Về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM: Giao quyền tự chủ, khơi thông nguồn lực

LTS: TPHCM đang tập trung tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và 5 năm thí điểm Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Về vấn đề này, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã có những ý kiến tâm huyết, đề xuất những nội dung cụ thể về Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54. Báo SGGP xin giới thiệu ý kiến của PGS-TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM và các chuyên gia về vấn đề này.

TPHCM cần được tạo điều kiện đầu tư, khơi thông nguồn lực trong đầu tư phát triển con người, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo đột phá cho phát triển nhanh, bền vững. Đặc biệt là được trao quyền chủ động trong quy hoạch, khai thác hoặc bán tài sản công trên địa bàn; được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tổ chức bộ máy.

Hài hòa lợi ích, lấy TPHCM làm đòn bẩy

Cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội đã được đề xuất trong bối cảnh cải cách thể chế đang tiến hành đồng bộ trên phạm vi rộng. Tuy nhiên, tốc độ cải cách thể chế bao gồm xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung các bộ luật và các văn bản quy phạm pháp luật có lúc, có chỗ còn chậm hơn so với yêu cầu thực tiễn phát triển của TPHCM. Đặc biệt là trong bối cảnh địa chính trị, dịch bệnh diễn biến phức tạp, công nghệ, nhất là công nghệ số diễn ra mạnh mẽ.

Việc xây dựng cơ chế đặc thù hướng đến hình thành hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ linh hoạt để tháo gỡ các nút thắt, các điểm nghẽn, giải phóng tất cả nguồn lực, phục vụ cho sự phát triển nhanh, bền vững của thành phố. Đó còn là để TPHCM thực sự làm đầu tàu của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước.

Ngoài ra, cơ chế đặc thù phải đảm bảo nguyên tắc hài hòa giữa lợi ích quốc gia và lợi ích của TPHCM, trong đó lấy tốc độ phát triển của thành phố làm đòn bẩy. Thực tế cho thấy, TPHCM đóng góp vào kinh tế, ngân sách lớn nhất cả nước. Điều đó có nghĩa là, TPHCM phát triển nhanh thì sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển chung của vùng và của cả nước.

Về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM: Giao quyền tự chủ, khơi thông nguồn lực ảnh 1 TPHCM cần thêm nguồn lực để giải quyết tốt bài toán kẹt xe, ngập nước. Trong ảnh: Ùn ứ xe cộ trên quốc lộ 13 đoạn qua TP Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG HÙNG

TPHCM có lợi thế cạnh tranh là khung pháp lý ổn định, thủ tục hành chính liên tục được cải tiến theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. Các chính sách xã hội như chăm lo giáo dục, y tế, nhà ở, giải quyết việc làm cho người có thu nhập thấp, lao động nhập cư… cũng luôn được lãnh đạo TPHCM quan tâm thực hiện, nhằm đảm bảo sự công bằng xã hội.

Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Về định hướng phát triển của TPHCM ở giai đoạn tới, cần tập trung vào kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế dịch vụ, logictics… Trong đó, TPHCM cần đặc biệt chú trọng đến nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ khoa học công nghệ tiên tiến và năng lực đổi mới sáng tạo, tạo động lực phát triển. Điều đó đòi hỏi các lĩnh vực trọng yếu ở TPHCM cần được tạo điều kiện đầu tư, khơi thông nguồn lực.

Trước tiên là phát triển con người. Trong nhiệm vụ này, chúng ta cần quan tâm, có sự đầu tư đúng mức cho công tác đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế dịch vụ, logictics…

Cùng với đó là việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý (từ cấp phường, quận và các sở  ngành) để nâng cao năng suất lao động cũng như chất lượng, hiệu quả trong mọi hoạt động sản xuất, dịch vụ. Đồng thời, củng cố đội ngũ bác sĩ, y tá để phục vụ tốt nhất công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân TPHCM nói riêng và người dân vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ nói chung.

Cùng với đó là việc đầu tư phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, để khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực, là một trong các đột phá chiến lược quan trọng nhất tiến tới phát triển nhanh, bền vững. Chúng ta có thể tham khảo, năm 2020, TP Thượng Hải (Trung Quốc) đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, đạt 4.195% tính theo GRDP.

