Vẻ đẹp hiếu nghĩa từ Nhà lưu niệm Sơn Nam

Hàng năm cứ vào chớm thu, các nhà văn và bạn đọc khắp nơi hay về thăm, dâng hương ở Nhà lưu niệm Sơn Nam để tưởng nhớ một trong những nhà văn, nhà văn hóa tiêu biểu của Nam bộ. Vẻ đẹp tinh thần hiếu nghĩa cũng lặng lẽ lan tỏa từ không gian văn hóa sống động được hình thành cách đây vừa tròn 12 năm (23-8-2010).
Một góc bên trong Nhà lưu niệm Sơn Nam
Một góc bên trong Nhà lưu niệm Sơn Nam

Chúng tôi về thắp hương cho nhà văn Sơn Nam khi nhiều thầy cô giáo và học sinh cũng về đây tham quan. Bao kỷ niệm về bậc thầy văn chương Nam bộ hiện về. Suốt đời viết về công cuộc khẩn hoang mở đất phương Nam, ông để lại di sản tinh thần quý giá với mấy mươi tác phẩm luôn được các thế hệ bạn đọc tiếp nhận. Cuộc đời phiêu bạt thăng trầm của ông, từ miệt vườn đến bưng biền kháng chiến rồi lên phố thị đô hội với nhiều dấu tích và những mối quan hệ thân tình, đặc biệt là sự liên tài trong làng văn làng báo, cũng là một di sản cần lưu giữ.

Không ít người ngạc nhiên vì sao nhà văn Sơn Nam quê ở tận Rạch Giá, nay thuộc tỉnh Kiên Giang, gắn bó phần lớn cuộc đời ở Sài Gòn - TPHCM nhưng nhà lưu niệm ông lại nằm ở ấp 4, xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Đây cũng là một bí ẩn thú vị về ông.

Vào năm 1954, khi đất nước tạm thời chia làm hai miền để chờ tổng tuyển cử thống nhất, nhà văn Sơn Nam từ bưng biền chiến khu về quê hương Rạch Giá rồi lên Sài Gòn ở trọ làm báo viết văn, thỉnh thoảng mới về thăm nhà. Vì là người kháng chiến cũ, ông luôn bị chính quyền bấy giờ theo dõi, bố ráp và hai lần bị bắt vào tù.

Cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn, vợ ông là bà Đào Thị Phán phải đưa hai đứa con gái nhỏ lên Sài Gòn mưu sinh bằng nghề dạy học. Lo sợ liên lụy với cha, hai cô con gái đều lấy họ Đào của mẹ: Đào Thúy Hằng và Đào Thúy Nga. Thất lạc nhau một thời gian gia đình mới có cơ hội đoàn tụ. Nhằm tránh phiền phức từ chính quyền, nhà văn Sơn Nam đưa gia đình về Mỹ Tho sinh sống. Bấy giờ, đường xe lửa nối Sài Gòn với Mỹ Tho hơn 70km khá thuận tiện cho việc thăm nom nhau.

Đào Thúy Hằng là con gái đầu lòng, gần gũi và thấu hiểu cha, luôn tôn kính và tự hào về sự nghiệp của ông. Chị cũng yêu mảnh đất Mỹ Tho quê hương thứ hai, nơi gắn bó nhiều kỷ niệm với cha mẹ mình. Vì vậy, ngay sau khi nhà văn Sơn Nam qua đời ngày 13-8-2008, chị Đào Thúy Hằng cùng chồng là anh Trần Đức Nghị đã dành nhiều công sức lẫn tiền bạc tìm cách mua đất xây nhà lưu niệm, lo hương khói cho cha mình. Và một khu vườn rộng gần 2.000m2 nằm vị trí thuận lợi, thoáng mát bên bờ sông Bảo Định đã được dựng lên thành không gian văn hóa thiên nhiên sinh động, với cây cỏ xanh tươi.

