Bà Trần Thị Dâng (70 tuổi, Khu phố Lương Minh Chánh, xã Long Định, huyện Châu Thành) có hơn 50 năm làm nghề dệt chiếu cho biết: Dệt chiếu là nghề truyền thống của gia đình bà, từ Ninh Bình khi di cư vào. Nguyên liệu lát ở đây dễ tìm và sản phẩm chiếu thời bấy giờ rất được ưa chuộng. Nghề chiếu đã trải qua mấy đời nhưng đến nay, chỉ con bà Dâng vừa dệt chiếu vừa làm nghề khác, còn các cháu bà đã không còn mặn mà với nghề này nữa.
Bà Dâng cho hay, trước đây cả làng dệt chiếu thủ công, hai lao động dệt mỗi ngày cho ra khoảng 4-5 chiếc chiếu nhưng nay đã có máy dệt, chỉ khoảng 45 phút/chiếc với một lao động. Dệt máy giảm bớt nhân công lại cho năng suất cao, chiếu đều đẹp, vì vậy đến nay trong làng hầu như không còn dệt chiếu thủ công nữa.
“Nhớ lại mấy mươi năm về trước, tôi từng mở lớp dạy đan chiếu với hơn 1.000 học viên, nghề này rất dễ, chỉ cần nửa ngày là có thể dệt được chiếc chiếu nhưng còn tùy thuộc vào khả năng mỗi người làm nhanh hay chậm. Khi đó, chiếu của gia đình tôi còn xuất khẩu… Sau này do sản xuất nhỏ lẻ nên công nợ khó đòi, người dân lại không có vốn, vì vậy giảm bớt dần và hiện đã không còn xuất khẩu nữa”, bà Dâng nói.
Vào thời điểm công nhận làng nghề truyền thống dệt chiếu, xã Long Định có 3.590 hộ với hơn 14.730 nhân khẩu, làng nghề truyền thống được phát triển trên 5 ấp (ấp Mới, Khu phố Lương Minh Chánh, ấp Kinh 2A, Ấp Tây I, ấp Long Hòa B) với 390 hộ và 1.190 lao động chuyên dệt chiếu và hơn 1.000 người làm gia công ở các ấp lân cận trong và ngoài xã giáp ranh.
Tuy nhiên đến năm 2022, số hộ dân tăng lên hơn 4.000 hộ nhưng lao động tham gia làng nghề chỉ còn 34 hộ, với khoảng 68 lao động, tập trung tại Khu phố Lương Minh Chánh và ấp Kinh 2A.
Lý giải về việc người dân bỏ nghề dệt chiếu bà Dâng cho hay, chiếu không còn xuất khẩu nên người dân dệt chiếu cũng không bán được bao nhiêu, mặc khác giá lát tăng liên tục, trước đây chưa đến 1.000 đồng/kg lát, nay đã lên đến hơn 20.000 đồng/kg trong khi giá thành chiếu không tăng bao nhiêu. Mỗi chiếc chiếu bán ra hơn 100.000 đồng/đôi chiếu tùy theo kích cỡ. Nghề này chỉ đủ ăn nên người dân chuyển sang nghề khác có thu nhập cao hơn. Một lý do nữa là vì người trẻ đi học xa hoặc làm công nhân chứ không mặn mà gì với nghề này.
Hiện nay gia đình bà Dâng làm bán lai rai mỗi tháng cũng được khoảng 150 chiếc chứ không có nhiều đơn đặt hàng như trước nữa.
Sản phẩm chính của làng nghề Long Định là chiếu lát truyền thống nổi tiếng dày, bền, nằm vừa êm lại thoáng mát, giá phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng, nên vẫn được nhiều khách hàng ưa chuộng. Tuy nhiên trước sự cạnh tranh của các loại chiếu tre, chiếu trúc, chiếu nhựa, chiếu lát cũng mất dần thị trường, hiện bán nhiều nhất là các tỉnh khu vực ĐBSCL.
