“Cháu đi thi Rung Chuông Vàng của nhà trường tổ chức. Đúng ra câu cuối cùng cháu sẽ thắng nhưng các bạn khác viết bằng tay, còn cháu phải viết bằng chân chậm hơn nên thua cuộc…”. Đó là câu chuyện nhỏ được kể một cách hồn nhiên bởi một cô bé bị cụt cả hai tay, đó là Lê Thị Thắm (ở thôn Đoàn Kết, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa).
Bằng nghị lực hiếm có cô bé đã vượt lên số phận để đến trường như bao bạn bè bình thường khác, hơn thế Thắm còn học giỏi, viết chữ đẹp, vẽ tranh,… Chân dung của Thắm được triển lãm trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam về gương “Những phụ nữ vượt lên số phận”, tranh của bé được đón nhận và đạt nhiều giải thưởng.
Nghị lực
Trong một phòng học cũ kỹ ở dãy nhà cấp 4 Trường Tiểu học Đông Thịnh, bé Thắm cùng với các bạn đang miệt mài làm bài tập làm văn. Cô bé nằm trườn trên chiếc bàn dành riêng cho mình. Những dòng chữ đẹp hiện dần lên trang giấy.
Nhìn hình ảnh ấy, thầy Nguyễn Xuân Liêm, hiệu trưởng nhà trường, xúc động: “Ban đầu tôi rất ái ngại khi nhận cháu vào học. Nhưng cháu đã làm tôi tin vì ngay khi vào trường, cháu không những đọc thông thạo mà còn viết chữ rất đẹp…”.
Tôi đến nhà bé Thắm ở thôn Đoàn Kết. Chỉ có mẹ bé là chị Nguyễn Thị Tình ở nhà. Bố Thắm là anh Lê Xuân Ân đang làm thợ hồ ở xa. Nói đến con, chị Tình khẽ thở dài nhưng cũng nở nụ cười: “Cũng may cháu giỏi giang”.
Nhớ lại ngày bé Thắm sinh ra là cả một sự cơ khổ. Ngày 1-3-1998, bé Thắm chào đời nhưng lại bị cụt cả 2 tay đến tận bả vai. Mọi người phải giấu mẹ đưa bé sang một phòng khác. Cuối cùng vợ chồng chị vẫn phải nhìn vào thực tế: đó là đứa con do mình đẻ ra, là giọt máu của mình nên không thể chối bỏ.
Bé Thắm không ốm đau bệnh tật nhiều, càng lớn càng tỏ ra lanh lợi, sáng dạ nên vợ chồng anh chị Tình cũng dần nguôi ngoai. Khi học mẫu giáo bé Thắm bộc lộ sự sáng dạ khác thường. Hai vợ chồng cùng cô giáo thay nhau kiên trì rèn cho cô bé tập viết, xếp đồ chơi,… bằng chân.
Điều đặc biệt, bé không viết bằng chân phải như cô dạy mà chuyển sang chân trái, chữ viết càng đẹp, hơn cả các bạn viết bằng tay. Cô bé học viết một cách đam mê, nhiều lúc mệt quá nằm ngủ luôn trên chiếu.
“Không cho cháu học viết thì cháu khóc, bỏ luôn cơm nhưng cho học, nhìn con hì hụi khổ sở thì sốt ruột”, chị Tình tâm sự. Ngay đến bây giờ khi đã học lớp 4, vì viết và vẽ một chân bên trái nên chân bên phải của Thắm thỉnh thoảng lại nhức buốt và có nguy cơ teo lại.
Và ước mơ
Trên bộ bàn ghế đặc biệt của mình, Thắm đã “trườn” ra học cùng các bạn từ lớp 1 cho đến nay là lớp 4. Năm nào Thắm cũng được học sinh giỏi, giỏi nhất là các môn Toán, Tiếng Việt và Anh văn.
Không những thế Thắm còn bộc lộ năng khiếu hội họa khiến thầy cô và người lớn ai cũng ngạc nhiên. Ban đầu là vẽ đồ vật, sau vẽ chủ đề về bảo vệ môi trường, giao thông, thầy cô… Tranh của Thắm được gửi đi dự thi ở nhiều nơi và giành được nhiều giải thưởng.
Mới đây, thông qua Hội Người khuyết tật Thanh Hóa, Thắm đưa tranh dự thi và đoạt giải nhì của Hội Mỹ thuật Thanh Hóa. Vào tháng 4-2007 Thắm được Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Việt Nam tặng bằng khen “Vì đã có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, công tác và học tập từ năm 2004 đến năm 2006”.
Hiện việc vệ sinh cá nhân thì bố mẹ phải giúp, còn đánh răng, rửa mặt, ăn cơm,… bé đều tự làm được. Khi mẹ bận, bé còn giúp mẹ nhặt rau, rửa bát,... Việc học của bé cũng thành “quy trình khép kín”: đi học ở trường, học luyện thi học sinh giỏi vào thứ bảy, chiều về tranh thủ học, ăn cơm xong là xem… thời sự rồi học tiếp đến 9g, hôm nào bài làm chưa xong là chưa đi ngủ. Riêng chủ nhật, cô bé không đi chơi thì lấy màu và giấy ra vẽ.
Cô giáo Vũ Thị Oanh, chủ nhiệm lớp 4A của Thắm cho biết: “Trừ khi ốm đau ra chứ chưa khi nào cháu Thắm bỏ bê bài vở. Có lẽ vì hoàn cảnh của cháu như vậy nên cháu rất ý thức về việc học của mình”. Hỏi lớn lên cháu thích làm gì, không ngần ngừ, Thắm đáp: “Dạ cháu cứ học nhiều cái đã. Cháu ước mơ làm cô giáo như cô giáo cháu đây, cháu dạy vẽ nữa”.
LÊ DUY CƯỜNG