Nằm giữa khu vườn, ngôi nhà mái ngói tứ giác xinh xắn được thiết kế xây dựng theo kiểu kiến trúc truyền thống Nam bộ gồm 3 gian, với vật liệu là gạch thẻ chịu lực cao, trong khi cửa chính, cửa sổ đều làm bằng gỗ gõ đỏ, khung gỗ căm xe, còn đế móng bằng đá ong. Gian giữa trong nhà dành để thờ và nghi lễ. Một gian trưng bày các tác phẩm, hiện vật của Sơn Nam. Một gian dành trưng bày các tác phẩm nghiên cứu, phê bình viết về nhà văn và hình ảnh những người liên quan đến ông.

Bên trái phía trước nhà là phù điêu đá tạc chân dung nhà văn Sơn Nam của nhà điêu khắc Nguyễn Sánh, cũng chính là người đã tạc bức tượng nhà văn Sơn Nam đặt tại phần mộ ông ở Hoa viên Chánh Phú Hòa, Bình Dương. Phía bên phải là viên đá lớn chạm thủ bút Sơn Nam chép bài thơ trong tập “Hương rừng Cà Mau”.

Sự hiếu thảo bao giờ cũng đi liền với nhân nghĩa. Vợ chồng chị Hằng - anh Nghị còn có ý tưởng thiết kế xây dựng khu vườn, ngôi nhà gắn với quê quán và những kỷ niệm mật thiết của cha mình. Vì vậy, con đường dẫn vào nhà lưu niệm đi qua sân vườn được mô phỏng theo hình bán đảo Cà Mau, gồm 82 khối đá mua từ Bình Định, tượng trưng cho tuổi thọ của nhà văn Sơn Nam, còn đường biên của mô hình là bản đồ vùng đất Nam bộ. Xa xa phía trước nhà là đồi cỏ đậu phộng hoa vàng bên dòng Bảo Định thơ mộng, cùng với khoảnh cây sú, vẹt ven sông mang hình ảnh biểu trưng cho vùng đất Cà Mau, Rạch Giá cùng những hàng tre, bần, dừa nước, ao hoa súng trắng, cầu khỉ… đặc thù Nam bộ.

Bên trong nhà lưu niệm, ngoài hàng trăm cuốn sách, hình ảnh, kỷ vật của nhà văn Sơn Nam như máy đánh chữ, đèn hột vịt, đèn bão, đầu sơn dương, đồng hồ đeo tay, mắt kiếng, thư từ… thì còn có những hình ảnh, di vật của những đồng nghiệp từng sống gắn bó nghĩa tình với tác giả của Hương rừng Cà Mau. Đó là nhà thơ Kiên Giang, bạn nối khố cùng làng với nhà văn Sơn Nam và thân thiết suốt đời nhau. Đó là nhà văn Ngọc Linh từng âm thầm trợ giúp kinh tế cho gia đình Sơn Nam khi ông bị bắt ở tù. Đó là nhà văn Bình Nguyên Lộc đã gợi ý đề tài cho ông thuở ban đầu lên Sài Gòn gia nhập làng báo làng văn. Đó là nhà sưu tập Vương Hồng Sển hào phóng cho ông mượn nhiều tài liệu để khảo cứu viết về Nam bộ. Rồi hình ảnh những nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Trang Thế Hy…, và cả những ân nhân trong đời thường như nhà giáo Đinh Công Tâm, người từ năm 1964 đã dày công sưu tập lưu giữ các tác phẩm của Sơn Nam mà sau này tặng lại cho nhà lưu niệm. Sinh thời “ông già Nam bộ” đã viết thủ bút về Đinh Công Tâm rằng “người đã thương tôi hơn tôi thương tôi”...

Có thể nói, ngôi nhà và khu vườn lưu niệm với những di sản quý giá thấm đẫm tinh thần nhân văn Sơn Nam đã trở thành địa chỉ văn hóa quan trọng của tỉnh Tiền Giang và cả Nam bộ. Đây cũng là kết tinh từ tấm lòng hiếu nghĩa của vợ chồng anh chị Đào Thúy Hằng - Trần Đức Nghị để cuộc đời và tác phẩm của cha mình tiếp tục “sống” với bạn đọc. Công trình này còn là tấm gương cho những người con người cháu soi vào để biết trân trọng di sản giá trị của cha ông lưu lại cho đời sau ngay từ trong gia đình mình.

Tin cùng chuyên mục