Về Gò Công xem khảm xà cừ

Khảm xà cừ (cẩn xà cừ, khảm trai) là nghề thủ công rất lâu đời ở Gò Công (Tiền Giang). Không chỉ chiếc tủ thờ, mà nhiều sản phẩm gỗ mỹ nghệ như tranh, khay trà, hộp gỗ… cũng được khảm xà cừ, tạo ra những sản phẩm được người trong và ngoài nước ưa chuộng. 

Tâm huyết với nghề truyền thống

Khi chúng tôi đến, ông Nguyễn Văn Đủ (ngụ ấp Ông Non, xã Tân Trung, thị xã Gò Công) đang miệt mài cưa từng vỏ ốc xà cừ thành những con chữ, bông hoa và hình dáng lượn tròn để khảm bức tranh bằng gỗ. Tại làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công, gia đình ông là đời thứ 4 làm nghề này. Vợ và anh chị em của ông cũng theo nghề, con trai ông tuy đang đi học nhưng cũng biết nghề này vì ngoài giờ học thường phụ giúp cha mẹ. “Bắt đầu năm tôi 9 tuổi đã theo cha làm việc và sau đó rành nghề. Có lẽ cái nghề này ăn sâu vào máu thịt từ bao đời trong họ tộc…”, ông Đủ tâm sự. 

Nhấp ngụm trà, ông Đủ tiếp lời: “Trước đây, chúng tôi làm tủ truyền thống ít trụ (9 trụ) nhưng bây giờ làm theo yêu cầu của khách hàng, có tủ lên đến 21 trụ. Sản phẩm tủ thờ này ngày càng được người dân yêu thích, vì vậy đơn hàng đến liên tục, thu nhập của gia đình cũng ngày một tăng, trung bình mỗi thợ khoảng hơn 15 triệu đồng/tháng, tùy theo tay nghề. Với mức thu nhập khá như vậy, trong gia đình chỉ cần có 2 thợ giỏi thì có thể “sống khỏe”. Chính vì lẽ đó mà người dân bám trụ với nghề và còn truyền lại cho con cháu đời sau”.   

Xã Tân Trung có 7 ấp, nhưng có gần 500 cơ sở, riêng ấp Ông Non có hơn 90% hộ dân làm nghề mộc, khảm xà cừ. Đa số cơ sở làm nghề đều từ đời ông cha để lại. Người thân trong gia đình gắn bó với nhau không chỉ tình thâm mà còn bởi tâm huyết với nghề. 

Để phát triển nghề mộc của gia đình bền vững, phù hợp với xu thế hiện nay, anh Nguyễn Đạt (44 tuổi, chủ cơ sở Nguyễn Đạt, ấp Ông Non, xã Tân Trung) đã tách riêng nhà xưởng của mình làm 2. Một xưởng chuyên khảm xà cừ, bao gồm những công đoạn khảm thủ công và lập trình khảm bằng thiết bị công nghệ; một xưởng chuyên sản xuất các sản phẩm mộc thô và lắp ráp... Anh Đạt cho hay, trước đây khi chưa có máy móc hỗ trợ, ngoài người trong gia đình, cơ sở của anh đã phải thuê hàng chục thợ. Tuy nhiên, từ 3 năm nay, anh mạnh dạn đầu tư 2 máy chạm gỗ và 1 máy laser trị giá hơn 500 triệu đồng, đã giúp cơ sở giảm bớt số lượng lớn nhân công, tiết giảm chi phí và lợi nhuận tăng. Cũng từ khi đầu tư máy móc, đơn hàng của cơ sở hoàn thành nhanh chóng, tạo uy tín, cũng như đáp ứng kịp thời nhu cầu khách hàng. 

“Đến đời thứ 3 này, gia đình mới mạnh dạn đầu tư máy móc, cũng may là hoạt động hiệu quả. Một máy hoạt động ngày đêm bằng sức làm việc của hơn 20 nhân công, tuy nhiên máy móc chỉ hỗ trợ một phần nào công đoạn khảm xà cừ, phần còn lại vẫn phải làm thủ công. Mỗi mặt gỗ khảm xà cừ phải thể hiện được cái hồn của bức tranh, người thợ phải tỉ mỉ khắc từng đường nét, càng chi tiết tranh càng đẹp. Hơn nữa, người thợ phải chú trọng đến chất lượng, không thể khảm tranh qua loa khiến xà cừ dễ bị bong tróc, nứt vỡ… Những người thợ cần tâm huyết và có cảm hứng khi làm việc; mải miết với tác phẩm khảm xà cừ có khi quên ăn, quên ngủ”, anh Đạt chia sẻ.

