Vẽ để hồi phục niềm vui sống

Có một lớp vẽ đặc biệt, mở cửa miễn phí 11 năm qua tại Bệnh viện An Bình (TPHCM) dành cho người bệnh đột quỵ, chấn thương sọ não… Họ đến đây không chỉ để phục hồi giao tiếp, vận động mà còn để tìm lại sự tự tin, niềm vui sống, cảm thấy không tuyệt vọng và đơn độc trước biến cố cuộc đời.

Phải giữ lớp vẽ

Mỗi 9 giờ sáng thứ sáu, Khoa Phục hồi Chức năng của Bệnh viện (BV) An Bình tại lầu 3 lại đông vui. Đầy màu sắc, tranh mẫu, giấy bút chuẩn bị sẵn trên một dãy bàn lớn. Những người bệnh tham gia vẽ đến từ Cần Thơ, Bạc Liêu, không ít người ở tận Bình Định, Phú Yên…

Lớp học này được TS Lê Khánh Điền, Trưởng Khoa Phục hồi chức năng của BV An Bình, mở năm 2013, với mục đích dùng hội họa như một phần của chương trình can thiệp toàn diện. Ông cho biết, khoảng 20 năm về trước, ngành y tế có quan điểm rằng việc cứu sống người bệnh là quan trọng nhất. Gần đây, quan tâm hơn đến chất lượng cuộc sống người bệnh sau khi được cứu.

“Các BV trong nước đã phát triển mạnh mảng phục hồi vận động (vật lý trị liệu), nhưng trị liệu ngôn ngữ và hoạt động trị liệu (can thiệp về trí nhớ, nhận thức, giúp các hoạt động hàng ngày trở lại bình thường) thì rất ít. Với những người đột quỵ, việc nuốt được 1 muỗng cơm, đi 1 bước cũng là một thành quả lớn”, TS Lê Khánh Điền chia sẻ.

CN4 ghi chep.jpg
Lớp vẽ tổ chức mỗi sáng thứ sáu, miễn phí cho người bệnh từ khắp nơi

Biết được mô hình dùng mỹ thuật để phục hồi chức năng cho người bệnh trong chuyến du học Australia, TS Lê Khánh Điền quyết định đem mô hình này về Việt Nam. Thầy thuốc không thể dạy vẽ, nên những ngày đầu, ông nhờ các họa sĩ giúp đỡ. Tuy nhiên, do chương trình miễn phí nên các họa sĩ không giúp được.

Ông chuyển sang tìm trên mạng, xem trường nào có khoa mỹ thuật và bắt đầu tiếp cận Trường Đại học Sài Gòn, nơi gần BV nhất. Ông trao đổi với thầy trưởng khoa Mỹ thuật lúc đó, được thầy tán thành ngay. Vài tuần sau, các sinh viên Trường Đại học Sài Gòn đã đến giúp lớp vẽ như một hoạt động tình nguyện.

Lớp dạy vẽ duy trì được 8 năm thì dịch Covid-19 ập đến. BV An Bình lúc này trở thành BV dã chiến, lớp phải đóng cửa. Đến cuối năm 2022, cuộc sống trở lại bình thường, BV cố gắng mở lại lớp nhưng lại gặp nhiều khó khăn về nhân sự.

TS Lê Khánh Điền đã tìm đến Trường Đại học Kiến trúc TPHCM, gặp thầy hiệu phó trình bày về tình hình lớp. Thấy hoạt động có ý nghĩa, thầy đồng ý và từ đó đội ngũ hướng dẫn lớp có thêm sinh viên kiến trúc. Các bạn trẻ nhiệt tình và gắn bó với người bệnh đến mức có em ra trường, đi làm nhưng người bệnh vẫn nhớ, hỏi thăm.

Vừa ổn định người dạy, lại khó người học khi nhiều người bệnh... sợ BV. TS Lê Khánh Điền nhớ lại: Khi đó mới hết dịch, nhiều người vẫn ám ảnh BV, nhất là người bệnh vốn có sức khỏe yếu. Đã thế, nhiều người còn tâm lý chán nản, kiểu “chồng tôi đi không được, tay phải không cử động, nói không được, cả đời chưa bao giờ vẽ, vẽ cái gì?!”. Thế nên phải đến hơn nửa năm sau, lớp mới đông dần lên...

