"Người ơn"
Thụ hưởng các chế độ như bao công nhân, nhưng “làm được gì thì làm” là đặc quyền công ty dành cho vợ chồng ông Cường. Chưa hết, vợ chồng ông còn được cấp một căn nhà nho nhỏ, đủ tiện nghi, cách chỗ làm vài bước chân. Bà Hương, vợ ông Cường, cười hiền: Tất cả đều nhờ vào người ơn của chúng tôi.
“Người ơn” đó tên là Nguyễn Ngọc Luận, giám đốc công ty.
“Ơn” có từ một tối mưa phùn năm 2013, khi anh Luận đi cùng vài người bạn, thấy ông Cường nằm đầy máu bên đường. Anh đưa ông vào Bệnh viện Quận 12, chuyển lên Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình rồi qua Bệnh viện Chợ Rẫy. “Bác sĩ báo chuẩn bị tinh thần lo hậu sự. Tôi đề nghị còn nước còn tát trong khi bà Hương chỉ biết khóc, vì không có tiền”, anh Luận nhớ lại.
May mắn, những ca phẫu thuật thành công đã đưa ông Cường trở về từ cửa tử. Vài ngày một lần, anh mang tiền đến cho bà Hương, phần đóng viện phí, phần phụ nuôi 2 đứa con của bà.
Giáp Tết 2014, anh Luận nhận cuộc gọi của bà Hương, thông báo đưa gia đình về Vĩnh Long, do không “trụ” nổi ở thành phố. Từ ngày xuất viện, ông Cường nằm một chỗ, hiếm khi nhận ra vợ con mình. Nhiều năm trước, ông đưa gia đình tha phương mưu sinh, căn nhà đơn sơ dưới quê sau khi cha mẹ mất đã nhường cho em trai. “Giờ chị về dưới tính ở đâu, làm gì sống?”, anh Luận hỏi. Nghe bên kia sụt sùi, anh chốt: “Nếu chị không chê, thì…”.
Anh sửa lại căn nhà trong mảnh vườn rộng, đón họ về Hóc Môn, mua thêm ít bánh mứt để nhà họ có cái tết vui vầy. Sau tết, anh đưa 2 đứa nhỏ về quận 6, thuê một phòng trọ cho tiện đi học.
Cũng từ đó, anh hỗ trợ bà Hương 10 triệu đồng/tháng, để chăm chồng và lo con ăn học. Bây giờ, cô con gái đã trở thành cô giáo, cậu con trai là sinh viên Trường ĐH Giao thông Vận tải. “Việc giúp người là căn tính rất đẹp của người Việt, ai trong hoàn cảnh của tôi đều làm vậy”, anh Luận khiêm tốn.
Quãng dài cưu mang một gia đình nói trên, là “chuyện bây giờ mới kể”, còn cái tên Nguyễn Ngọc Luận hẳn không còn xa lạ.
Tiên phong trong lĩnh vực cà phê nông sản mà báo chí thường “gõ cửa” để hỏi những vấn đề thị trường, chính sách, đầu tư, xuất khẩu…, anh được biết đến với cách gọi thân tình: Luận Meet More.
“Xây cầu”
Con đường đưa anh Luận đến với nông sản và thương hiệu Meet More cũng bắt đầu bằng một mối nặng lòng, khởi từ căn tính Việt. Đó là năm 2013, anh đưa bạn, chủ một doanh nghiệp Hàn Quốc, tham quan khắp Việt Nam. Lúc dừng chân ở tỉnh Bình Thuận, vừa trầm trồ trước những vườn thanh long rực đỏ, họ khựng lại khi thấy nhiều con đường cũng rực đỏ bởi thanh long… thối rữa, chất đống.
“Được mùa mất giá, cần cách nào đó để tụi tui an tâm sống trên mảnh vườn nhà mình”, một nông dân gửi gắm. Người bạn chậc lưỡi: “Hàn Quốc không được thiên nhiên ưu đãi, nhưng chỉ với sâm và nước gạo đã làm nên thương hiệu một quốc gia, trong khi Việt Nam cây trái trù phú, lại chỉ dừng là nguồn cung thô, giá rẻ cho nhiều nước hoặc gắn với 2 từ - giải cứu”.
Lời người bạn, cùng nỗi niềm trao gửi của nông dân nọ dấy lên trong anh bao tâm tư trong giấc mơ xây dựng một “chiếc cầu” - đầu ra ổn định cho nông sản Việt. Anh bắt tay nghiên cứu, thử nghiệm thành công dòng nước ép trái cây, nhưng sớm thấy sản phẩm này… bình thường.
“Thế giới cần biết một nước Việt trù phú nông sản, nhưng đó phải là sản phẩm giá trị cao gắn với nhu cầu tiêu dùng”, nghĩ vậy, anh lại rong ruổi khắp vùng miền để tìm câu trả lời.
