Về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM: Cần một nghị quyết mới mang tầm chiến lược

Nghị quyết 54 dù đã mang đến một luồng gió mới cho TPHCM, nhưng do nhiều nguyên nhân, nên sau hơn 4 năm triển khai thực hiện kết quả chưa đạt như kỳ vọng. Lúc này, TPHCM đang rất cần một cơ chế chính sách đặc thù mới để phát triển đúng tầm. 

“Đầu tàu” đang chậm lại

Theo GS-TS Nguyễn Thị Cành, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM), năm 2019, dân số TPHCM - chưa tính dân vãng lai - là khoảng 9 triệu người. TPHCM có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước nhưng 2-3 năm trở lại đây, do tác động nặng nề bởi dịch Covid-19 khiến kinh tế thành phố đi xuống. Nếu như năm 2015, GRDP của TPHCM đạt 21,92% so với GDP cả nước, năm 2017 đạt 22,27%, thì đến năm 2020 chỉ còn 21,8%, và năm 2021 là 20,12%. Về tỷ trọng thu ngân sách trên địa bàn, năm 2016 TPHCM đóng góp tới 30,49% ngân sách quốc gia, nhưng 2 năm trở lại đây chỉ còn hơn 24%.

Cán bộ UBND quận 3 (TPHCM) đang giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân
Ảnh: VIỆT DŨNG
“Kinh tế TPHCM đang đi xuống với nhiều chỉ số”, GS-TS Nguyễn Thị Cành nhấn mạnh. Bà cho biết thêm, năm 2015, tỷ trọng xuất khẩu của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chiếm 53,51% và TPHCM chiếm 16,77% trong cả nước, nhưng đến năm 2021 tỷ lệ này giảm chỉ còn 36,62% và 13,05%. Sự sụt giảm cũng diễn ra ở chỉ số tỷ trọng vốn đầu tư xã hội của vùng và TPHCM so với cả nước. 

GS-TS Nguyễn Thị Cành cho rằng, TPHCM cần kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 để tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM trong giai đoạn tới, với tư cách là hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 

Trong khi đó, theo Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, trong điều kiện địa chính trị hiện nay, cùng với xung đột, bất ổn trên thế giới, TPHCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải là hậu phương lớn, đảm bảo an ninh kinh tế của cả nước. Một trong những vấn đề mà ông Trương Trọng Nghĩa đặt ra là cần xem lại khái niệm “đầu tàu TPHCM”. Ở đó, theo ông Trương Trọng Nghĩa, phải khẳng định TPHCM là đầu tàu dịch vụ, đầu tàu kinh tế hậu dịch vụ, còn kinh tế công nghiệp sẽ phát triển ở các địa bàn xung quanh. Do đó, TPHCM phải phát triển theo hướng kinh tế sáng tạo, kinh tế số, với thế mạnh nhân lực chất lượng cao, có khả năng thu hút mạnh mẽ nguồn nhân lực chất lượng cao. 

“Việc điều tiết tỷ lệ ngân sách để lại cho TPHCM từ 18% lên 21% hay 23% để gia tăng ngân sách chỉ là một vế. Một điều quan trọng nữa là tính lan tỏa, dẫn dắt của TPHCM đối với vùng và các địa bàn lân cận”, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh. Ông khẳng định, TPHCM phát triển đúng hướng mới làm tốt được vai trò “đầu tàu” của mình. Để làm được điều này, TPHCM phải có thẩm quyền tự quản cao hơn các địa phương khác về nhiều mặt, tương xứng với đóng góp của mình. 

“Chiếc áo” vẫn chật

Theo nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo, nhiều năm qua, cơ chế đặc thù cho TPHCM luôn được đặt ra, bởi trong thực tế, cơ chế quản lý với TPHCM chưa phù hợp tính chất và đặc điểm của một đô thị đặc biệt. Mặc dù TPHCM đã được trung ương xem xét có cơ chế đặc thù, nhưng “chiếc áo” vẫn chật so với đòi hỏi của thực tiễn. Trong khi đó, cơ chế chính sách phù hợp được xem là “bà đỡ” cho tăng tốc phát triển.

Đồng chí Phạm Phương Thảo nhận xét, tốc độ tăng trưởng của TPHCM gần đây chậm lại, một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng phần quan trọng là do còn nhiều điểm nghẽn chưa được tháo gỡ, như thể chế, hạ tầng, thiếu nguồn lực… Khi có thể chế, chính sách phù hợp, TPHCM có điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, trong đó có những nhà đầu tư chiến lược, tầm cỡ. Khi tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TPHCM ở mức hợp lý thì tình hình ngập nước, kẹt xe sẽ sớm được giải quyết. Năm 2022, tỷ lệ điều tiết ngân sách tăng từ 18% lên 21%, trong khi năm 2003 tỷ lệ này đã là 33%. Các thành phố lớn trên thế giới có tỷ lệ giữ lại tới 46%, thấp nhất cũng là 33%.

Cũng theo đồng chí Phạm Phương Thảo, về lâu dài, cần nghiên cứu xây dựng Luật Đô thị, trong đó có chương quy định về đô thị đặc biệt như TPHCM và Hà Nội, tránh trường hợp có quá nhiều cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, trong bối cảnh sửa đổi, bổ sung luật mất nhiều thời gian và yêu cầu phát triển là cấp bách, thì một văn bản quy phạm như nghị quyết là phù hợp. 