Ở nội dung này, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế; lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo”.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa là thực hiện cải cách thể chế, các chính sách xã hội. Trong đó là thực hiện đầu tư xây dựng TPHCM thông minh để cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, nhanh chóng và tiện lợi. Đồng thời, xây dựng thêm hệ thống trường học, bệnh viện, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, lao động nhập cư.

Song song đó, đầu tư xây dựng, cải tạo, mở rộng hệ thống hạ tầng của TPHCM gồm: hệ thống đường bộ, cảng, sân bay có tính đến yếu tố kết nối vùng; xây dựng hạ tầng số và hạ tầng khoa học công nghệ để thực hiện chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ, xây dựng khu đô thị thông minh, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm tài chính, khu công nghệ cao mới…

Đặc biệt là TPHCM cần được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quy hoạch, vận hành, khai thác hoặc bán các tài sản công trên địa bàn và trích nộp ngân ngân sách về Trung ương theo tỷ lệ quy định. Trong đó, TPHCM tiếp tục được hưởng 50% tiền bán đấu giá tài sản công của cơ quan Trung ương trên địa bàn.

Song song đó là giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho TPHCM trong tổ chức bộ máy bao gồm việc thí điểm thành lập các đơn vị mới theo yêu cầu thực tiễn, thí điểm xây dựng đề án vị trí việc làm, tuyển dụng, đánh giá, bổ nhiệm viên chức, công chức và cán bộ quản lý.

Tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM



TPHCM cần tiếp tục kiến nghị Bộ Chính trị chấp thuận chủ trương tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố giai đoạn 2022-2025 là 23%, giai đoạn 2026-2030 là 26%.

Để đảm bảo thuyết phục, TPHCM cần xây dựng thuyết minh mang tính khoa học và thực tiễn cho đề xuất này, trong đó quan tâm đến tỷ lệ phần trăm được giữ lại phục vụ đầu tư phát triển một số lĩnh vực trọng yếu.

Trong thuyết minh cũng cần dự báo một cách khoa học cùng cam kết của TPHCM về mức độ tăng trưởng của ngân sách thành phố trong 5 năm, 10 năm tới. Đặc biệt là thuyết minh giá trị tuyệt đối về ngân sách mà TPHCM sẽ đóng góp lại cho cả nước nếu được chấp thuận cơ chế đặc thù.


* PGS-TS ĐOÀN THỊ PHƯƠNG DIỆP, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM):


Không thể đạt kỳ vọng nếu không tháo gỡ

Việc tổng kết Nghị quyết 54, đề xuất nghị quyết mới thay thế nhằm giúp TPHCM phát triển, mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội, phát huy vai trò đầu tàu của thành phố. 

Tuy nhiên, tôi nhận thấy, TPHCM cần phải tập trung làm rõ hơn, trình bày thuyết phục hơn về những bức xúc gặp phải khi triển khai Nghị quyết 54. Chẳng hạn, chỉ tiêu biên chế được giao cho TPHCM hoàn toàn không thể đáp ứng được.

Nếu áp dụng đúng chỉ tiêu biên chế trung ương giao thì không làm được gì. Nghị quyết cần phải làm rõ được bức xúc này, đồng thời nhấn mạnh quan điểm, TPHCM không thể phát triển đạt như kỳ vọng trung ương giao, nếu như trung ương không tháo gỡ, đáp ứng những vấn đề thực tiễn TPHCM đang đặt ra. 

* PGS-TS TRẦN MAI ƯỚC, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM:

Chuyển từ đặc thù sang đặc biệt

TPHCM là thành phố trực thuộc trung ương, thuộc loại đô thị đặc biệt của Việt Nam. Để phát huy hơn nữa vị trí, vai trò đặc biệt của mình, cần xem xét để nghiên cứu xây dựng Luật Đô thị đặc biệt để TPHCM giải quyết nhiều vướng mắc đang đặt ra.

Luật Đô thị đặc biệt phải thông qua các cơ chế, chính sách vượt trội cho TPHCM, xứng đáng với vị trí, vai trò của thành phố, giải quyết được các bất cập, chồng chéo giữa các luật, cơ chế, chính sách. Cùng với đó, cả nhận thức và hành động cần được tiếp cận theo nguyên tắc: chuyển từ đặc thù sang đặc biệt.

MAI HOA ghi

Tin cùng chuyên mục