Men theo con đường bê tông lối dẫn vào làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công, các cơ sở mọc lên san sát hai bên đường, sản phẩm bày bán khắp nơi. Thợ mộc ở đây cũng đa dạng tuổi tác, giới tính. Những người già trộn keo, lau mặt khảm; các em bé khoảng hơn 9 tuổi trong làng cũng phụ giúp cha mẹ sắp xếp tạo hình khảm, dán xà cừ vào mặt gỗ đã được đục hình… 

Người dân sống hiền hòa, tuy vừa sản xuất vừa buôn bán nhưng không tranh đua. Họ đoàn kết, gắn bó, chăm chỉ làm việc một cách cẩn thận và không quên sáng tạo ra hoa văn, cách ghép lạ mắt, nhằm nâng tầm sản phẩm của mình, tạo nên tác phẩm nghệ thuật mới lạ cho riêng mình. 

Bảo tồn và phát triển

Một tủ thờ từ khảm xà cừ hoàn chỉnh và đáng giá sẽ xuất hiện các tích xưa trên bề mặt như: Nhị Thập Tứ Hiếu, Hồng Công, Sen Hạc, Thái Công điếu vị, Tam cố thảo lư, Mai Lan Cúc Trúc, Long Phụng kỳ duyên… Khảm xà cừ có 5 công đoạn, thứ nhất vẽ tạo hình trên xà cừ và cưa xà cừ theo hình đã vẽ; thứ hai là dán hình xà cừ lên thân gỗ; thứ ba là tạo hình hay còn gọi là đục hình lên thân gỗ; tiếp theo là vô keo và dán xà cừ vào mặt gỗ đã được đục hình; cuối cùng là tách, tạo đường nét trên xà cừ. 

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, sản phẩm làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công không dừng lại ở thủ thờ, mà còn nhiều sản phẩm gỗ mỹ nghệ như tranh, khay trà, hộp gỗ… cũng được khảm xà cừ. Loại gỗ sử dụng cũng đa dạng, phong phú: lăng, căm xe, cẩm lai… 

Mang chiếc khay với nhiều loại ốc xà cừ xanh, đỏ, vàng, trắng… cho chúng tôi xem, anh Đạt giải thích, ốc xà cừ có rất nhiều loại và giá cả cũng khác nhau, từ vài chục đến hơn trăm triệu đồng/kg. Các cơ sở làm theo đơn đặt hàng của khách, có những đơn đặt hàng một cây cẩn giá lên đến cả tỷ đồng, thậm chí có khách đặt đóng tủ thờ cẩn ốc đỏ trị giá 1,5 tỷ đồng. Đa phần những mặt hàng giá trị cao để chuyển đi nước ngoài. “Bản thân tôi cũng như nhiều thợ khác luôn mong ước có cơ hội quảng bá những sản phẩm xà cừ vươn xa hơn, không chỉ thị trường trong nước, mà ra nước ngoài”, anh Đạt mong ước. 

Tự hào đưa chúng tôi tham quan các cơ sở trong làng nghề, ông Ngô Hoàng Phi, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trung, khoe, đây là cái nôi của nghề mộc. Trong làng có hàng chục thợ có thâm niên, một mình có thể làm thủ công tất cả công đoạn, được giới mộc tôn vinh là nghệ nhân. Ngày nay, nhiều cơ sở đã đầu tư thiết bị máy móc và có cách làm việc khoa học bằng phương pháp phân ra từng công đoạn, giúp hoàn thành sản phẩm nhanh chóng và hiệu quả hơn. “Phía địa phương cũng đã huy động vốn từ các nguồn để hỗ trợ người dân vay không lãi suất trong 5 năm. Tuy nhiên, do nhu cầu mở rộng, phát triển nghề nên có hộ đã vay thêm bên ngoài với nguồn vốn lớn nhằm đầu tư máy móc, thiết bị... Hiện, sản phẩm của làng nghề cũng được bày bán tại nhiều đại lý trên cả nước”, ông Ngô Hoàng Phi nói. 

Trong guồng quay công nghiệp hối hả, bằng bàn tay, khối óc và sự tỉ mỉ, những người thợ ở làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công đang cố gắng thổi hồn vào những sản phẩm khảm xà cử. Qua đó, truyền tải những giá trị truyền thống tốt đẹp đến thế hệ tương lai.

“Để làng nghề mộc, khảm xà cừ truyền thống ngày càng phát triển, thời gian tới, địa phương sẽ mở một siêu thị trưng bày những sản phẩm do làng nghề làm ra. Đây cũng là điểm dừng chân tham quan trong các tour du lịch của tỉnh, thông qua đó tạo điều kiện cho các cơ sở kết nối với khách hàng. Địa phương đang mời đơn vị thi công, thiết kế, để dự trù nguồn kinh phí từ ngân sách của thị xã Gò Công”, ông Ngô Hoàng Phi, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trung, cho hay.  

Tác giả NGỌC PHÚC

Bình chọn bài viết

Bài viết mới