Về nhà ăn tết đậm đà

- “Về nhà ăn tết à con, sớm hen” - Bác tài xế xe công nghệ vừa nhận cuốc xe vừa đon đả hỏi thăm khách.

- “Dạ vâng, con về tết sớm”.

- “Ừ, tết mà về nhà là vui lắm. Chú năm nay chắc cũng phải qua mùng 3 mới về, lo sắm sửa cúng kiếng nhà cửa trên này, xong đâu vào đó rồi mới về, ông bà ở quê cũng mất cả rồi, về cũng chẳng còn ai, không lẽ về 3 ngày tết cứ nói chuyện trước bàn thờ” - Giọng người đàn ông trầm dần, mất hẳn sự vui vẻ, hào sảng lúc đầu.

Trong tâm tưởng của người Việt, tết chính là dịp để trở về nhà, sắm sửa mâm cỗ đầy dâng lên bàn thờ tổ tiên, là cả gia đình sum vầy bên mâm cỗ nghi ngút khói giữa tiết trời sang xuân se lạnh xen lẫn vài đợt mưa phùn, là phong bao lì xì đỏ tươi tượng trưng cho lộc may, là cuộc hội tụ đông đủ của cả nhà sau một năm dài bôn ba, rôm rả kể nhau nghe chuyện của một năm cũ đã qua, chúc nhau phúc lộc cho một năm mới bình an. Tết trong văn hóa người Việt không chỉ là một sự kiện đánh dấu điểm kết thúc của một năm cũ, mở ra niềm hy vọng vào một năm mới khởi phát thành công, mà còn là một cột mốc để những đứa trẻ “nhiều tuổi” được trở về “Nhà”.

$6b.jpg
Người dân xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TPHCM gói bánh tét. Ảnh: NGUYỄN VĂN TUẤN

Trong Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, chữ “Nhà” có 8 nghĩa, trong đó nghĩa gốc là để chỉ một công trình xây dựng, khi công trình xây dựng trở thành nơi sinh sống của một gia đình, thì từ “Nhà” dần cũng được sử dụng đồng nghĩa với từ “Gia đình”. Với người Việt, trở về nhà chính là trở về cùng gia đình. Rapper Đen Vâu trong bài Đi về nhà cũng có đoạn: Đôi lúc bỗng thấy đồng cảm với Mai An Tiêm/ Bước chân ra là sóng gió chỉ có nhà mãi an yên/ Ngoài kia phức tạp như rễ má và dây mơ/ Về nhà để có lúc cho phép mình được ngây thơ. Những đứa trẻ háo hức bước ra cuộc đời rộng lớn, để rồi nhận ra để trở về nhà cần có dịp. Không phải nhà không còn chào đón, mà sợ sự trở về bất chợt đôi khi lại trở thành lý do cho những lo lắng của cha mẹ. Tết trở thành một dịp đường hoàng để những đứa trẻ trở về một cách trọn vẹn nhất.

Nhưng làm gì có ai thắng nổi thời gian, rồi một ngày nào đó, trong nhà cũng không còn bóng lưng của mẹ cha. Tết vẫn đấy, mâm cỗ tết vẫn đầy nhưng dường như phong vị đã thiếu đi mỹ vị quan trọng nhất. Nhà vẫn là nhà, nhưng không còn là “Nhà” một cách trọn vẹn trong lòng những đứa trẻ ấy. Cái dịp để về nhà một cách đường hoàng ngày nào giờ cũng trở nên khó nói. Sau khi thắp nén nhang lên bàn thờ cha mẹ, đứa trẻ chỉ biết ngậm ngùi: “Con về nha ba má”. Và như một vòng tuần hoàn của tự nhiên, những đứa trẻ ngày nào dần trở thành “Nhà” cho thế hệ tiếp nối, nhưng chắc đâu đó sâu trong lòng, tết với họ sẽ mãi mãi thiếu đi phong vị đặc biệt không thể tìm lại. Có lẽ đó cũng là một phần lý do mà với nhiều người, càng lớn tết càng nhạt đi.

Một năm dài đã qua, tết đã về ngay trước hiên nhà. Về nhà ăn tết thật đậm đà, bạn nhé!

Tin cùng chuyên mục