Gỗ lũa chính là phần lõi gốc của các cây cổ thụ lâu năm đã bị chết, là trầm tích hàng chục năm dưới sông nên không ai xác định đó là loại cây gì. Gỗ lũa rất cứng, không bị mục nát mối mọt hay chịu ảnh hưởng của các yếu tố mưa, nắng, côn trùng...
Để tạc hoàn thiện những tác phẩm từ gỗ lũa phải tốn rất nhiều thời gian và công sức. Khi chế tác, lưỡi cưa rất dễ bị cùn và khó tạo hình.
Theo các chuyên gia và dân chơi gỗ, khi các cây cổ thụ trong tự nhiên chết đi, qua quá trình bào mòn của thiên nhiên sẽ còn lại phần lõi cứng bên trong.
Gỗ lũa chính là phần lõi còn sót lại đó.
Chính vì quá trình hình thành đặc biệt như vậy nên gỗ lũa thuộc dạng quý hiếm, có các ưu điểm cứng, chắc, không bị ảnh hưởng bởi mối mọt và các điều kiện tự nhiên.
Những tác phẩm điêu khắc độc đáo được các nghệ nhân tạo hình từ gỗ lũa như: Bộ sưu tập 12 con giáp, tượng Phật, tượng tế công, tượng quan âm, gốc gỗ làm móng nhà, hòn non bộ, xe mô tô… xuất hiện tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, khiến đông đảo người dân và du khách trong và ngoài nước tìm đến tận mắt chiêm ngưỡng, cũng như ghi lại những hình ảnh độc đáo về loại gỗ đen và lạ mắt.
Đặc biệt, tác phẩm “Tranh phong cảnh làng quê Việt Nam” được điêu khắc từ gỗ lũa nguyên khối được xác lập kỷ lục Việt Nam năm 2022, vì sở hữu kích thước “khủng” và đạt giá trị độc bản.
Bức tranh có chiều dài 24,5m, bề rộng hơn 2m, được nghệ nhân thực hiện trong 6 năm, đặc tả hình ảnh đồng lúa, tát nước, bắt cá, cây đa, mái đình, đám cưới chuột, đời sống sinh hoạt của người dân ở miền Bắc - Trung - Nam.
Chủ nhân của các tác phẩm nghệ thuật này là ông Nguyễn Văn Nghỉ (45 tuổi, ngụ huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), một người dân làm nghề xây dựng.
Ông Nghỉ cho biết, ban đầu cũng chỉ mua những khúc gỗ dưới sông Tiền do người dân thả lưới kéo lên đem về cho vui. Dần dần số lượng gỗ nhiều lên, thấy hình thù độc đáo, ông cùng hàng chục nghệ nhân tạo ra nhiều tác phẩm để trưng bày.
Ông Nghỉ không nghĩ có rất nhiều người thích thú và tò mò tìm đến chiêm ngưỡng.
>>> Nhiều tác phẩm được điêu khắc từ gỗ lũa: