Nhìn cảnh, nhớ Người
Bước chân vào căn nhà lá đơn sơ với vài vật dụng thiết yếu nhất của cuộc sống ở Hoàng Trù (quê ngoại Bác Hồ), dù đã 74 tuổi, chân yếu, bà Hương vẫn đi khắp các gian nhà để được nhìn tận mắt nơi Bác Hồ cất tiếng khóc chào đời và gắn bó cả tuổi thơ. Đến Làng Sen (quê nội Bác Hồ), bà Hương dừng lại hồi lâu tại chiếc phản gỗ trong căn nhà lá, được cô hướng dẫn viên giới thiệu đây là nơi thân sinh của Bác thường ngồi đọc sách và tiếp khách. Khi ấy, cậu bé Nguyễn Sinh Cung (tên của Bác hồi nhỏ) thường được làm người hầu trà nên đã nghe được những câu chuyện về thời cuộc do các chí sĩ yêu nước luận bàn. Cũng từ đây, cậu bé Nguyễn Sinh Cung sớm nhen nhúm lòng yêu quê hương, đất nước và hình thành chí khí cách mạng sau này.
“Dù là lần đầu được đặt chân đến quê Bác, nhưng tôi thấy tất cả cảnh vật đều vô cùng thân thuộc. Với người con, người chiến sĩ cách mạng miền Nam, Bác Hồ là niềm tin, là nghị lực để chúng tôi dấn thân trong mọi hoàn cảnh. Thế nhưng, dù cả cuộc đời ngưỡng mộ, tôn thờ Bác, mà mãi đến nay tôi mới có cơ hội được đến Làng Sen để tận mắt thấy nơi Bác từng gắn bó cả tuổi thơ. Chuyến đi này thật ý nghĩa với tôi”, bà Hương bày tỏ. Để lưu lại những khoảnh khắc thân thương ở quê Bác, bà Hương nhờ đồng đội đi cùng chụp giúp mình vài tấm ảnh bên chiếc phản gỗ, gian bếp nhỏ, hàng cau trước sân; bởi bà khó có cơ hội đi thêm chuyến nữa về thăm nơi này.
Còn với nữ cựu tù chính trị Nguyễn Ngọc Ánh, dù đã nhiều lần được đến thăm quê Bác, nhưng lần nào đến đây cũng cho bà cảm giác xúc động. Trong cái nắng những ngày tháng 5, nhìn lại hình ảnh những vật dụng trong căn nhà nhỏ, từ chiếc võng tre đến rương đựng đồ dùng, gian bếp nhỏ…, bà Ánh khôn nguôi nhớ Bác. “Được về thăm nơi này vào dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Bác thật vô cùng ý nghĩa. Dù chưa một lần được gặp Bác, nhưng với tôi, Người là niềm tin để chúng tôi chiến thắng mọi gian khổ, nhục hình trong lao tù cũng như đấu tranh trên các mặt trận”, bà Ánh chia sẻ.
Noi gương Bác để tiếp tục cống hiến
Nhân dịp sinh nhật Bác, Ban Liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh TPHCM tổ chức chuyến hành trình “Theo chân Bác”. Hơn 74 thành viên là cựu tù Côn Đảo, Phú Quốc, tù binh Phú Tài, tù thiếu nhi Đà Lạt, CLB Truyền thống kháng chiến khối Việt kiều Campuchia yêu nước… đã có hành trình 22 ngày đêm đến 15 tỉnh, thành. Những người chiến sĩ năm nào nay tóc đã bạc, được đến thăm các chiến trường khốc liệt. Chuyến đi càng thêm ý nghĩa khi các cựu tù được đặt chân đến những nơi lưu dấu hình ảnh của Bác Hồ, trong đó có Làng Sen quê Bác.
Đoàn cựu tù chính trị và tù binh TPHCM đến thăm quê Bác tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An |
Được thấy những cảnh vật mộc mạc, đơn sơ gắn bó với tuổi thơ của Bác, hiện vật còn lưu giữ nơi đây và qua lời kể của người thuyết minh, các cựu tù đã không khỏi bồi hồi cảm xúc. Điều xúc động là nhiều cựu tù lớn tuổi, chân yếu được đồng đội dìu bước để được một lần đến thăm quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Trước anh linh của Bác, bà Hoàng Thị Khánh, Trưởng Ban Liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh TPHCM, báo cáo với Bác, dù mỗi người chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày chiến đấu ở trận địa khác nhau, mỗi người có gia cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều tiếp bước, noi gương Bác để luôn cống hiến, đóng góp sức mình xây dựng TPHCM. “Chúng cháu xác định học tập Bác và nguyện tiếp tục đóng góp công sức còn lại của cuộc đời mình để xây dựng thành phố mang tên Bác ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn theo di nguyện của Người. Chúng cháu luôn góp sức giáo dục con cháu rèn luyện, học tập trở thành người công dân hữu ích, những người trẻ tiếp tục truyền thống cha ông bảo vệ và xây dựng đất nước”, bà Khánh bày tỏ.