Khi đáp án được tìm thấy trong ly cà phê đã gần như nhu cầu hàng ngày của người Việt và đất nước có sản lượng xuất khẩu thô thứ 2 thế giới nhưng lại ít được biết đến với các sản phẩm từ cà phê, thì ý tưởng “cà phê trái cây” - dù táo bạo, song giải được bài toán bền vững cho nông dân cũng như “giá trị cao” mà anh ấp ủ.
Mang dự án tâm huyết “Cà phê nông sản Meet More” đi gặp nông dân, anh thêm quyết tâm khi đón nhận niềm vui từ ánh mắt của họ. Năm 2019, hàng loạt gói cà phê vị dừa, khoai môn, xoài, bạc hà, muối… được tung ra thị trường... nhưng thất bại. Người Việt không quen với thứ vị cà phê chưa đủ “nặng”, trong khi trái cây cũng không ra… trái cây!
Từng đi qua nhiều nước, hiểu rằng ít nơi người dân uống cà phê đậm vị như Việt Nam, và cha đẻ của PhinDeli (anh Phạm Đình Nguyên) cũng đã từng mua một thị trấn ở Mỹ làm thương hiệu trước khi quay trở về giới thiệu sản phẩm ở “sân nhà”, anh Luận bắt đầu cuộc chuyển hướng. Mang thiết bị làm cà phê trái cây, anh đi khắp châu Âu và một vài quốc gia châu Á để quảng bá sản phẩm.
Khát vọng thương hiệu Việt
Tháng ngày “xây cầu” đưa nông sản ra thế giới, anh gặp nhiều trở ngại do đại dịch Covid-19. Nhưng khó khăn hơn thảy với một doanh nhân sống ở Australia, chọn khởi nghiệp ở Việt Nam và “mang chuông đánh xứ người”, là gặp ngay sự phản đối trong quan niệm hàng Việt Nam thường kém chất lượng.
“Chúng tôi không dùng thứ “độc hại” này trong khi hàng Mỹ, Australia, Nhật đầy siêu thị”, những câu nói đầy… sát thương như thế khiến anh rất tủi thân. Nhưng không nản lòng, nhất là khi anh nhận ra phép giải của định kiến là đầu tiên, người ta phải dùng sản phẩm trước khi có một phán xét nào.
“Tôi chịu đựng mọi chê bai, sau đó cố thuyết phục họ dùng. Rồi, một lời khen dẫn hàng trăm người tin dùng. Trong niềm vui của mình, tôi nhớ những nông dân Việt Nam và kiên định với con đường đã chọn”, anh Luận bồi hồi, nói thêm điều anh không thể quên là người Việt dù ở đâu trên thế giới, trong sâu thẳm, nền tảng căn tính là tình dân tộc, nghĩa đồng bào vẫn khiến trái tim họ chung nhịp đập: mong sản phẩm quê nhà sánh ngang những mặt hàng cao cấp của thế giới.
Chính họ, từ những nhận định công tâm hơn, góp phần làm cầu nối đưa Meet More đến người dùng nước sở tại. Meet More hiện xuất khẩu ổn định đến hơn 10 quốc gia, đón nhiều đoàn chuyên gia từ các nước về tận xưởng tại Hóc Môn để tìm hiểu quy trình sản xuất.
Cũng như PhinDeli, trong 2 năm qua, anh Luận trở lại với “chiến lược” chinh phục “sân nhà”, bởi theo anh, “muốn đưa sản phẩm Việt ra khỏi đất Việt một cách bền vững, xa hơn, sản phẩm đó phải được những người con của Việt Nam ủng hộ”.
Với “giá đỡ” là Nghị quyết 919 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025, anh có một niềm tin sâu sắc rằng, bản sắc căn tính người Việt Nam luôn không ngừng khơi tâm hồn, quyện sức mạnh và trí tuệ để chung tay xây thương hiệu Việt cho đất nước vươn xa.
Với niềm tin ấy, ngoài các hoạt động quảng bá riêng, anh mang sản phẩm tham gia các chương trình kết nối giao thương do UBND TPHCM tổ chức. Năm 2023, tất cả mặt hàng Meet More được công nhận là sản phẩm OCOP cấp 4 sao, trở thành bước đệm để thâm nhập sâu hơn thị trường nội địa và “thêm cánh” vào thị trường thế giới.
Ngày 24-12, cùng 17 tổ chức và 22 cá nhân, anh Luận là kiều bào được vinh danh “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” lần thứ 6-2024.
Không chỉ tạo việc làm ổn định cho nhiều người dân Hóc Môn (TPHCM) có gia cảnh khó khăn, mà trong đại dịch Covid-19, anh còn dành hơn 1 tỷ đồng cùng chính quyền chăm lo cho bà con.
Mới đây, anh vận động thành công nhiều gia đình cùng mình hiến đất, biến đường rạch Ông Đẽo đầy rác, cỏ um tùm, thành con đường khang trang, ánh điện sáng trưng với vài khuôn viên nhỏ cho người dân làm chỗ vui chơi, sinh hoạt.