Theo khoản 2 Điều 7 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP (Nghị định 144), hành vi phun sơn, viết, vẽ, dán, gắn hình ảnh, nội dung lên tường, cột điện hoặc các vị trí khác tại khu vực dân cư, nơi công cộng, khu chung cư, nơi ở của công dân hoặc các công trình khác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng đối với cá nhân; phạt đến 4 triệu đồng đối với tổ chức. Tại khoản 3 điều 21, Nghị định 144 cũng quy định: nếu hành vi vẽ bậy làm hư hỏng, gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ thì sẽ bị phạt tiền từ 6-8 triệu đồng. Ngoài ra, hành vi viết, vẽ bậy lên tường, cửa nhà hoặc tường công cộng có thể cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản còn được quy định tại điều 178 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017. Theo quy định trên, hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng.
Theo Thượng úy Phan Đình Linh, Ban Thanh niên Công an TPHCM, hành vi vẽ bậy lên cột điện, tường công cộng được xem là làm mất mỹ quan khu vực, gây ô nhiễm môi trường hình thể và tinh thần, cũng như làm giảm chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Các nội dung vẽ bậy thường đặc trưng bởi tính chất không phù hợp, xâm phạm về đạo đức, làm ảnh hưởng đến tinh thần cộng đồng và giá trị văn hóa. Chính quyền và các cơ quan quản lý đô thị thường xem xét, áp đặt các biện pháp hình phạt nhằm ngăn chặn hành vi này, giữ gìn vệ sinh đô thị và bảo vệ không gian công cộng.
Thời gian vừa qua, Ban Thanh niên Công an TPHCM phối hợp với công an các phường, xã, quận huyện, TP Thủ Đức cùng chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt cao điểm bóc xóa các quảng cáo bẩn trên cột điện, tường… Qua đó, đã tổ chức gần 200 đợt ra quân cấp huyện, gần 8.000 đợt ra quân cấp xã, thu hút hơn 159.703 lượt người tham gia, bóc xóa hơn 2,1 triệu tờ rơi quảng cáo bẩn; thu thập, lên danh sách hơn 3.000 số điện thoại liên quan cho vay tài chính; xử phạt vi phạm hành chính 55 đối tượng về hành vi cho vay, 247 đối tượng về hành vi dán quảng cáo sai quy định. Công an TPHCM đã triệt phá 326 vụ, 519 đối tượng hoạt động liên quan “tín dụng đen”.
Bên cạnh đó, lực lượng công an khi phát hiện đối tượng vẽ bậy ở cột điện, tường công cộng thì đưa về trụ sở làm việc; sau đó sẽ đưa đối tượng ra khu vực đã vẽ bậy để thực hiện tẩy xóa. Đồng thời, công an sẽ lập hồ sơ ban đầu và chuyển sang cho các cơ quan chức năng xử phạt hành chính theo Nghị định 144. Quy định này giúp kiểm soát thông điệp được truyền đạt và bảo vệ hình ảnh của các khu vực công cộng khỏi những yếu tố không mong muốn. Mức phạt được áp dụng nhằm tạo động lực cho người dân, doanh nghiệp tuân thủ quy tắc, giúp duy trì một môi trường sống và làm việc tích cực, sáng tạo.