Vườn Quốc gia Vũ Quang được thành lập theo quyết định số 102/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30-7-2002, được công nhận là "Vườn Di sản ASEAN” năm 2018, nằm trên địa bàn các huyện miền núi Vũ Quang, Hương Khê và Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh), hiện quản lý, bảo vệ 57.029,84ha rừng và đất lâm nghiệp.
Vườn Quốc gia Vũ Quang với những khu rừng nguyên sinh, có nhiều hệ động thực vật phong phú, đa dạng. Vườn có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học cho cả khu vực, nằm ở vị trí quan trọng trong dãy Trường Sơn, xen kẽ giữa Vườn Quốc gia Pù Mát (tỉnh Nghệ An) ở phía Bắc và Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) ở phía Nam.
Nơi đây có rất nhiều tiềm năng để thúc đẩy phát triển hoạt động du lịch sinh thái, du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm với cảnh quan hoang sơ, kỳ thú mà thiên nhiên đã ban tặng như: thác Thang Đày, thác Cổng Trời, thác Nam Châm, suối Rào Rồng, suối Trắng, hồ Ngàn Trươi… Ngoài ra, còn có vô số thác, bãi đá, khe suối, hồ nước trong xanh, tuyệt đẹp khác tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình.
Vườn Quốc gia Vũ Quang cũng là môi trường lý tưởng phục vụ cho các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và thế giới đến điều tra, nghiên cứu khoa học, chia sẻ kinh nghiệm, khám phá thiên nhiên, hệ thực vật, động vật hoang dã quý hiếm.
Vườn Quốc gia Vũ Quang là một trong những trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất Việt Nam, nơi lưu giữ nhiều nguồn gen rất có giá trị cho công tác bảo tồn và còn nhiều bí ẩn cần được khám phá. Trong đó, có nhiều loài động vật, thực vật nguy cấp, quý hiếm và đặc hữu, có tên trong danh mục Sách đỏ IUCN và Sách đỏ Việt Nam, cần được ưu tiên bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt.
Tại Vườn Quốc gia Vũ Quang, các nhà nghiên cứu trong nước và thế giới cũng đã phát hiện, công bố hàng loạt loài thực vật mới có giá trị cao cho thế giới, như: chà ran tuyến, trà mi Vũ Quang, trà mi Hà Tĩnh, dẻ Vũ Quang, gừng Vũ Quang, tân bời lời Vũ Quang, xú hương Vũ Quang, xú hương Hà Tĩnh, mộc hương Vũ Quang...
Ngoài ra, nơi đây cũng đã phát hiện, bảo tồn, phát triển quần thể cây pơ mu cổ thụ, quý hiếm có niên đại khoảng từ 800 năm đến 1.000 năm, nằm ở độ cao khoảng 1.445m so với mặt nước biển. Trong đó, có cây lớn với đường kính phần gốc hơn 2,2m, chiều cao khoảng 30m, tán rộng, sum suê. Ngoài ra, còn có vô số loài lâm sản cổ thụ, quý hiếm hàng trăm năm tuổi khác.
Mới đây, thông qua 85 điểm đặt bẫy ảnh giám sát đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Vũ Quang cũng đã ghi nhận được 58 loài động vật hoang dã, quý hiếm, trong đó có 9 loài đặc hữu của dãy Trường Sơn.
Đặc biệt, có một số loài rất quan trọng cho công tác bảo tồn tại khu vực, cần phải có các phương án bảo vệ nghiêm ngặt là mang lớn, mang Trường Sơn, thỏ vằn Trường Sơn, cầy vằn Bắc, voi châu Á…
Các loài động vật hoang dã, quý hiếm được ghi nhận thông qua điểm đặt bẫy ảnh, gồm: voi châu Á, khỉ mặt đỏ, khỉ vàng, khỉ đuôi lợn, khỉ mốc, mang Trường Sơn, mang lớn, mang thường, sơn dương, nai, thỏ vằn Trường Sơn, tê tê, cheo cheo Nam Dương, nai, nhím bờm, nhím đuôi dài, cầy vòi hương, chồn móc cua, chồn bạc má, cầy vòi mốc, cầy gấm, chồn họng vàng, triết bụng vàng, triết chỉ lưng, dúi, cầy vằn Bắc, mèo rừng, sóc, lửng lợn, lợn rừng, gà so lưng gụ, gà so họng hung, gà rừng, khướu đất hung, hoét xanh, khướu má hung, chích chòe lửa, đuôi cụt, gà lôi trắng, gà tiền mặt vàng…
Không chỉ có tài nguyên thiên nhiên, hệ động và thực vật đa dạng, phong phú, tại Vườn Quốc gia Vũ Quang còn là nơi ghi dấu chứng tích những chiến công oanh liệt của nhà yêu nước Phan Đình Phùng và nghĩa quân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thời kỳ phong trào Cần Vương những năm cuối thế kỷ 19.
Hiện nay, trong khu vực Vườn Quốc gia Vũ Quang vẫn còn di tích nhà bia tưởng niệm Phan Đình Phùng và nghĩa quân cùng thành Phan Đình Phùng, căn cứ địa của cuộc khởi nghĩa Hương Khê ở vùng lõi của Vườn Quốc gia Vũ Quang.
>> Một số hình ảnh hoang sơ, tuyệt đẹp ở Vườn Quốc gia Vũ Quang: