Tôi và nhà thơ Nguyễn Trọng Tín đã về Đất Mũi nhiều lần, nhưng lần nào cũng trào dâng những cảm xúc. Đây là đất thiêng của Tổ quốc. Nơi mà nhà thơ Xuân Diệu đã viết: Tổ quốc tôi như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau… và nhà văn Nguyễn Tuân thì viết Mũi Cà Mau “như ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm”. Vâng! Đã bao trăm năm, bao ngàn năm rồi Mũi Cà Mau vẫn cần mẫn bồi đắp phù sa, trở thành biểu tượng vươn ra biển cho Tổ quốc rộng dài.
Ban Quản lý Khu di tích Đất Mũi bố trí cho chúng tôi thăm rừng đước, thăm bãi bồi bằng một chiếc ghe máy. Chúng tôi len lỏi trong những xẻo, những kinh rạch ngoằn ngoèo đặc thù của rừng đước. Rừng đước mở ra trong tầm mắt dày đặc, che kín mặt trời và trùng trùng, điệp điệp. Đây là rừng quốc gia Mũi Cà Mau. Năm 2010, Mũi Cà Mau được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Khu dự trữ sinh quyển có diện tích hơn 370.000ha, với rừng lõi chủ yếu là rừng ngập mặn. Rừng ngập mặn Mũi Cà Mau tập trung chủ yếu ở huyện Ngọc Hiển kéo dài xuống Mũi Cà Mau. Nó quý hiếm và lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau rừng cửa sông Amazon của Nam Mỹ.
Chúng tôi được đưa ra bãi bồi, để tận mắt nhìn ngắm một vùng đất ven biển ngàn năm cần mẫn vun bồi cho đất mẹ rộng dài thêm và cái nẻo đất chót cùng của đất nước. Sau lưng chúng tôi rừng điệp trùng tiếp tục đi về phía biển, đầu tiên là cây mắm đi tiên phong, sau đó thì cây đước mọc thêm ra để giữ đất biển bồi. Tôi xúc động, đưa tay vốc một vốc nước đục ngầu phù sa rửa mặt, tôi nghe mát mặt mà trong lòng thì ấm tình đất nước.
Phía trước mặt chúng tôi là biển bao la. Đây là một vùng biển cũng vô cùng đặc biệt. Từ Đất Mũi mà nhìn, chúng ta sẽ thấy được biển Đông và biển Tây. Ở đó nhô lên Hòn Khoai và Hòn Chuối khá rộng lớn của Việt Nam. Hai hòn này đang mang một vị thế chiến lược của vận tải biển khi các nước Đông Nam Á (đặc biệt là Thái Lan) đang dự tính làm một cảng biển giống như cảng biển Singapore và nó rút ngắn đường vận chuyển từ Âu sang Á lên đến hơn 1.000km.
Đến với Mũi Cà Mau là đến với một quần thể di tích lịch sử, thiên nhiên. Đó là di tích quốc gia cột mốc cuối cùng của đường Hồ Chí Minh trên bộ mang ký hiệu: 2436. Gần bên cột mốc được xây dựng rất nhiều công trình đồ sộ. Đó là hệ thống bờ kè, biểu tượng chiếc thuyền vươn ra biển của Mũi Cà Mau. Ở đây còn có một công trình tạo dấu ấn cho du khách, là cột mốc cuối cùng tọa độ quốc gia, số hiệu G350001. Cột mốc nằm trong một khuôn viên đẹp, có hoa cảnh và các biểu tượng của sản vật Mũi Cà Mau như: cua biển, ốc len, cá thòi lòi…
Điểm nhấn trong Khu công viên Văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau là cột cờ Cà Mau. Đây là một công trình hoành tráng, ngang tầm với cột cờ Lũng Cú, Hà Giang. Nó thể hiện chủ quyền biển đảo và sự thống nhất đất nước từ Lũng Cú đến Mũi Cà Mau. Cột cờ cao hơn 40m. Từ biển Đông, biển Tây nhìn vào, ta thấy lá cờ Tổ quốc tung bay ngạo nghễ ở miền cuối đất. Cột cờ còn có một cái tên khác là cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau, vì kinh phí đầu tư 149 tỷ đồng do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội trao tặng. Cột cờ Cà Mau phỏng theo mô hình cột cờ Hà Nội, là biểu tượng kiêu hãnh, là niềm tự hào của Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước trong suốt chiều dài lịch sử. Là biểu tượng của ý chí tự cường, truyền thống của văn hóa không chỉ trong lòng Hà Nội mà của cả dân tộc Việt Nam. Cột cờ Hà Nội là một kiến trúc tiêu biểu trong khu Hoàng thành Thăng Long, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Việc xây dựng cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau là thể hiện tấm lòng của Thủ đô Hà Nội với Cà Mau, của cả nước với Cà Mau. Tháng 11-2019, Cà Mau tổ chức khánh thành cột cờ Hà Nội kết hợp với việc tổ chức Tuần Văn hóa Du lịch. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về dự. Cùng lúc này, Cà Mau khánh thành Tượng đài Mẹ Âu Cơ và Đền thờ Cha Lạc Long Quân tại Khu công viên Văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau. Đoàn chúng tôi đến thắp nhang đền thờ, lòng cứ bùi ngùi nhớ đến truyền thống lên rừng, xuống biển để giữ gìn bờ cõi của con dân nước Việt.
Đi về Mũi Cà Mau, vùng địa đầu ở cực Nam Tổ quốc là chúng tôi đi xuyên qua vùng đất Cà Mau. Đó là một miền đất của rất nhiều giai thoại, những câu chuyện hào hùng về những con người Đất Mũi làm nên những chiến công oanh liệt với những trang sử ghi dấu ấn: Bến Vàm Lũng, điểm cuối đường vận chuyển Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển; Di tích lịch sử Hòn Khoai với sự tích nhà giáo, nhà văn, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Ngọc Hiển đánh Tây; di tích Hồng Anh Thư Quán; căn cứ làng rừng U Minh… Những di tích đã dệt nên một truyền thống hào hùng của người Cà Mau đi mở cõi và đấu tranh với ngoại bang để giữ gìn độc lập dân tộc.
Là điểm dừng chân cuối cùng của người Việt đi mở cõi, Cà Mau ẩn chứa bên trong cả một di sản sông nước với cảnh quan hoang sơ tuyệt đẹp và một đời sống hào sảng, thủy chung, son sắc; cùng những lễ hội đậm chất bản địa như: Lễ hội Nghinh Ông, lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu… Trong quá trình khai mở, xây dựng và phát triển, người Cà Mau cũng sáng tạo những sản phẩm đặc trưng của vùng đất như: Chiếu Tân Thành, than đước Năm Căn, ba khía Rạch Gốc, đũa đước Năm Căn. Cà Mau, ngoài rừng đước còn có rừng tràm U Minh với những sản vật đặc trưng của nó như: trăn, rắn, rùa, nai, khỉ, heo rừng, cá. Chính vì thế mà Cà Mau và Đất Mũi luôn là miền đất đầy hấp dẫn của du lịch, nhất là du lịch sinh thái. Năm 2018 Cà Mau đón nhận hơn 1,4 triệu khách du lịch về thăm, tăng hơn 16% so với năm 2017. Năm 2019 tăng 17%, tiếp tục năm 2020 khách đến Cà Mau cũng tăng lên như thế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho Cà Mau. Đi về Cà Mau lần này tôi cũng cảm thấy Cà Mau luôn thay đổi, trong lòng tin tưởng rằng cái trụ cầu ở cực Nam này ngày thêm vững chắc. Năm 2020, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Đất nước ta chưa bao giờ vững chắc như hôm nay.
Trước đó, tôi đã có dịp về thăm Lũng Cú, vùng cực Bắc của Tổ quốc. Vậy là mùa xuân này tôi đã có dịp đứng trên cột cờ Lũng Cú và cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau, hai miền địa đầu của đất nước. Tôi liên tưởng nó như hai trụ cầu vững chắc, cho đất nước ta ngày thêm vươn tới, để bước vào mùa xuân mới rất tươi đẹp.