Vé metro - nhiều tùy chọn

Chưa tới 10 ngày nữa, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được đưa vào khai thác. Mua vé đi lại metro như thế nào, thanh toán bằng tiền mặt hay chuyển khoản, có thể tích hợp với vé xe buýt, xe đạp hay không... là những nội dung bạn đọc hết sức quan tâm.

Mua vé mất 2-3 phút

Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TPHCM (HURC1) Lê Minh Triết cho biết, hiện tại, công tác vận hành hệ thống thu phí tự động (hệ thống AFC) tại các nhà ga đã sẵn sàng phục vụ hành khách. HURC1 sẽ phát hành khoảng 600.000 thẻ đi tàu (vé) cho hành khách giai đoạn đầu khi khai thác thương mại... HURC1 công khai thông tin giá vé tại các ga metro, trên phương tiện truyền thông và trang web giúp hành khách dễ dàng nắm bắt, mua vé nhanh chóng.

Ngoài ra, thông tin chi tiết về lịch trình, giá vé và các ga sẽ được cập nhật trên website và ứng dụng di động, hỗ trợ người dân lên kế hoạch di chuyển một cách thuận tiện, đi lại đúng giờ. Về việc phát hành thẻ, hành khách đăng ký làm thẻ tại các nhà ga trên tuyến.

Giá vé dao động 6.000-20.000 đồng/lượt, tùy phương thức thanh toán và quãng đường di chuyển. Khách mua vé ngày (40.000 đồng) sẽ không giới hạn số lượt đi lại trong ngày; vé loại 3 ngày (90.000 đồng) sẽ không giới hạn số lượt đi trong 3 ngày. Khách phổ thông mua vé tháng (300.000 đồng) sẽ không giới hạn lượt đi trong tháng. Giá vé tháng cho học sinh, sinh viên là 150.000 đồng. Giá vé nói trên bao gồm bảo hiểm thân thể hành khách dùng dịch vụ vận tải công cộng bằng tàu điện trên tuyến metro số 1.

M1c.jpg
Metro số 1 sẵn sàng vận hành phục vụ người dân. Ảnh: QUỐC HÙNG

Hành khách đi metro phải qua cổng kiểm soát vé có 2 thanh chắn nhỏ, nằm ở đầu và cuối cổng kiểm soát, sau khi quét vé tại cổng soát vé. Cổng sẽ mở ra khi vé hợp lệ. Sau khi quét vé thành công, hành khách lên tàu và kiểm tra lại vé. Hành khách giữ vé trong suốt hành trình để quét tại cổng ra khi kết thúc chuyến đi. Nếu không xảy ra vấn đề gì, quy trình từ lúc mua vé đến khi lên tàu hành khách chỉ mất 2-3 phút. Trên tuyến có bố trí máy điều chỉnh giá vé khi đi quá chặng. Ví dụ, trong trường hợp hành khách mua vé từ ga Bến Thành đến ga Ba Son nhưng tiếp tục đến ga Suối Tiên, khi đến ga Suối Tiên, hành khách có thể sử dụng máy nạp tiền tự động tại ga để bổ sung số tiền chênh lệch, đảm bảo đủ chi phí cho toàn lộ trình di chuyển.

Máy bán vé và điều chỉnh giá vé đặt tại các nhà ga đặt ở vị trí dễ nhìn và thuận tiện để hành khách sử dụng. Máy bán vé có nhiều chức năng như màn hình hiển thị, khe nhận tiền giấy và xu, bàn phím, biên nhận. Ngoài ra còn có bảng hướng dẫn từng bước thao tác mua vé, trả lại vé, nạp tiền vào vé. Trên màn hình còn thể hiện tính năng chọn ga đến và số tiền phải trả cho chuyến đi khách chọn. Máy còn có chức năng kiểm tra thông tin vé, hoàn trả tiền cọc, trả lại tiền thừa cho khách, nạp thêm tiền đối với thẻ AFC.