Còn theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, các cơ chế quản lý đất đai, đầu tư, quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, chính sách thu nhập cũng như thu hút nhân tài theo Nghị quyết 54 là khá thông thoáng. Nếu được triển khai một cách đầy đủ thì sẽ tạo được động lực tăng trưởng mới cho TPHCM. Tuy nhiên trong thực tế, việc triển khai các nội dung theo Nghị quyết 54 thời gian qua mới chỉ đạt kết quả ở mức khá khiêm tốn, chưa được như kỳ vọng. 

Nhằm tạo điều kiện cho TPHCM tiếp tục phát triển, PGS-TS Trần Hoàng Ngân đề xuất TPHCM kiến nghị Quốc hội sớm ban hành một nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, để các vấn đề đã được thể chế hóa trong Nghị quyết 54 không bị gián đoạn. Nghị quyết mới cần đảm bảo kế thừa, tiếp tục các nội dung Nghị quyết 54 còn giá trị nhưng thời gian qua chưa thực hiện được. Đồng thời bổ sung các nội dung để quản lý nhà nước đối với đô thị đặc biệt, cho đến khi Luật Đô thị đặc biệt được ban hành. Nghị quyết mới với hành lang pháp lý mạnh mẽ, cơ chế thực hiện triệt để hơn chính là điều TPHCM cần để bung sức phát triển lúc này.

________________
PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN 
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM:

Trao quyền chủ động bố trí ngân sách

Ngoài những nội dung đã có trong Nghị quyết 54, trong nghị quyết mới cần cho phép TPHCM được chủ động trong bố trí ngân sách địa phương để chi đầu tư phát triển trong kế hoạch đầu tư công ngắn hạn và trung hạn, giảm các thủ tục để đẩy nhanh việc xây dựng các công trình công cộng, di dời nhà ở trên kênh rạch, cải tạo các chung cư cũ đã xuống cấp.
Trong lĩnh vực quản lý đô thị - môi trường, cần cho phép UBND TPHCM phê duyệt điều chỉnh cục bộ các đồ án quy hoạch chung đô thị thành phố, quy hoạch khu đô thị mới, khu kinh tế, khu công nghiệp mà trước đây thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, nhằm rút ngắn thời gian làm hồ sơ, thủ tục. Ngoài ra, nghị quyết mới cần giao cho TPHCM thẩm quyền xử lý các vấn đề liên quan đến điều chỉnh việc chuyển đổi mục đích xây dựng nhà ở tái định cư sang nhà ở xã hội hoặc nhà ở thương mại và ngược lại. Điều này sẽ giúp TPHCM có cơ chế linh hoạt để tạo ra quỹ đất, quỹ nhà ở nhiều hơn, nhằm giải quyết hiệu quả bài toán nhà ở đang rất bức bách đối với cư dân đô thị.

TS NGUYỄN THÀNH NAM
Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở - Học viện Cán bộ TPHCM:

Phân cấp quản lý mạnh mẽ hơn

TPHCM cần một nghị quyết mới có tầm chiến lược, không chỉ tạo cơ sở pháp lý, nền tảng kinh tế - xã hội thúc đẩy sự bứt phá đến năm 2025, mà còn ở tầm nhìn xa hơn là năm 2030, hướng đến năm 2035. Trong đó, TPHCM cần trung ương phân cấp quản lý mạnh mẽ hơn các lĩnh vực quan trọng về kinh tế - xã hội, đặc biệt là sự “công bằng” về tài chính, cụ thể là tỷ lệ điều tiết ngân sách. 

Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 là cơ sở pháp lý vững chắc cần thiết, quan trọng với tiến trình phát triển TPHCM. Song, TPHCM rất cần một hành lang pháp lý khác cùng song hành, tạo thuận lợi và phá vỡ các rào cản trong cơ chế, chính sách hiện hữu.

Cụ thể, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cần xem xét ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành và quy định chi tiết một số điều của nghị quyết này theo hướng phân cấp mạnh mẽ để đảm bảo cho sự chủ động của TPHCM, phù hợp với khả năng và tình hình thực tiễn. Ngoài ra, cũng cần xác định rõ trách nhiệm quản lý của các cơ quan bộ, ngành Trung ương trong việc hỗ trợ, giúp sức cho TPHCM thực hiện hiệu quả nghị quyết này. Có được những yếu tố quan trọng trên, TPHCM sẽ hạn chế và giảm bớt những khó khăn, thách thức, vượt qua rào cản trở lực của cơ chế chính sách và thực hiện tốt nghị quyết của Quốc hội. 


Cơ chế, chính sách phát triển TPHCM là tất yếu

Một số ý kiến chuyên gia cho rằng, cơ chế, chính sách để thúc đẩy TPHCM phát triển vì sự phát triển chung của cả nước là tất yếu. Bởi trên thực tế, với những tiềm năng lợi thế và những thành tựu trong phát triển, TPHCM đã và sẽ là trung tâm của khu vực Đông Nam bộ, rộng ra là cả miền Nam, như một lẽ tự nhiên. Việc phát huy tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy TPHCM phát triển sẽ đóng vai trò quan trọng, mang tính quyết định, thúc đẩy sự phát triển chung của vùng và cả nước. Cơ chế, chính sách này sẽ cần có quy định tạo khung pháp lý về trách nhiệm của các bên trong thực hiện nghị quyết.

Tin cùng chuyên mục