Nhắc đến nghề dệt chiếu không thể không nhắc đến nghề in bông chiếu, tại ấp Khu phố Lương Minh Chánh hiện chỉ còn vài hộ làm nghề in bông chiếu. Đây cũng là nghề truyền thống của gia đình ông Vũ Văn Tiến. Năm nay ông Tiến đã gần 80 tuổi, cũng là một trong những “lão làng” của làng chiếu này. Trước đây gia đình ông vừa dệt chiếu vừa in bông chiếu nhưng sau này ông bỏ nghề dệt chiếu do thu nhập thấp.
Ông Tiến cho biết, ông là một trong số người làm nghề chiếu may mắn vì có được một người con nối nghiệp in bông chiếu. Một chiếu làm khoảng 5 đến 10 phút theo khuôn có sẵn: rồng, phụng, bông, bướm, chữ song hỷ hoặc logo tên đại lý bán hàng… tùy theo yêu cầu của khách hàng trên cơ sở những gì cơ sở sản xuất có. Công việc cơ bản cũng không khó, đầu tiên trộn màu, đây là công đoạn khó nhất, sau khi trộn màu sẽ quét lên chiếu sau đó bỏ vào máy hấp khoảng 60 phút sẽ nổi màu lên. Màu chỉ có 3 màu: xanh, đỏ và vàng. Giá in mỗi chiếc chiếu khoảng 15.000 đồng.
“Cách đây hơn 10 năm, làng này có khoảng gần 20 người in chiếu bông nhưng thời gian này cũng chỉ còn vài người làm. Hiện mỗi ngày gia đình tôi in khoảng 100 chiếc chẳng thấm tháp gì so với trước đây in vài trăm chiếc. Công việc này mang lại thu nhập cũng chỉ đủ chi tiêu dùng hàng ngày chứ không có dư nhiều. Hiện nay, người dân cũng đã đổi sang chiếu màu, chiếu hai da (nhuộm lát xong dệt thành chiếu) nên lượng chiếu in bông giảm đáng kể”, ông Tiến nói.
Ông Trần Văn Thuê, Phó Chủ tịch UBND xã Long Định cho biết, mặc dù tỉnh Tiền Giang đã đầu tư, hỗ trợ cho làng nghề nhiều máy, khung dệt, tiền, dạy nghề..., nhưng làng nghề vẫn còn nhiều khó khăn, như: Nguyên liệu phải thu mua ở các tỉnh xa đôi lúc còn bị cạnh tranh thu mua, chi phí vận chuyển cao từ đó thu nhập của người dân trong làng nghề thấp.
Bên cạnh đó, chưa có tổ chức quản lý làng nghề do các hộ trong làng nghề hoạt động kinh doanh tại nhà, nguồn vốn để đầu tư sản xuất quá ít. Làng nghề từ khi thành lập cho đến nay chưa có quỹ đất để xây dựng nhà kho, sân phơi. Nhu cầu vốn vay của dân gặp khó khăn không vay được các nguồn vốn ưu đãi.
“Đề nghị các cấp lãnh đạo quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà kho sân phơi; Đào tạo tập huấn chương trình ứng dụng đổi mới khoa học công nghệ cho các cơ sở; Hỗ trợ các hoạt xúc tiến, quảng bá xây dựng thương hiệu…”, ông Trần Văn Thuê kiến nghị.
Hiện nay, Làng nghề dệt chiếu xã Long Định có 77 máy dệt chiếu đang hoạt động. Nguyên liệu sản xuất chiếu được thu mua ở các tỉnh lân cận như: Đồng Tháp, Trà Vinh, Vĩnh Long, Long An với giá khoảng 14.500 - 16.000 đồng/1kg tùy thuộc vào chất lượng mặt hàng tốt xấu và thời điểm sản xuất. Mỗi tháng làng nghề dệt chiếu cần hơn 70 tấn lát.