Giờ đây, dọc các bức tường nơi dẫn vào Khoa Phục hồi chức năng treo đầy những bức tranh tươi sáng của người bệnh, minh chứng cho những cuộc đời được phục hồi kỳ diệu.

Trị liệu vui lắm!

Niềm vui khiến học vẽ trở thành cách “tập luyện như không tập luyện”. Việc tham gia vẽ khiến cả 2 bán cầu não người bệnh đều hoạt động: Não phải đảm nhận sáng tạo trong phối màu, tạo hình; Não trái đảm nhận việc lý luận, ngôn ngữ, logic thể hiện qua việc chọn dụng cụ phù hợp, cử động tay, điều chỉnh tư thế.

Mô hình học theo nhóm cũng tạo nên không khí nhẹ nhàng, đông vui, những người bệnh không quen nhau bắt đầu trao đổi, góp ý: “Anh vẽ gì vậy?”, “Sao anh pha được màu ấy?”, “Anh mới đến ngày đầu à?”... Cứ như vậy, họ quên đi khó khăn của một “ca trị liệu”, việc phục hồi ngôn ngữ (nghe, hiểu, tìm từ diễn đạt…) dễ dàng hơn rất nhiều.

Họa cụ ở đây được một nhà hảo tâm tài trợ hoàn toàn hơn 11 năm, như cách tỏ lòng biết ơn các bác sĩ BV An Bình đã cứu chữa thành công mẹ của chị. Anh H.Đ.T. (sinh năm 1963, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM, bị xuất huyết não, di chứng liệt nửa người) từng là giáo viên cấp 3, gặp biến cố, nghỉ hưu sớm.

Tham gia lớp vẽ đều đặn 2 năm qua, anh chia sẻ: “Lúc trước mình nằm một chỗ, cái gì cũng phải nhờ người khác. Điều trị kết hợp đi vẽ, tập từ từ, hoàn thành được bức tranh thấy thoải mái, hạnh phúc lắm, không vô dụng như trước”.

Không nhớ mình bị đột quỵ khi nào, chỉ nhớ tham gia lớp vẽ được 5 năm, anh N.T.D. (sinh năm 1972, ngụ quận 5, TPHCM) ban đầu mất khả năng ngôn ngữ, không thể nghe hiểu, không thể nói. Kiên trì đến nay, anh đã tự mình bắt xe buýt đến lớp vẽ mỗi tuần. Giờ đây, chưa thể diễn đạt lời nói nhanh nhạy, nhưng tinh thần anh lạc quan hơn trước.

Anh hào hứng: “Đi vẽ vui lắm. Thứ năm học thư pháp; thứ sáu học vẽ, đều ở đây. Nhờ không khí vui vẻ, yêu đời nên tôi nói nhiều hơn, nói tốt hơn”.

“Tôi nhớ hoài một bác lớn tuổi, đầy nghị lực, mỗi tuần bắt xe từ TP Vũng Tàu đến đây vẽ trong hơn chục năm qua. Hoặc có hai cha con từ TP Biên Hòa, dậy từ 5-6 giờ sáng, mua gói xôi, đón xe buýt tới lớp 3 năm nay. Rồi có anh này liệt nửa người trái, anh kia liệt nửa người phải, đi vẽ rồi quen thân nhau, nắm tay nhau về. Nhờ đó họ thay đổi, vui vẻ, ca hát, đỡ trầm cảm, tự tin hơn… Vì vậy, dù gặp đủ thứ khó khăn bủa vây, chúng tôi vẫn ráng giữ lớp vẽ này. Ở góc độ mỹ thuật, không thể gọi là chuyên nghiệp, nhưng những bức tranh này thể hiện ý chí đấu tranh, chiến thắng hoàn cảnh của bệnh nhân”, TS Lê Khánh Điền bộc bạch.

Tin cùng chuyên mục