Cái chết là một chủ đề khi đậm hay nhạt trong các bài hát nổi tiếng của Trịnh Công Sơn, kể cả những bài tình ca quyến rũ nhất. Nhưng vì sao nói đến cái chết mà sức hấp dẫn đại chúng không bị giảm, nếu như không nói những người tình âm nhạc có thể hát “một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời” (Bên đời hiu quạnh) say sưa, như thể họ đang hát về một giấc mơ ngọt ngào?
Âm nhạc, đặc biệt ca từ của Trịnh Công Sơn, đối diện với ý niệm siêu hình của cái chết như một vấn đề thông thường, thậm chí bình thản như đối diện với một hành vi đời sống. Hoàn cảnh Trịnh Công Sơn đã trải qua, như nhiều người Việt những năm tháng thế kỷ 20, đã bất đắc dĩ tạo ra cảm thức như vậy. Người viết nhạc đã chứng kiến những cuộc chiến tranh trên dải đất quê hương, những cái chết “đau thương vô tình” dễ gặp như chân dung một đời sống: “Người con gái chợt ôm tim mình, trên da thơm vết máu loang dần” (Người con gái Việt Nam da vàng).
Nhiều lời ca Trịnh Công Sơn khắc họa trạng thái suy nghiệm, như “giật mình tỉnh ra ồ nắng lên rồi”, “tôi chợt nhìn ra tôi”, “đôi khi ta lắng nghe ta”, “nhiều đêm thấy ta là thác đổ, tỉnh ra có khi còn nghe”… Những điều này trở đi trở lại, tạo ra một tổng thể đậm nét triết lý, tựa như những bài kinh trong một cuốn kinh của một người đang thực hành tu tập. Ở đấy thường là nỗi mong mỏi một điều đẹp đẽ thu nhận được: “Từ khi trăng là nguyệt tôi nghe đời vỗ về tôi/ Từ khi em là nguyệt câu kinh đã bước vào đời” (Nguyệt ca). Có lẽ người nghe nhạc Trịnh Công Sơn hấp thụ và đồng cảm từ những thông điệp “vỗ về tôi” như họ đã từng tìm đến những sự an ủi của niềm tin tín ngưỡng đã bén rễ trong cộng đồng. Khi sống trong những khoảng thời gian “đại bác đêm đêm dội về thành phố, người phu quét đường dừng chổi đứng nghe” (Đại bác ru đêm), những câu kinh bằng âm nhạc này hẳn đã có tác dụng rất lớn.
Nhưng vẻ đẹp của nhạc Trịnh Công Sơn còn là sự quyến rũ của ngôn ngữ trên nền những giai điệu man mác, không phức tạp mà dễ hát, dễ cảm, mang chất du ca, chỉ cần một giọng hát thật đời cất lên trên tiếng đệm bập bùng của cây đàn guitar, vang lên từ một sân trường, một góc quán cà phê, như đúng bối cảnh chúng được sinh ra.
Người tình trong âm nhạc Trịnh Công Sơn đã tạo ra một hào quang huyền thoại, từ Diễm xưa, Biển nhớ, Hạ trắng đến Em còn nhớ hay em đã quên. Người tình vẫn được nhìn bằng góc độ một nam nhân, nhưng ở Trịnh Công Sơn, người tình có tính chất kẻ tri âm, kẻ đồng điệu không chỉ sự say đắm mà cả cơn đau nung hồng, cơn mê dài lẫn nỗi hoài nghi và chất vấn của tác giả, cũng như đồng nhịp “về cùng tôi đứng trong âu lo này” (Này em có nhớ). Người tình có thể có hình dáng của vẻ đẹp truyền thống: vai em gầy guộc nhỏ, dài tay em mấy thuở mắt xanh xao… nhưng có cung cách của một người bạn bình đẳng phi giới tính, hoặc là Trịnh Công Sơn mượn mối tình mà nghiệm phận mình: “Em là tôi và tôi cũng là em… em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh” (Tôi ơi đừng tuyệt vọng).
Người tình bước ra từ khung cảnh quê hương, những thành thị đồng bằng, những phố núi đất đỏ hay làng xóm, người tình ở đây không chỉ còn bó hẹp ở vai trò đối tác tình yêu mà có thể là người đẹp có những cái tên từ đời thực như Bích Diễm, Dao Ánh hay Bích Khê, song cũng có thể là người nữ du kích chết trên đèo Hải Vân “đi trong đêm, đêm vang ầm tiếng súng” hay người mẹ ru con bằng điệu ca dao “đòng đưa võng buồn”, hay là em gái nhỏ “cùng lá tung tăng như loài chim đến và đã hót giữa phố nhà”. Họ là một phóng chiếu của biểu tượng đất mẹ. Những bài ca ngắn gọn nhưng có sức chứa đựng những biểu tượng về tình yêu, quê hương và thân phận, cùng những ý niệm triết học và tôn giáo phủ bóng đằng sau ngôn từ.
Hai mươi năm sau ngày Trịnh Công Sơn chia tay người yêu nhạc, kết thúc một cõi đi về ở đời sống này, nhưng thế giới mỹ cảm của ông vẫn còn đủ sức khiến người thời nay lưu tâm. Sự khắc khoải về nhân sinh với những vẻ đẹp vô thường chẳng bao giờ chấm dứt, vì thế người nghe nhạc nhớ Trịnh Công Sơn có lẽ chính là họ thương nhớ phát ngôn viên cho cái đẹp đã đi qua.