Hệ thống thu phí/bán vé tự động tại các nhà ga metro gồm máy bán vé tự động (TVM), máy điều chỉnh giá vé (FAM), cổng soát vé (PG), thiết bị đầu cuối cho nhân viên nhà ga (SST), máy chủ nhà ga (SS) và máy chủ trung tâm (CS) và thiết bị mạng, máy phát hành và tái chế thẻ, thiết bị quản lý tiền mặt, thẻ IC thông minh không tiếp xúc… Hệ thống AFC cung cấp khoảng 5 triệu thẻ IC không tiếp xúc để đi tàu bao gồm ba loại vé cơ bản: một chặng (vé lượt), vé ngày (bao gồm 1 và 3 ngày), thẻ nạp tiền (giống như nạp card điện thoại trả trước).

Máy bán vé cũng chấp nhận thanh toán cho hành khách ưu tiên giảm giá vé, vé tháng, các đối tượng khác sử dụng phương thức thanh toán EMV của ngân hàng cung cấp bởi các tổ chức chuyển mạch trong nước và quốc tế như: Napas, Mastercard, Visa, JCB… hành khách sử dụng ví điện tử như VNPay, MoMo... “Khi tàu đi vào vận hành, sẽ miễn phí 1 tháng nên trước mắt việc bán vé trước chưa triển khai”, ông Lê Minh Triết nói.

Dùng 1 thẻ thanh toán cho tất cả

“Đi lại bằng metro, hành khách có thể thanh toán bằng tiền mặt hoặc tài khoản”, ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT TPHCM, thông tin. Về thắc mắc “khi nào người dân chỉ sử dụng 1 thẻ là có thể đi từ xe buýt, metro đến xe đạp?”, ông Đường cho biết: Thời gian tới, Sở GTVT sẽ tham mưu trình UBND TPHCM để ban hành giá vé liên thông giữa các phương thức vận chuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng trên địa bàn TPHCM. Hệ thống này cho phép hành khách chuyển đổi giữa các phương tiện công cộng chỉ với 1 loại vé, vừa tiết kiệm chi phí, vừa giảm thời gian chờ đợi.

M5b.jpg
Bảng hướng dẫn đường đến metro số 1 tại giao lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Lợi, quận 1, TPHCM. Ảnh: Hoàng Hùng

Về việc triển khai thực hiện vé đi các phương tiện công cộng tích hợp trong 1 thẻ, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM (đơn vị thực hiện) cho biết, hiện đang gắn thiết bị và kiểm tra kỹ thuật, thời gian đưa vào sử dụng trong quý 1-2025. Trong khi đó, sắp tới, việc thanh toán không dùng tiền mặt chỉ mới thực hiện trên toàn hệ thống xe buýt. Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM Lê Hoàn thông tin, đơn vị đang triển khai lắp đặt hệ thống thanh toán không tiền mặt trên hệ thống xe buýt và dự kiến quý 1-2025 đưa vào sử dụng đại trà. Người dân sẽ dùng ứng dụng ngân hàng thanh toán tiền trên điện thoại để thanh toán khi đi xe buýt.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, TPHCM nên hoàn thành việc tích hợp 1 thẻ thanh toán cho tất cả phương tiện giao thông công cộng càng sớm càng tốt. Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) Nguyễn Đăng Hùng phân tích, thẻ/vé thanh toán phương tiện công cộng tại TPHCM chưa thống nhất, thiếu sự liên thông, dẫn đến người dân phải mua nhiều thẻ/vé và phải sử dụng bằng tiền mặt. Người dân phải cất giữ bất tiện, không khuyến khích người dân mua thẻ/vé giao thông công cộng.

Thật ra, từ lâu, nhiều nước đã áp dụng hệ thống thẻ vé giao thông dùng riêng và có thể liên thông với nhau; họ còn dùng cả thẻ ngân hàng thanh toán thay thẻ/vé trên các phương tiện giao thông công cộng, bằng các ứng dụng công nghệ không tiếp xúc, quét mã QR trên điện thoại thông minh… TPHCM nên khẩn trương ứng dụng thẻ/vé cho phép liên thông tất cả các đơn vị cung cấp dịch vụ giao thông công cộng, gồm xe buýt, metro… nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cũng như kích thích người dân tích cực tham gia giao thông công cộng, từ đó tạo tiền đề sắp xếp lại giao thông đô thị.

Tin cùng chuyên mục