôi khoảnh khắc cả nhà cùng đón giao thừa, sau đó thắp nhang lên bàn thờ ông bà, cảm giác thiêng liêng, đặc biệt khó mà miêu tả thành lời. Cả năm làm việc thì mình cố gắng chi tiêu tiết kiệm một chút, để đến tết không phải lo làm ngày làm đêm mà bỏ quên gia đình, tết là dịp sum họp và để nghỉ ngơi luôn mà”.
3. Dù thu nhập của một sinh viên vừa mới ra trường còn khá eo hẹp và ngại những câu hỏi thăm riêng tư vào những ngày tết như chuyện lương thưởng hay lập gia đình, nhưng Cẩm Hương (23 tuổi, quê Bạc Liêu) vẫn không né tránh chuyện về quê những ngày tết. “Tôi từng đón tết ở thành phố một năm, bạn bè cùng phòng trọ đã về quê hết, còn lại một mình thấy nhớ gia đình nhiều lắm. Tết ở thành phố cũng không thiếu chỗ đi chơi hoặc việc làm để kiếm thêm thu nhập, tuy nhiên được ăn tết ở quê mình vẫn vui hơn”, Hương kể.
Cùng suy nghĩ với Hương, Hoài An (26 tuổi, quê Sóc Trăng) tranh thủ đặt vé xe trước tết hơn 20 ngày: “Tôi đang bổ sung thêm bằng ngoại ngữ để nhận bằng tốt nghiệp, trong thời gian này cũng phải kiếm thêm bằng việc giao hàng cho các tiệm quần áo. Về quê ai hỏi thăm, có sao thì tôi nói vậy, không phải ngại gì hết, ngày tết chủ yếu là được về với gia đình, nên tôi không để tâm hay buồn phiền vì những câu hỏi riêng tư”.
Thích du lịch và đã lên kế hoạch đi chơi tết cùng nhóm bạn, tuy nhiên Minh Tâm (24 tuổi, nhân viên y tế, ngụ quận 8) vẫn dành 3 ngày tết để ở nhà. Tâm chia sẻ: “Đi du lịch đó đây thì ai cũng thích và mình còn trẻ thì còn nhiều dịp để đi. Nhưng một năm chỉ có một cái tết, tôi ở nhà 3 ngày đầu năm, rồi sau đó mới cùng đám bạn bay ra Phú Quốc chơi”.
Đi và trở về còn tùy theo quan niệm và cách nhìn của mỗi người, nhưng giá trị của gia đình, giá trị của sự đoàn viên vẫn còn nguyên vẹn trong những ngày tết cổ truyền của dân tộc. Trở về nhà sau một năm dài tất bật với công việc hay những hành trình ngược xuôi, đón tết bên gia đình không chỉ là niềm vui của sự sum họp mà cũng là lúc để bản thân được nghỉ ngơi nhiều hơn, nhìn lại một chặng đường đã qua. Vậy thì tại sao phải tranh cãi, cần có tết hay không?