Tầm 4 giờ sáng một ngày tháng 7, chuông điện thoại của tôi vang lên. Mắt nhắm mắt mở với lấy chiếc điện thoại, tôi thấy chữ "Mẹ" hiện lên màn hình. Sao mẹ lại gọi mình giờ này? Tim tôi đập thình thịch. "Con bé tối qua bị tai nạn, đang cấp cứu ở bệnh viện tỉnh...". Tôi hỏi mẹ lại lần nữa, tôi sợ là tôi đang mơ ngủ. Đúng rồi, em gái tôi đang chuẩn bị vào phòng mổ cấp cứu để hút máu bầm trong đầu ra.
Cách đó gần một tháng, cô em gái 15 tuổi của tôi điều khiển xe đạp điện đã bất cẩn vấp phải ổ gà trên đường. Cô bé văng ra khỏi xe và đập đầu xuống mặt đường. Lúc ấy tầm 9 giờ 30 tối, người dân Dầu Tiếng quê tôi làm nghề cạo mũ cao su nên hầu như nhà ai cũng đã đóng cửa then cài. Rất may, một chiếc xe tải chạy đến, thắng gấp, anh tài xế hô hoán cho dân làng chạy ra. Có một đôi vợ chồng lao động nghèo đã bế bé đến trạm xá xã... Trong đêm hôm đó, bé liên tục được chuyển đi các bệnh viện huyện, thị xã và cuối cùng được giữ lại cấp cứu tại bệnh viện tỉnh Bình Dương.
Tôi được cấp trên cho về lo cho em gái. Tôi chạy một mạch từ đơn vị đến bệnh viện, cùng cha mẹ, người thân chờ ca mổ suốt từ tờ mờ sáng đến 10 giờ. Ai cũng mệt mỏi, lo lắng, bất an. Cho đến khi bác sĩ thông báo "ca mổ thành công", tất cả mọi người đều trào dâng một niềm vui khó tả. Vậy là em đã vượt qua cửa tử. Càng biết ơn ông bà tổ tiên hơn nữa khi em đã hoàn toàn bình phục, không có di chứng gì cả.
Tết, ai ở phương xa cũng muốn được về nhà để đoàn viên, sum họp, hàn huyên, chúc tụng nhau. Năm nay, tôi muốn được về nhà chỉ để thưởng thức hơi ấm bình an trong gia đình, để trân trọng hơn những gì đang có, dù là đơn sơ, bình dị nhất.
Thật ra trước khi sự việc không may đến, tôi từng rất hay ta thán, nào là chuyện đồng lương khiêm tốn, nào là gia đình mình sao khó khăn, chật vật thế... Tệ hại hơn, tôi cứ đem mình ra so sánh với chúng bạn, tụi nó đã có đất, có nhà, có xe hơi, hoặc chí ít nó được sinh ra ở vạch gần đích, được cha mẹ cho đủ thứ. Tôi tự ti, mặc cảm, buồn bực, hay than thân trách phận, kiểu như "khủng hoảng tuổi 30".
Sự việc xảy ra với cô em gái trong năm cũ là điều không ai mong muốn, nhưng nó là liều thuốc mạnh giúp tôi tỉnh táo trở lại sau một thời gian chìm đắm trong suy nghĩ tiêu cực về bản thân. Con bé trước lúc vào phòng mổ còn lạc quan nói: "Mẹ ơi! Đừng khóc nữa! Con mổ xong rồi sẽ ra mà, mẹ giữ lại chùm tóc cho con". Con bé đã dũng cảm vượt qua đau đớn, các triệu chứng phụ sau ca phẫu thuật. Còn tôi, chỉ biết than vãn.
Về nhà, có cơ hội được nghỉ ngơi sau một năm công tác áp lực, tôi chính thức làm một cuộc cách mạng trong tâm tưởng. Xác định rõ điểm yếu, điểm mạnh của bản thân; tìm ra cách tăng năng suất, giảm tải căng thẳng trong công việc; học cách quản lý chi tiêu khi đồng lương còn khiêm tốn; tạo nên sự hài hòa giữa nhiệm vụ và cuộc sống riêng tư... Hơn tất cả, tôi tìm ra được giá trị cuối cùng cần hướng đến, đó là hai chữ "bình an".
Đúng vậy, chỉ có sự bình an của bản thân, gia đình, mọi người thì mới mang lại hạnh phúc đích thực cho chúng ta. Nghe có vẻ hơi triết lý nhưng sự thật là vậy, nếu đời sống cứ sóng gió, hết chuyện này đến chuyện kia kéo đến, sinh ly tử biệt, thì làm sao có được hạnh phúc. Chẳng phải khi bé em đang nguy kịch, thì cả nhà chỉ biết cầu nguyện hai chữ bình an thôi sao, mọi thứ khác chẳng còn ý nghĩa.
Tất nhiên, chúng ta luôn phải tiến bộ từng ngày, không chỉ đủ cơm ăn, áo mặc mà còn phải ăn ngon, mặc đẹp. Song, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, với tôi hiện tại, có được sự bình an là có một điểm tựa vững chãi rồi. Tết năm nay, tôi chạy xe chậm lại một chút, nhìn ngắm quê mình nhiều hơn một chút, chăm sóc cho gian nhà ấm cúng hơn.
Trên bàn thờ đủ đầy mâm ngũ quả, bánh chưng, bánh tét, hương, hoa và mâm cơm với một món truyền thống không thể thiếu: canh khổ qua, để cầu cho mọi đau khổ đi qua. Tôi ra vườn ngắm hàng chuối đã trổ buồng, cây ổi mới trồng hôm nào đã cho trái, còn cả cây chanh đã có hoa. Rừng cao su trước nhà rụng sạch hết lá cũ, đang đâm chồi non xanh biếc. À! Cả con đường quê nay đã được trám lại, không còn ổ gà gây nguy hiểm cho bà con...
Về nhà thật vui. Nụ cười đã trở lại trên gương mặt mỗi thành viên trong gia đình. Tôi tranh thủ thời gian đưa cô em gái nhỏ đi dạo con đường làng, mong em không còn ám ảnh vụ tai nạn ấy. Về nhà để trân trọng hơn giá trị của tình thân và sự bình an, để cảm thấy mình còn may mắn hơn biết bao người bất hạnh, cơ nhỡ ngoài kia. Về nhà là một điều gì đó rất đỗi thiêng liêng!
LƯƠNG ANH
Huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương